Long đong đời bán cơm tàu

(Dân trí) – Đã mấy chục năm nay, đoàn tàu chạy tuyến Vinh (Nghệ An) - Đồng Hới (Quảng Bình) đã hấp dẫn hành khách bởi một món ăn khoái khẩu, “độc nhất, vô nhị” của vùng đất Quảng cơm gà Lạc Sơn. Gắn liền với nó, là cuộc mưu sinh nhọc nhằn của bao con người.

Lên tàu chợ tìm cơm gà

Đoàn tàu được người dân quen gọi là tàu chợ bởi vé lên tàu ngồi không có số ghế, chạy lắc lư chậm rãi và dừng ở tất cả các ga. Vì vậy, đây là chuyến tàu duy nhất được những người bán hàng rong chọn làm hành trình để mưu sinh, trong đó có bán cơm gà Lạc Sơn. Mua vé ở ga Chu Lễ (Hà Tĩnh) lên tàu vào Quảng Bình, chúng tôi đã có một chuyến trải nghiệm thú vị đi tìm hiểu món cơm gà Lạc Sơn đã nổi tiếng từ lâu.

Lên tàu đảo mắt, tìm khắp các toa nhưng không thấy các chị em bán cơm gà như lời đồn thổi ở đâu, chúng tôi tò mò hỏi chị Mỹ, một tiểu thương thường xuyên chọn tàu chợ để đi trên tuyến này, thì được biết, muốn ăn cơm gà Lạc Sơn phải vào tới ga Tân Ấp giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình thì mới có.

Từ ga Chu Lễ vào ga Tân Ấp còn khoảng gần 40km, mất hơn 1 giờ đồng hồ nữa mới tới nơi, khiến chúng tôi càng nóng lòng chờ đợi. Gọi một ly cà phê nóng, nhâm nhi từng giọt, nhìn phong cảnh làng quê hữu tình nơi miền sơn cước chầm chậm trôi qua tấm lưới sắt của cửa sổ con tàu, cảm giác khoảng thời gian chờ tàu chạy đến ga Tân Ấp thật thú vị biết bao.

Tranh thủ hỏi thêm chị Mỹ cho rõ vì sao đến ga Tân Ấp mới có thể thưởng thức món cơm gà Lạc Sơn, chị giải thích: “Mấy cô bán cơm gà quê ở tận thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Buổi sớm các cô ấy đón tàu ở ga Lạc Sơn lên bán cơm dạo cho hành khách, đến ga Tân Ấp thì xuống không đi tiếp đến các ga khác nữa vì đến đây là vừa kịp thời gian để các cô ấy đón chuyển tàu chợ ngược chiều bán hàng trở vào. Đi buôn mấy năm nay, tôi thường ăn món cơm này trên tàu nên tôi biết rõ hành trình của nó”.

Lát sau, chị Mỹ nói vọng sang nhắc nhở: “Gần đến ga Tân Ấp rồi đó, các chú chuẩn bị tinh thần mà thưởng thức cơm gà nhé! Ngon lắm đó, miễn chê luôn!”. Lời giới thiệu chân thành của chị Mỹ càng kích thích vị giác của chúng tôi đến cao độ.

“Kính thưa quý khách! Đoàn tàu đang đưa quý khách vào ga Tân Ấp...”, loa thông báo của nhà tàu phát ra, đoàn tàu vừa dừng bánh, dưới sân ga chúng tôi đã thấy sáu người phụ nữ trạc tuổi ngũ tuần đầu đội thúng đang cố nhanh chân chen lên tàu. Lúc đó đã hơn11h trưa. Chị Mỹ bảo: “Đấy! Đấy...! Các cô bán cơm gà đó!”.

Cơm gà Lạc Sơn được chị em khẩn trương đưa lên tàu để bán
Cơm gà Lạc Sơn được chị em khẩn trương đưa lên tàu để bán

Vừa bước lên tàu, sáu người phụ nữ tỏa đi khắp đoàn tàu để bán cơm. Giọng chị nào cũng nhẹ nhàng, ngọt lịm, từ tốn mời khách: “Cô chú ăn cơm gà nhé! Cơm gà nóng hổi, thơm ngon đặc sản Quảng Bình đây!”. Khách trên tàu đi tuyến này dường như ai cũng háo hức chờ đợi để được ăn cơm gà, không ăn những thứ khác mặc dầu trời đã trưa lắm rồi. Đầu toa tàu, một chị vừa mở thúng cơm bán cho khách quen, mùi thịt gà thơm phức quyện với hương cơm gạo quê và măng rừng đã ngào ngạt tỏa ra, khiến nhiều người trầm trồ: “Ôi! Thơm quá!”.

Với cách chế biến đặc biệt, cơm gà Lạc Sơn trở thành 
Với cách chế biến đặc biệt, cơm gà Lạc Sơn trở thành 
đặc sản hấp dẫn cho hành khách đi tàu chợ

Chờ đợi đã lâu, thấy mọi người thích thú gọi cơm gà để ăn trưa, chúng tôi cũng gọi một đĩa để thưởng thức. Tiến lại gần hàng ghế chúng tôi đang ngồi, chị Long với khuôn mặt hiền từ đã nở nụ cười tươi rói, bảo: “Các em dùng hai đĩa nhé! Đi tàu ni mà không ăn cơm gà là chưa phải đi tàu rồi!”.  Nhận được cái gật đầu tâm đắc từ hai vị khách lần đầu tiên đi tàu chợ, chị Long nhẹ nhàng đặt thúng xuống, tất cả cơm, gà, muỗng đĩa, nước dùng được chị gói gọn trong đó bằng túi ni lông và phủ khăn giữ nóng, nhờ thế dẫu đi bán cả ngày cơm vẫn ấm và ngon. Rồi chị nhanh chóng xới cơm ra đĩa, khéo léo mở nắp xoong gắp từng miếng thịt gà kho vàng óng bắt mắt, một ít măng và môn chua, dùng muỗng chan một ít nước gà tưới đều lên cả đĩa. Mùi vị bốc lên thật hấp dẫn.

Một khách đi tàu háo hức chờ đợi được thưởng thức 

Một khách đi tàu háo hức chờ đợi được thưởng thức món cơm gà Lạc Sơn nổi tiếng của chị Long

Bưng đĩa cơm gà đặc sản nổi tiếng trên tay với giá 30.000 đồng, chậm rãi nếm thử từng miếng một, vị giác cảm nhận cơm vừa dẻo lại vừa bùi, thịt gà có một vị rất riêng, vừa ngọt, vừa béo, vừa cay lại thơm ăn kèm với măng và môn chua nữa thì thêm ngon miệng.  Đúng là “độc nhất vô nhị” , chẳng hề giống món cơm gà ở bất cứ nơi nào, ăn một đĩa rồi lại muốn ăn thêm, dư vị cứ đọng lại trong miệng.

Thấy chúng tôi tấm tắc khen ngon, chị Long mát lòng giới thiệu: “ Món cơm gà này được chị nấu từ gạo quê mới thu hoạch xong, rất thơm và dẻo. Còn gà chọn loại gà thả rong, tự tìm thức ăn trên núi, uống nước sông đầu nguồn nên thịt chắc, xương giòn, lại nấu với măng tre rừng với một công thức chế biến đặc biệt theo truyền thống của làng nên có vị riêng không lẫn vào đâu được. Lần sau đi tàu các em nhớ mua cơm cho chị nhé!”.


Nhọc nhằn mưu sinh


Hỏi về nguồn gốc cơm gà Lạc Sơn, chị Long kể, thôn Lạc Sơn quê chị nghèo khổ, nằm heo hút, cách trở  bên bờ hữu ngạn sông Gianh, muốn đi về xuôi phải qua đò. Nhưng từ ngày có đường sắt chạy qua, có ga xép Lạc Sơn, việc đi lại, giao thương với các vùng trở nên thuận lợi hơn. Những con tàu đi qua đã mang đến ánh sáng tươi mới và những hy vọng đổi thay nho nhỏ cho vùng đất cằn cỗi này.

Chị Long say tự hào kể về nguồn gốc cơm gà Lạc Sơn và những tháng ngày 
Chị Long say tự hào kể về nguồn gốc cơm gà Lạc Sơn và những tháng ngày vất vả mưu sinh với món ăn "đọc nhất, vô nhị" này


Làm nông không đủ ăn, hạn hán và lũ lụt khiến nhiều năm ruộng đồng mất trắng, buộc nhiều gia đình đã nhảy tàu chợ đi buôn. Ông cha kể lại thì tư duy bán hàng rong gắn liền với những con tàu chở hành khách đi qua quê hương đã xuất hiện vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Ban đầu, chị em Lạc Sơn nhảy tàu để bán nước chè xanh, bắp ngô, củ lạc, khoai luộc sẵn... nhưng rồi sau đó thấy nhiều hành khách hỏi mua cơm để ăn mà không ai bán, chị em bàn nhau về nấu thêm cơm đem lên tàu bán để kiếm thêm thu nhập. Cơm có thịt lợn, cá, gà, rau. Dần dần thấy khách đi tàu chỉ khen cơm thịt gà ngon hơn và từ đó chị em chỉ bán mỗi cơm gà để mưu sinh, thành một món ăn đặc sản cho đến bây giờ.

Những thúng cơm gà đội đầu bán dạo sẽ nuôi sống nhiều gia đình ở Lạc Sơn
Những thúng cơm gà đội đầu bán dạo sẽ nuôi sống nhiều gia đình ở Lạc Sơn


Nhưng để đem được đĩa cơm gà truyền thống của làng đến với hành khách, kiếm thêm miếng cơm, manh áo cho gia đình, chị Long cùng bao thế hệ chị em khác đã phải vất vả đổ mồ hôi, công sức, thậm chí là nước mắt. Đó là những chuỗi ngày mưu sinh gian khổ.

Sáu chị mang những cái tên Long, Hải, Hoa, Lương, Nga, Hương đều đã có tuổi đời thâm niên hành nghề bán cơm dạo trên tàu trên 20 năm. Nhiều nhất như Chị Long đã gần 40 năm. Tuổi thơ của các chị chỉ biết học hành cho biết mặt chữ, rồi theo mẹ lên tàu bán cơm từ khi còn 13, 14 tuổi. Chị Hải ngậm ngùi tâm sự: “Lúc đó nhà quá nghèo, lại đông anh em, nên chị đành nghỉ học giữa chừng lên tàu phụ giúp mẹ đi bán cơm để đỡ đần gia đình. Đến tuổi lấy chồng mẹ bàn giao lại ngón nghề tự lập kiếm kế sinh nhai. Từ đó đến nay, chị đã có gần 25 năm hành nghề”.

Một nhóm hành khách vui nhậu sau toa để hàng với món gà kho Lạc Sơn
Một nhóm hành khách vui nhậu sau toa để hàng với món gà kho Lạc Sơn


Hầu hết các chị đều đông con và đang ở độ tuổi ăn học, nên gánh nặng áo cơm hết sức nhọc nhằn. “Ngoài chị Long chỉ có ha con, còn các chị còn lại đều đông con cả, nhiều nhất là chị Hảo sinh tới 6 mặt con, bán được đĩa cơm để nuôi nấng cho chúng khôn lớn vất vả hết chỗ nói”, chị Hải vừa sắp xếp, gói gém lại thúng cơm vừa buông lời chia sẻ.

Ngày nào cũng như ngày nào, dẫu thời tiết ra sao, các chị gọi chồng con dậy sớm từ 4 giờ sáng để phụ giúp nấu cơm, bắt gà làm thịt để kho từ 3 đến 4 con. Nấu xong trời vừa sáng, chồng đi rừng, các con đến trường, còn các chị chuẩn bị lên đường hành trình bán cơm. Một ngày mới đối với các chị là một ngày chờ mong bán được nhiều hàng và lời kha khá.

Chị Long cho biết: “Mỗi thúng cơm nếu suôn sẻ thì lời khoảng từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng. Những ngày Tết thì bán được lời được khá hơn, khoảng 250.000 đồng”.


Nhưng kiếm đồng tiền cũng chẳng thật dễ dàng vì cũng có ngày tàu ít khách, không bán được nhiều, các chị đành ngậm ngùi chịu lỗ. Vì vậy, trước đây các chị thường lên tàu ở ga Lạc Sơn, nhưng giờ đây không như thế nữa, mà đi xe máy với khoảng cách hơn 20 km để đến ga Minh Lệ, rồi đón tàu ở đó để có thêm một quãng đường dài, bán thêm cho được nhiều hành khách hơn.

“Nhiều lúc vì tàu đông khách, chen chúc nhau lên xuống cửa tàu, các chị em chân yếu tay mềm nhảy tàu không nổi đã đổ hết cả thúng cơm lên đường ray. Những lúc như thế chỉ biết ôm mặt mà khóc vì cả thúng cơm trị giá 6 - 7 trăm ngàn đồng đã thành công cốc. Trước đây còn có bọn côn đồ lai vãng có mặt trên tàu, thường ăn quỵt không trả tiền, cay đắng lắm nhưng phận gái, không làm gì được, đành chịu lún vì nếu lên tiếng chúng nó sẽ tìm cách cấm vận và đánh đập”, một chị nhớ lại với giọng buồn rầu, uất hận đến tội nghiệp.

Chen chân lên tàu không khéo, thúng cơm của chị em dễ đổ xuống đường ray, 

Chen chân lên tàu không khéo, thúng cơm của chị em dễ đổ xuống đường ray, chuyển buôn đành mất trắng trong ngậm ngùi tiếc nuối.

Những lúc không bán hết hàng trên tàu, các chị lại đội thúng đi vào trong các thôn xóm để bán dạo cho đến tối mới trở về. Cực nhất là những lúc trời mưa gió, rét buốt cũng phải gắng sức mà đi. Bởi không ai trong các chị mong muốn hàng bị ế ẩm, lỗ vốn phải ngậm ngùi quay về trong khi hành trang ngày mai tới trường của các con đang chờ đợi vào những đồng tiền lời ít ỏi của mẹ.

Khi bùng phát dịch cúm gia cầm, cơm gà Lạc Sơn của các chị cũng lao đao vì khách không dám ăn dù gà Lạc Sơn không hề bị dịch. Các chị đành ráng ở nhà làm việc đồng áng, chờ dịch cúm được dập tắt mới tiếp tục lên tàu mưu sinh. Một ngày không được đi bán cơm là một ngày buồn bã của chị em. “Ngày mô không được đội thúng cơm trên đầu đi bán thấy trong người bứt rứt, khó chịu vô cùng. Cái nghề này đã là cái nghiệp để nuôi sống gia đình. Càng đi, bọn chị cảm giác trong người càng khỏe, thân hình ngày một trở nên dẻo dai hơn”, chị Hải cười rôm rả tâm sự.

Vất vả, nhọc nhằn mưu sinh trên từng chuyển tàu đã mấy chục năm nay 
Vất vả, nhọc nhằn mưu sinh trên từng chuyển tàu đã mấy chục năm nay của chị em ở thôn Lạc Sơn.
 
Được biết, thôn Lạc Sơn có khoảng 240 hộ, trong đó hành nghề chính là bán cơm gà. Chị em rủ nhau mỗi người tỏa ra một hướng hay theo từng nhóm nhỏ, chọn cho mình một địa điểm thuận lợi để bán cơm gà. Dẫu ở đâu, trên tàu hay trên xe, dưới hàng quán hoặc các trung tâm chợ búa…; dẫu bán được hàng hay ế ẩm, với thúng cơm gà đặc sản của quê hương các chị em vẫn nhẹ nhàng, từ tốn mời khách mua, không hề có chuyện chèo kéo, ép giá, chặt chém…

Cơm gà Lạc Sơn ngon không chỉ bởi cách chế biến rất riêng mà còn bởi văn hóa bán hàng của các chị em chân chất thật thà, đậm chất quê đã níu lòng khách thập phương thưởng thức, tấm tắc khen ngon, một lần ăn rồi dư vị mãi không thôi

 
Bá Hải – Văn Dũng