1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Lội sông tìm chữ

(Dân trí) - Cô Huỳnh Thị Thịnh, giáo viên Trường Tiểu học Ba Cung (Ba Tơ, Quảng Ngãi) nói: “Nếu học một buổi, các em lội sông Liên hai lần/ngày; học cả ngày thì phải lội sông 4 lần chứ không thể ở lại trưa vì nhiều em không có nổi 3 ngàn ăn một gói mì tôm...”.

Trường PTCS và tiểu học Ba Cung nằm ngay cạnh quốc lộ 24 nhưng với 50 em học sinh sống bên kia sông Liên thuộc hai làng Đồng Dâu và Con Cua của thôn 3, đó là một vị trí quá xa xôi. Dù chỉ cách một tầm nhìn song sông Liên đã thành vật cản lớn nhất đối với các em trên đường tới trường. Để kiếm cái chữ, mỗi ngày các em phải sang sông bằng đủ cách, khi thì lội bộ, lúc đi đò, tùy theo con nước. Những ngày lũ lớn đầu tháng 11 vừa qua, hầu như học sinh phải nghỉ học vì sông Liên nước chảy xiết rất nguy hiểm.

 

Chủ tịch UBND xã Ba Cung, ông Phạm Trung Tân, cho hay: “Những năm trước đây, một số  hộ dân đã bỏ tiền ra mua ghe để chở người qua sông Liên nhưng xã thấy bất tiện vì dân bên kia sông rất nghèo mà mỗi lần qua lại đò giang là một lần tốn kém. Bắt đầu từ mùa mưa năm 2010, xã đã bỏ kinh phí 20 triệu để mua một con thuyền, giao cho anh Phạm Văn Lơ làm tổ trưởng, thay nhau chèo đò. Mỗi năm, các hộ dân đóng góp cho tổ phục vụ này bằng lúa, tùy theo mức độ “giao thương” của từng nhà; riêng học sinh, giáo viên và cán bộ đi công tác thì miễn phí hoàn toàn”.
 
Lội sông tìm chữ - 1

Các học sinh nhỏ chuẩn bị lội sông tới trường

 

Tuy nhiên, đối với học sinh, để được đặt chân đến ngôi trường bên kia sông vẫn là cả một nỗi gian nan, vì muốn đến được bến đò các em còn phải lội qua hai con suối nhỏ. Mùa nước cạn còn đỡ, mùa mưa về là rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Để lội qua hai con suối rồi tiếp cận bến đò, nhiều bé gái đã phải chuẩn bị… hai chiếc quần, một chiếc để mặc đến lớp, chiếc còn lại để lội qua suối! Những em nhỏ, cha mẹ phải cõng qua suối để tới bến đò.

 

Vất vả là vậy nhưng đáng quý là trong suốt 5 năm qua, chưa một em học sinh tiểu học nào bỏ học. Cô Thịnh đã khoe với chúng tôi niềm tự hào ấy khi nghe câu hỏi có bao nhiêu em đã nản lòng bỏ học vì đò giang cách trở.

 

Thực ra, để học sinh gắn bó với trường lớp, ngoài nỗ lực của chính các em và các phụ huynh phải kể đến sự cưu mang, đùm bọc của các giáo viên Trường tiểu học Ba Cung này. Đây là trường toàn cô giáo nên rất hiểu tâm lý các em. Những ngày nước cạn, đò giang thuận lợi thì cô giáo khỏi lo. Nhưng khi có mưa ở thượng nguồn, biết thế nào vài ba giờ sau nước sông Liên cũng lớn, các cô khuyên nhủ các em ở lại qua đêm. Có gì ăn nấy, cô trò chia nhau từng gói mì, từng mớ rau hiếm hoi trong mùa mưa lũ. Nhà cửa, phòng ốc quá chật chội nhưng các cô vẫn nhường cả giấc ngủ cho học sinh của mình, coi chúng như con. Có lẽ chính tấm lòng ấy của các cô giáo đã níu giữ các em ở lại với trường lớp.

 

Ông Phạm Trung Tân, Chủ tịch xã Ba Cung, trao đổi: “Người ta” đã khảo sát, tiến hành đền bù hoa màu cho dân để làm một chiếc cầu treo qua sông Liên, cứ ngỡ là trong năm nay sẽ xong, ai ngờ Nghị quyết 11 của Chính phủ (về kiềm chế lạm phát) chưa cho phép làm cầu. Vậy là, giấc mơ về một cây cầu cho các em Ba Cung bên kia sông Liên vẫn chưa thành hiện thực.

 

Nhưng Ba Tơ đâu phải chỉ có Ba Cung mới lội sông tìm chữ. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Phòng Giáo dục huyện Ba Tơ thống kê một loạt các điểm trường trong huyện phải chịu khốn khó khi mùa mưa về. Ở Ba Điền thì qua làng Tương, ở Ba Vì thì qua Nước Ui, ở Ba Dinh thì qua suối Vả Rêu… Mỗi điểm trường đều có đến 30-50 em hàng ngày phải lội sông tìm chữ.
 

“Không biết đến bao giờ mới có thể làm được những cây cầu để các em đến lớp được dễ dàng. Huyện còn nghèo quá các anh à” - ông Tuấn buồn bã nói.

 

Trà Ban

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm