“Lòng nhiệt huyết không bao giờ già!”
(Dân trí) - Những mái đầu bạc quây quần bên nhau sau hơn 30 năm xa cách, ôn lại những ngày hừng hực khí thế thời trai trẻ. Có mái đầu bạc ít, có mái đầu bạc nhiều, nhưng ai cũng bảo: “Lòng mình chưa già!”.
Sáng 14/5, gần 200 anh em cựu Thanh niên xung phong thế hệ đầu tiên của TPHCM đang sinh sống trên khắp cả nước, thế hệ 28/3/1976, thế hệ đã dựng xây Đại nông trường Lê Minh Xuân, đào kinh Trần Quang Cơ,… đã tề tựu về họp mặt tại TPHCM.
Chú Nguyễn Văn Tài, nguyên Liên đội trưởng Liên đội cơ động 12, tâm sự: “Ngày đó mới giải phóng, ai cũng mới đôi mươi, khí thế hừng hực lao ra cánh đồng Chó Ngáp cải tạo nó thành nông trường Lê Minh Xuân tươi tốt như ngày nay.
Trân trọng đeo cho nhau tấm kỷ niệm chương
Ngày đó phải đào kinh bằng cuốc thuổng, uống nước phèn đỏ quạch, ăn củ mì, bo bo… nhưng anh em ai cũng hăng say làm ngày làm đêm. Không thấy đường thì người đốt đuốc, người đào kinh. Đêm nhìn con kinh cứ như một con rồng lửa, vì đuốc sáng kéo dọc con kinh. Đêm về người nhầy nhụa những bùn đất lăn đùng ra ngủ. Vất vả vô cùng nhưng chẳng ai than cực khổ. Chỉ có nhiệt huyết tuổi trẻ mới có thể làm được thế!”.
Chú bảo vệ già Đỗ Văn Trọng ôm chầm lấy đồng đội, hồ hởi hát vang bài ca “Tình đồng chí” dù cả đêm trước phải thức trắng để trực, rồi chạy 50km về Sài Gòn họp mặt cùng đồng đội cũ. Nhưng chú vẫn chạy lăng xăng bưng bàn ghế, dọn sân khấu, phụ ban tổ chức… như không hề biết mình cũng bước qua cái tuổi 50 từ lâu.
Mân mê tờ giấy ghi mấy bài hát, chú tâm sự: “Chú chép ra để tập hát từ hôm nhận được thư mời họp mặt. Mấy chục năm rồi mới gặp lại anh em, phải vui một bữa. Đối với tụi chú thì tuổi tác có thể già, nhưng lòng nhiệt huyết thì không bao giờ già!”.
Những cái bắt tay siết chặt, mừng mừng tủi tủi… Những cái ôm, những nụ cười hết cỡ lộ rõ hàm răng chẳng mấy ai còn đủ số. Nhưng họ vẫn hồ hởi cùng nhau kể về những ngày xưa, những ngày đói cơm, khát nước nhưng lòng nhiệt huyết tràn đầy. Và kể cho nhau nghe những vất vả cuộc đời, nhưng đổi thay trong cuộc sống.
Chú Tài cho hay: “Anh em lâu ngày gặp lại, cũng chẳng làm gì cho lớn. Chỉ là cùng ôn lại chuyện cũ, thăm hỏi động viên nhau sống xứng đáng với tuổi trẻ cống hiến của mình; nếu ai ở cương vị cao thì càng phải sống xứng đáng hơn để đóng góp cho tổ quốc, đừng tha hóa, biến chất mà khổ dân…”.
Ngoài ra, buổi lễ có thêm phần trao Kỷ niệm chương Thanh niên Xung phong, để “mọi người làm kỷ niệm một thời tuổi trẻ”- chú Phạm Văn Thuận, Thành viên Ban tổ chức cho hay.
Gần hai trăm con người có mặt hôm đó, có người là bác sĩ, kỹ sư, là quan chức; cũng có người chỉ là anh bảo vệ già, là chú xe ôm, cô bán hàng rong… Nhưng tất cả đều trân trọng, xúc động khi nhận chiếc kỷ niệm chương này, kỷ niệm một thời gian khó.
Cũng trong buổi lễ, những người đồng đội thành đạt góp phần ủng hộ những anh em khó khăn. Những số tiền 200.000, 500.000, 1 triệu, 2 triệu… tuy nhỏ nhưng làm ấm lòng những cựu thanh niên xung phong vì gia cảnh, bệnh tật… mà đến tuổi già sức yếu vẫn phải bươn chải mưu sinh trong khốn khó.
Đó là những người như cô Trương Thị Ánh, bông hoa tuyến lửa, hồng binh xung phong ra biên giới Tây Nam chuyển thương tải đạn ngày nào nay đã trở thành bà cụ tóc bạc phơ dù tuổi chưa đến 60, ngày ngày bán dạo kiếm sống trên bến phà Thủ Thiêm; hay thương binh Lý Danh đã để lại một phần cánh tay trên chiến trường Tây Nam nay phải chạy xe ôm độ nhật…
Họ xứng đáng được nhận sự hỗ trợ của đồng đội vì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn chưa từng làm gì trái với lương tâm để mưu lợi cá nhân.
Họ, những tấm gương đời thường cho thanh niên hôm nay noi theo…
Tùng Nguyên