1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lời kêu cứu khẩn thiết từ hồ Ba Bể

(Dân trí) - Việc khai thác mỏ quặng ở các dãy núi xung quanh trong lưu vực nước chảy về đã bồi lấp nhanh chóng Hồ Ba Bể. “Cái chết” của hồ Ba Bể là chắc chắn nếu không có những hành động khẩn trương để ứng cứu.

Thời gian vừa qua hàng trăm người dân ở các bản thuộc xã Quảng Bạch và xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn gửi tới Hội đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội và cơ quan chức năng nhiều lá đơn kêu cứu tình trạng các mỏ quặng khai thác quanh khu vực hồ Ba Bể đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vốn yên bình, trong lành trước đây tại các thôn, bản.
 
Lời kêu cứu khẩn thiết từ hồ Ba Bể - 1
Nước thải từ mỏ sắt Pù Ổ...
 
Theo phản ánh liên tiếp của người dân thôn Nà Áng, xã Đồng Lạc, huyện chợ Đồn, mỏ sắt Pù Ổ- Khuổi, Giang Đồng Lạc thuộc công ty cổ phần Narihamico triển khai hoạt động hơn 2 năm nay đã gây ô nhiễm môi trường và tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư.
 
Người dân cho biết, Pù Ổ là khu mỏ ở đầu nguồn khe Khuổi Giang là một trong những khe suối lớn cung cấp nước cho suối Bó Lù chảy vào hồ Ba Bể. Những công trường khai thác quặng bằng nhiều máy móc với công suất lớn tại Pù Ổ đã đưa khối lượng đất lớn dồn xuống chân núi và rìa khe Khuổi Giang.
 
Khi trời mưa lượng đất tan ra làm dòng nước đỏ ngầu dồn xuống khe Khuổi Giang rồi theo suối Bó Lù chảy vào hồ Ba Bể. Trong khi đó, suối Bó Lù là nguồn cung cấp nước cho các cánh đồng ở nhiều thôn. Khi có mưa lũ, nước từ suối vượt đập tràn vào ruộng đưa một lượng mùn đọng lại làm cho cây lúa không phát triển được.

Không những thế, nước suối đã bị vẩn đục đã gây ngứa ngáy cho nhiều người khi sử dụng.

Cư dân ở Đồng Lạc khẳng định, họ không chỉ phải chịu cảnh “tra tấn” bởi tiếng máy đào và nghiền quặng hoạt động 24/24 mà còn rất lo lắng trước nguy cơ ô nhiễm trường. Đặc biệt với mức độ tải đất sét mùn, hoá chất rửa quặng, dầu mỡ của máy móc thải ra theo suối Bó Lù vào hồ Ba Bể như hiện nay là một trong những nguyên nhân gây bồi lấp hồ với tốc độ khủng khiếp.

Tại buổi gặp gỡ với báo chí, GS.TS.Chu Hảo cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin này, một đoàn khảo sát thuộc Hội Những người yêu Ba Bể gồm ông cùng GS.TS Đặng Vĩnh Cư, GS.TS Đặng Hùng Võ, nhà thơ Dương Thuấn, nhà báo Đỗ Doàn Hoàng, TS. Trương Văn Lã... đã tổ chức một đoàn đến tìm hiểu vào khảo sát thực tế tại các mỏ khai thác quặng ở Pù Ổ và cả mỏ đá trắng thạch anh thuộc xã Quảng Khê, huyện Ba Bể và một số khu vực khác.

Lời kêu cứu khẩn thiết từ hồ Ba Bể - 2
...theo dòng suối đổ thẳng ra hồ Ba Bể 
 
Những người dân đã đi theo đoàn để chỉ tận mắt những bằng chứng thực tế về sự nguy cấp của cảnh quan và đời sống của những người dân nơi đây.

“Trước những bức xúc của người dân đã nhiều năm qua ông Hoàng Ngọc Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phải thừa nhận, suối Bó Lù từ chỗ mỏ sắt chảy về hồ Ba Bể. Ông Ngọc nói sẽ phải kiểm tra xem họ (mỏ sắt Pù Ô) đã thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường nghiêm túc chưa, nếu chưa thì phải xử lý”- nhà báo Đỗ Doãng Hoàng cho biết.

“Trên thực tế mỏ sắt Pù Ổ đã được cấp Trung ương (Bộ Tài nguyên-Môi trường) cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, khi một dự án khai khoáng được phê duyệt bao giờ cũng phải có đủ phương án xử lý chất thải. Nhưng thực tế ở đây đã diễn ra khiến đoàn khảo sát chúng tôi không thể tin nổi. Mỏ sắt hoạt động suốt ngày đêm mà không có hệ thống xử lý chất thải, cứ thế đổ thẳng ra hồ Ba Bể. Chắc chắn đã có lỗ hổng nào đó trong các khâu duyệt dự án”- ông Đặng Hùng Võ bức xúc.

Ông Nông Thế Diễn - Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể lại khẳng định không hề được bàn bạc, trao đổi gì trước khi khu mỏ cấp phép. Trong khi đó đây là sự xâm phạm nghiêm trọng vùng đệm của vườn. Khi mưa lớn, đất đá sẽ theo lũ dồn cả về hồ Ba Bể.

Ông Diễn còn phản ánh: "Ngay tại vùng lõi là nơi phải bảo vệ nghiêm ngặt của vườn (đến nhặt măng hái nấm còn bị nghiêm cấm) ở xã Quảng Khê, huyện Ba Bể  vẫn có đơn vị được cấp phép khai thác đá thạch anh bằng phương án nổ mìn. Thậm chí, sẽ còn 2 đơn vị nữa sắp được cấp phép khai thác đá ở nơi đây".

Lời kêu cứu khẩn thiết từ hồ Ba Bể - 3
Khu vực mỏ khai thác đá thạc anh trong vùng lõi VQG Ba Bể
  
GS.TS Đặng Vĩnh Cư không giấu sự lo lắng sau chuyến khảo khảo sát các điểm đang bị bồi lấp trên hồ Ba Bể với tốc độ chóng mặt như Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tổc…

“Trong mấy chục năm qua một phần do vô ý và phần lớn là do chủ, con người đã tàn phá hết thảm thực vật trên các dãy núi xung quanh hồ Ba Bể để lấy gỗ và canh tác nương rẫy đã gây nên sự bồi lắng rất trầm trọng đối với vùng hồ. Thêm việc khai thác các mỏ quặng ở các dãy núi xung quanh trong lưu vực nước chảy về hồ đã bồi lấp nhanh chóng lòng hồ. Thực trạng hiện nay vô cùng đau xót, cần phải hành động ngay để cứu lấy hồ. Nếu chúng ta hôm nay không bảo vệ được hồ Ba Bể thì sẽ có tội với các thế hệ mai sau”- ông Cư lo lắng chia sẻ.

Lời kêu cứu khẩn thiết từ hồ Ba Bể - 4
Hồ Ba Bể kêu cứu trong tình trạng bị bồi lấp từng ngày, từng giờ  
 
Trong vòng chưa đầy 40 năm đã có 3 trong số 6 hồ nằm thuộc trục sông Năng gồm: Pé Tàu (thuộc xã Cao Thượng), hồ Pé Vài và hồ Pé Nản (thuộc xã Khang Ninh) bị bồi lấp hoàn toàn.
 
Hiện tại, hệ thống hồ 3 hồ còn lại gồm: hồ Pé Lẩm (Hồ 3), hồ Pé Lù (Hồ 2), hồ Pé Lèng (Hồ 1) tạo thành hồ Ba Bể cũng lâm vào cảnh bị bồi lấp nghiêm trọng từng ngày, từng giờ vì cơ chế các hồ chảy ra sông Năng, không có chiều ngược lại. Nay dòng sông Năng cũng đang đứng trước nguy cơ bị ngăn lại để xây đập thủy điện.
 

Hồ Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của Việt Nam. Năm 1995, Hội nghị hồ nước ngọt trên thế giới tổ chức tại Mỹ đã công nhận đây là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Năm 2004, vườn quốc gia Ba Bể lại được công nhận là vườn di sản ASEAN. Từ 15/11/1997 Việt Nam đã làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hồ Ba Bể là di sản thiên nhiên thế giới. Trước nguy cơ bị hồ bị bồi lấp nhanh chóng, Nhà nước đã chi nhiều tỷ đồng để các nhà khoa học khảo sát thực trạng hồ nhằm đưa ra các biện pháp nạo vét, cứu hồ Ba Bể.

 
Bài: P. Thanh
Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng