1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lời khẩn cầu của một thương binh

(Dân trí) - Những ngày cận Tết Quý Tỵ, ông Nguyễn Hoàng Giang (SN 1964), thương binh hạng 2/4, mất sức lao động 61%, ngụ thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng, đã ôm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng về việc chính quyền địa phương hành xử không đúng với gia đình ông.

Theo trình bày của ông Giang cũng như xác nhận của nhiều cán bộ hưu trí và người dân địa phương: Tháng 7/2003, ông được nhà nước xây cho một căn nhà tình nghĩa ở ấp 3, thị trấn Phú Lộc, nhưng nơi đó nằm giữa đồng, không có dân cư, xa trung tâm thị trấn, khó khăn trong đi lại. Năm 2011, chị dâu của ông là bà Nguyễn Thị Nga và người cháu tên là Nguyễn Thanh Tùng (con bà Nga) đã cho ông một phần đất cũng tọa lạc tại ấp 3, thị trấn Phú Lộc (nằm ngay trung tâm thị trấn) và kêu ông về làm nhà ở cho thuận tiện. Phần đất này là của cha ruột ông Giang là ông Nguyễn Ngọc Năng (mất năm 1997) để lại cho vợ chồng bà Nga, đã có giấy tờ Chứng thư cấp quyền sở hữu năm 1969 của chính quyền cũ.
 
Ông Giang bắc thang trèo rào đón khách vào nhà

Ông Giang bắc thang trèo rào đón khách vào nhà

 

Năm 2004, người cháu của ông là Nguyễn Thanh Tùng cũng đã làm hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được UBND thị trấn Phú Lộc xác nhận đủ điều kiện cấp giấy nhưng lại bị ách lại cho đến nay mà không có lý do thỏa đáng.

 

Sau khi được cho đất, ông Giang làm đơn xin dời nhà và được UBND thị trấn Phú Lộc chấp thuận. Làm nhà xong, ông Giang xin lắp đồng hồ điện, kéo nước sử dụng trong sinh hoạt và đều được chấp thuận. Do phần đất của chị cho ông Giang nằm sát phần đất của huyện cho doanh nghiệp tư nhân Tuấn Khanh thuê để làm bãi lên xuống hàng hóa nên ông Giang thỏa thuận và được doanh nghiệp này chấp thuận cho mở đường đi qua phần đất đó để vào nhà cho thuận lợi.

 

Tuy nhiên, sau khi đã ký hợp đồng kéo điện, kéo nước xong không lâu, chính quyền huyện Thạnh Trị cho rằng ông xây nhà không xin phép, xây nhà sau khi đã có hàng rào (kéo bằng dây thép gai) của bãi lên xuống hàng hóa nên lập biên bản phạt hành chính ông Giang 12,5 triệu đồng. Ông chấp nhận phạt và xin nộp tiền thành nhiều đợt nhưng địa phương không cho, bắt phải nộp một lần. Đồng thời, chỉ đạo ngành điện lực, cấp nước cắt điện, cúp nước không cho gia đình ông Giang sử dụng.

 

Đồng thời, huyện cũng buộc doanh nghiệp Tuấn Khanh phải rào lại, không cho gia đình người thương binh này đi vào nhà bằng cổng thuận lợi. Ngày 27 Tết Quý Tỵ vừa qua, chính quyền thị trấn mời vợ chồng ông lên làm việc thì ở nhà có người đến dùng dây xích khóa cửa rào, dùng cây sắt hàn chặt cổng rào nhà ông Giang.
 
Cổng nhà ông Giang bị rào kín suốt từ Tết Nguyên đán đến nay
Cổng nhà ông Giang bị rào kín suốt từ Tết Nguyên đán đến nay

 

Trước tình thế đó, ông Giang phải chạy lên cầu cứu UBND tỉnh Sóc Trăng và được một cán bộ Phòng tiếp dân động viên: “Chú cứ về, ủy ban điện thoại xuống huyện yêu cầu có điện nước cho chú sử dụng và mở cổng rào cho chú vào nhà”. Thế nhưng khi ông về thì mọi việc vẫn không được giải quyết. Tết cận kề, bàn thờ cha mẹ và người anh là liệt sĩ Nguyễn Hoàng Tư (hy sinh năm 1968) không được hương khói, ông buộc lòng phải chui hàng rào và phá cổng rào để vào nhà. Lúc này chính quyền cho công an đến lập biên bản.

 

Ông Giang nói: “Ngày tết ông bà mỗi năm một lần, vậy mà địa phương không cho gia đình tôi kéo điện, không cho nước sinh hoạt, thật là xót xa. Vì vậy, ngày giáp tết, chính quyền cho người đến tặng quà tết, tôi mang trả không nhận vì có ý nghĩa gì đâu”.

 

Ngày 27/2, chính quyền địa phương cho lực lượng xuống dùng dây thép gai cột chặt cổng rào, bịt kín cổng không cho gia đình ông Giang vào nhà. Bí đường, gia đình người thương binh này phải bắc thang trèo hàng rào để ra vào nhà.

 

Ông Lê On, cán bộ hưu trí ở ấp 3, thị trấn Phú Lộc nói: “Thời chống Mỹ, chúng tôi cầm súng đánh kẻ thù. Nhưng khi đứng trước một tên tù binh, chúng tôi không nỡ đánh chúng vì dù sao họ cũng là người. Vậy mà bây giờ, một thương binh như chú Giang, có anh trai là liệt sĩ lại bị chính quyền đối xử như vậy thì thật là bất công. Trong khi đó, cùng lối với chú Giang còn có nhà bà Trúc và ông Ngầu thì hai nhà này tự mở và có lối đi, còn chú Giang được doanh nghiệp đồng ý cho mở thì bị chính quyền xử lý”.

 

Theo ông Lê On, ông Giang có lỗi khi làm nhà không xin phép, chính quyền đã xử phạt hành chính rồi. Hơn nữa, ông Giang làm nhà ngay giữa thị trấn chứ không phải ở nơi xa xôi. Đáng lẽ khi ông Giang làm nhà, chính quyền phải xuống kiểm tra, nếu chưa đúng thủ tục thì hướng dẫn chứ không phải chờ xây xong rồi xuống phạt và gây khó khăn như vậy.

 

Ông Giang phân trần: “Tôi nghĩ mình đã được cho phép dời nhà tình nghĩa về đây nên khi xây dựng nhà tôi không xin phép. Nếu địa phương giải thích thì tôi phải thực hiện đúng. Cho nên khi xây xong, vào ở rồi mới bị xử phạt, tôi chấp hành chứ không cãi cọ gì. Chỉ xin cho nộp phạt nhiều lần vì nhà nghèo quá thôi”.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị giải thích: “Ông Giang cất nhà không phép trên đất công nên không được kéo điện, nước là đúng qui định của pháp luật. Còn việc rào cổng nhà ông Giang hôm 27 Tết Nguyên đán là do doanh nghiệp Tuấn Khanh thực hiện theo yêu cầu của địa phương”.

 

Khi chúng tôi hỏi có biên bản nào chứng minh đất ông Giang làm nhà là đất công thì ông Nghiệp cho biết: “Sẽ cho bên văn phòng cung cấp đầy đủ hồ sơ”. Nhưng hai lần đến Văn phòng UBND huyện Thạnh Trị thì được chỉ qua gặp ông Phó trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng. Hỏi ông này thì ông bảo phải gặp trưởng phòng. Gia đình thương binh Nguyễn Hoàng Giang hiện vẫn cứ ngày ngày trèo thang qua lại hàng rào đội đơn đi kêu cứu mà không biết bao giờ mới được xem xét.

 

Bạch Dương