Lời kể của hiệu trưởng ngôi trường ở Hải Phòng nơi 2 tân Bộ trưởng từng học
(Dân trí) - Trường THPT Ngô Quyền, TP Hải Phòng vốn có bề dày lịch sử, có nhiều cựu học sinh là người nổi tiếng. Ngày 8/4, ngôi trường này thêm niềm tự hào khi có 2 cựu học sinh cùng là tân Bộ trưởng.
Trong danh sách 12 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ vừa được Quốc hội phê chuẩn ngày 8/4/2021 có 2 tân Bộ trưởng là cựu học sinh trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng.
Đó là, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (cựu học sinh khóa 1981-1984) và tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (cựu học sinh khóa 1976-1979) của trường.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với bà Cao Tố Nga, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền diễn ra trong căn phòng nhỏ tại khu hiệu bộ của nhà trường.
Bà Nga chia sẻ, thầy và trò của trường rất vui mừng khi đón nhận thông tin 2 vị tân Bộ trưởng cùng tên Sơn, cùng được bổ nhiệm một dịp và cùng là cựu học sinh của trường.
"Đây là niềm tự hào trước hết là của người dân TP Hải Phòng và sau đó là của tập thể nhà trường. Việc cùng lúc 2 tân Bộ trưởng đều là cựu học sinh của nhà trường sẽ mang lại cho học sinh của trường sự ngưỡng mộ rất lớn, các em có thêm niềm tin và động lực để phấn đấu học tập tốt hơn", bà Nga chia sẻ.
Cũng theo bà Nga, đối với tập thể nhà trường, cả 2 tân Bộ trưởng đều là những người dễ mến, gần gũi và luôn quan tâm tới trường. Tập thể giáo viên nhà trường có lẽ đều ấn tượng khi dịp hội trường vừa qua, ông Nguyễn Kim Sơn khi đó đang là Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, đã tặng trường một lẵng hoa đặc biệt toàn hoa hồng đỏ. Còn ông Bùi Thanh Sơn khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã tặng các em học sinh của trường 10 chiếc xe đạp.
Còn đối với bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, người có nhiều dịp được làm việc với tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần thuyết phục Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (khi đó đang là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) để được viết bài về ông.
"Ông Nguyễn Kim Sơn vốn là người giàu tình nghĩa, kiệm lời về mình và luôn dành sự quan tâm sâu sắc tới cô giáo chủ nhiệm; tôi đã phải gọi điện nhiều lần, xin phép để trường được viết về ông như một tấm gương cho các em học sinh noi theo mới được ông nhận lời", bà Hương chia sẻ.
Trong bài viết của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Trâm, ông Nguyễn Kim Sơn từng bày tỏ: "Tôi rất nhớ cô Thủy dạy môn lịch sử, thầy Thúc Hà dạy môn văn học, thầy Nghĩa dạy môn địa lý, thầy Trường (cao gầy và hơi gù) dạy môn hóa học và nhất là cô Bích Hạnh dạy môn sinh học - cô giáo chủ nhiệm của tôi. Cô là người vất vả và đặc biệt là khó khăn trong cuộc sống riêng, nhưng hiếm có ai quan tâm thấu hiểu học trò như cô. Lớp chúng tôi có trên 60 học sinh, nhưng tới tận bây giờ, sau trên 36 năm chúng tôi ra trường cô vẫn nhớ như in không sót một ai trong lớp với cá tính, hoàn cảnh và cả trạng thái trên lớp ngày ấy...".
Đối với tập thể giáo viên, học sinh trường THPT Ngô Quyền, có lẽ câu nói: "Hãy cố gắng làm tốt từng điều một, học tập toàn diện để phát triển bản thân, để chuẩn bị cho một cuộc sống hạnh phúc của chính mình trong tương lai phía trước" hay "Tình yêu thương mới là năng lượng vĩnh cửu và trong lành nuôi dưỡng cho tài năng phát triển mạnh mẽ và đúng hướng" của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong cuốn "Trăm năm đồng vọng" của trường THPT Ngô Quyền đã trở thành kim chỉ nam.
Còn theo bà Cao Tố Nga, nhìn chung các thế hệ học sinh khi trở về trường đều có cảm giác gần gũi, thân thương. Dù đang nắm giữ những vị trí thành đạt, quan trọng nhưng các cựu học sinh chưa bao giờ quên thầy cô, bạn bè và trường cũ. Đấy cũng là truyền thống mà Ngô Quyền có được.
Kết thúc cuộc trò chuyện, bà Cao Tố Nga đưa chúng tôi đi tham quan ngôi trường, trong đó có thư viện ký ức rất độc đáo với nhiều tư liệu quý về nhà trường qua các thời kỳ, kho sách mà tác giả đều là cựu học sinh của trường...
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là các phòng học danh nhân và vinh danh tại trường.
Theo nhà trường, đã có 15 tên tuổi từng là thầy giáo, cựu học sinh của trường được Nhà nước lấy tên đặt cho các con đường. Thời gian qua, thông qua hội trường, nhà trường được tặng tượng những vị này và đã đặt ở các phòng học để làm gương cho các em học sinh.
Bà Cao Tố Nga cho rằng, đối với giáo dục thì hàng đầu là nêu gương, con cái nhìn bố mẹ, hậu bối nhìn tiền bối. Do đó từ lâu nhà trường đã thực hiện các phòng học, thư viện ký ức... để các em học sinh có thể nắm bắt, cảm nhận, tự hào về thế hệ học sinh đi trước mà noi gương phấn đấu.
"Tiến tới nhà trường có thể sẽ có thêm các phòng học tiến sĩ, thậm chí có thể hướng tới các lĩnh vực khoa học nhỏ hơn. Đấy là cách vừa giáo dục đạo đức tư tưởng vừa là hướng nghiệp cho các em", bà Nga chia sẻ thêm về quan điểm giáo dục của trường.