1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lời thề “kỳ lạ” khiến hơn 400 năm trai gái hai làng không lấy nhau

Hai ngôi làng chỉ cách nhau một cánh đồng, nhưng hơn 400 năm qua, lời thề từ thế hệ trước của hai làng Quang Ốc và làng Nội Rối, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam như một rào cản khiến gái làng Quang Ốc chưa bao giờ kết hôn với trai làng Nội Rối…

Gốc tích lời thề…

Từ làng Quang Ốc sang làng Nội Rối mất khoảng 10 phút đi bộ, nhưng gần 400 năm nay, con gái ở làng Quang Ốc chưa bao giờ kết hôn với trai làng Nội Rối. Chẳng phải hai làng có “thâm thù oán hận” gì, cũng không phải gái làng Quang Ốc không dịu dàng, đằm thắm, nết na xinh đẹp hay trai làng Nội Rối không cần cù, siêng năng, chăm chỉ như trai làng khác. Câu chuyện dẫn đến sự việc trên bắt đầu từ việc thế hệ đi trước của làng Quang Ốc đã thề rằng sẽ không bao giờ để con gái làng mình kết hôn với trai làng Nội Rối. Cụ Nguyễn Văn Cửu (96 tuổi) người cao tuổi nhất làng Quang Ốc còn mường tượng trong trí nhớ của mình rằng, làng Quang Ốc và Nội Rối trước kia là 2 làng thông gia với nhau. Con gái của Trưởng bạ Quang Ốc nên duyên vợ chồng với con trai của Trưởng bạ làng Nội Rối. Cuộc sống của hai làng vẫn êm ả, yêu quý nhau nhưng đến khi cuốn sổ điền của gia đình ông Trưởng bạ làng Quang Ốc (người trông coi sổ sách địa chính lúc bấy giờ) bị mất thì xung đột xảy ra.

Đình Làng Quang Ốc hướng về phía làng Nội Rối

Đình Làng Quang Ốc hướng về phía làng Nội Rối

Vào ngày nhà ông Trưởng bạ làng Quang Ốc có giỗ, nên cô con gái xin phép gia đình chồng về bên nhà để ăn giỗ. Về đến nhà cô thấy cha mình đang phơi giấy tờ, sổ sách ngoài sân, khi mọi việc xong xuôi cô xin phép gia đình về bên nhà chồng ở làng Nội Rối. Về đến nhà, cô con dâu vô tình nói với chồng và cha chồng là bố con hôm nay phơi sổ sách ngoài sân. Thấy cô con dâu nói thế, vị Trưởng bạ làng Nội Rối mới bảo con dâu về nhà lấy cho bố mượn cuốn sổ màu xanh (sổ điền lúc bấy giờ). Tưởng bố chồng mượn về xem qua nên cô con dâu không chút nghi ngờ lại về nhà lấy rồi đưa cho bố chồng nhưng cũng không hỏi qua cha đẻ mình. Sau khi nắm trong tay sổ điền của làng Quang Ốc, vị Trưởng bạ làng Nội Rối không màng đến thân tình của hai làng và gia đình mà tiến hành ngay việc nộp thuế đất của làng Quang Ốc và xem đấy là đất của làng Nội Rối.

Lúc này Trưởng bạ làng Quang Ốc mới biết được sự tình là sổ điền đã bị lấy mất, liền đi đến quan để phân rõ sự tình, nhưng chỉ nói mà không có sổ thì không làm gì được. Biết thất thế, nên Trưởng bạ làng Quang Ốc đã huy động bà con, thanh niên trong làng ngay trong một đêm đào, đắp một con đường mà làng Nội Rối chưa cắm đất của mình để phân rõ ranh giới đất đai của hai làng. Để cho chắc chắn, người dân trong làng huy động toàn bộ nhân lực di chuyển đình làng từ giữa làng ra ngoài gần con đường mới đắp, ngoảnh hẳn mặt về phía làng Nội Rối để khẳng định “chủ quyền” của làng. Sau đấy, một cuộc họp trong làng được tổ chức tại đình Quang Ốc.

Nguyên nhân mất sổ điền là do con gái của Trưởng bạ đánh cắp mang sang nhà chồng, gây tổn hại đến đất đai của làng. Để không có chuyện tương tự nào xảy ra nữa mọi người trong buổi họp đã thống nhất đưa ra lời thề là “Từ nay và về sau gái làng Quang Ốc sẽ không lấy trai làng Nội Rối”. Để chứng minh và dặn dò con cháu sau này các cụ đã dùng chiếc đinh gỗ đóng vào cột đình của làng. Gần 400 năm nay, chiếc đinh vẫn “yên vị” một chỗ và lời thề vẫn chưa được phá bỏ.

Còn cụ Cao Văn Trạc (87 tuổi), là người trông coi đình làng Nội Rối cho biết, câu chuyện trên cụ cũng được ông cha xưa kể lại, nhưng cụ cũng không nhớ rõ đó là thời điểm nào, chỉ biết là các cụ truyền nhau rằng, ngày xưa việc tranh chấp đất đai giữa hai làng là có, do làng Quang Ốc thất thế, nên mới lập ra lời thề như vậy. Nếu tính đất đai mất lúc bấy giờ cũng lên đến 20 mẫu ruộng. Cụ Trạc cũng cho biết, việc trong một đêm dân làng Quang Ốc đắp một con đường phân chia đất đai giữa hai làng.

Nhưng việc làng Quang Ốc đóng đinh để lập lời thề thì cụ không biết. Cụ chỉ chắc chắn là có việc làng Quang Ốc có lập lời thề trên.

Con đường trong một đêm người dân làng Quang Ốc đắp để phân chia đất.

Con đường trong một đêm người dân làng Quang Ốc đắp để phân chia đất.

Qua 400 năm lời thề vẫn chưa được phá bỏ

Làng Quang Ốc nay đã khác xưa nhiều, những con đường được bê tông hóa trải dài khắp ngả đường, những mái nhà vững chãi, hiện đại và kiên cố mọc lên san sát. Nhưng con đường lịch sử phân chia địa chính với làng Nội Rối được xây đắp trong đêm cách đây gần 400 năm vẫn còn đó. Đình làng Quang Ốc vẫn uy nghiêm sừng sững, ngoảnh mặt về phía làng Nội Rối. Đặc biệt, ở trong đình làng Quang Ốc vẫn còn một chiếc đinh gỗ đóng vào thân cột đình. Nó là những minh chứng lịch sử cho lời thề mà trước đây dân làng Quang Ốc đã thề.

Bác Nguyễn Văn Điều (67 tuổi), người dân làng Quang Ốc tâm sự: “Ngay từ bé tôi hay qua đình làng chơi đã thấy chiếc đinh gỗ đóng ở đình làng. Hỏi các cụ thì tôi mới biết đó là chiếc đinh gắn với lời thề không cho gái làng tôi lấy trai làng Nội Rối. Đến bây giờ chiếc đinh vẫn còn đó. Mà kể cũng lạ, thế hệ trước đây và cho đến chúng tôi, sau này là con cháu vẫn chưa có một cô gái làng này đi lấy chồng ở làng Nội Rối”. Cũng trong trí nhớ của hai cụ Cửu và cụ Trạc, từ trước đến nay giữa hai làng vẫn qua lại với nhau, trai gái làng vẫn bạn bè thân mật nhưng lại không có cặp đôi nào yêu nhau và nên duyên vợ chồng. Từ khi lời thề được lập cho đến nay, chỉ có đúng một người duy nhất là ông Kim Văn Bồi, người làng Quang Ốc lấy vợ là người làng Nội Rối, nhưng sau khi lấy vợ thì ông Bồi cũng sang làng Nội Rối định cư. Còn tuyệt nhiên chưa một trường hợp con gái làng Quang Ốc kết hôn với con trai làng Nội Rối xảy ra.

Cụ Trạc cho biết: “Chẳng phải chúng tôi có “oán hận thâm thù” gì, cũng chẳng biết có phải do lời thề của các cụ để lại hay không, nhưng hiện nay quan hệ giữa hai làng rất tốt, chưa bao giờ có xích mích này nọ. Chúng tôi cũng đùm bọc, giúp đỡ nhau, việc các cụ thề cũng chỉ là tích xưa truyền lại cho con cháu mà thôi”. Cũng như cụ Trạc, cụ Cửu cũng cho biết, hai làng hiện nay quan hệ rất tốt, cũng không có thành kiến gì, việc câu chuyện từ thời xa xưa để lại vẫn là “ẩn số”, dù có phá bỏ lời thề hay không thì đó cũng được xem là nét văn hóa của người dân hai làng.

Đức Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm