Lợi ích của dân sẽ quyết định ai trúng cử
Đại biểu Quốc hội Lương Phan Cừ, người được tái đề cử vào chức vụ phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XII, trao đổi xung quanh vấn đề sắp xếp lại bộ máy chính quyền các cấp.
Ông nói: “Người dân nói chung đều mong mỏi chống tham nhũng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là thủ tục hành chính phiền hà phải được cải thiện. Khi tiếp xúc cử tri, người dân nói những việc rất cụ thể như vậy. Những việc ấy liên quan đến các cơ quan hành chính. Kỳ họp Quốc hội này sẽ xem xét lại cơ cấu tổ chức các bộ, bắt đầu thực hiện nghị quyết trung ương 5 về cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước”.
Thủ tướng nên được quyền bổ nhiệm chủ tịch UBND tỉnh
Thưa ông, một trong những điều mà thực tiễn đặt ra là người lãnh đạo phải được chọn cấp phó của mình để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn?
Trong nghị quyết Đảng đã nêu điều này, đây là vấn đề làm sao để bộ máy hành chính thống nhất, đủ sức mạnh. Quyền hạn và trách nhiệm người đứng đầu phải rõ mới điều hành tốt công việc được. Cũng giống như ông huấn luyện viên bóng đá, ông ta phải có quyền chọn người thì ông ấy mới định hình được lối chơi, phát triển đội bóng theo thế mạnh mà ông ấy cho là đúng.
Việc sáp nhập các bộ không nên là sáp nhập cơ học, ghép lại thuần túy. Yêu cầu là phải tinh giản bộ máy, giảm đầu mối. Nếu chỉ sáp nhập cơ học thì số đầu mối vẫn y nguyên. Như vậy, ở một số bộ, có khi chỉ ít đi một ông bộ trưởng, còn vụ cục lại tăng, việc thực thi công việc chưa chắc đã tốt hơn. |
Hội nghị trung ương 5 đã thống nhất ra một nghị quyết về cải cách hành chính. Nghe nói sẽ thí điểm giao quyền Thủ tướng được bổ nhiệm trực tiếp chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp điều động cán bộ...
Đây là cơ chế mới. Công tác cán bộ từ trước đến nay là công tác của Đảng. Nhưng yêu cầu Thủ tướng cũng phải có vai trò trong việc bổ nhiệm cán bộ để bộ máy vận hành tốt. Sắp tới, cụ thể chúng ta sẽ có bước nghiên cứu tỉ mỉ để làm sao Đảng vẫn giữ được công tác cán bộ, giới thiệu cán bộ, nhưng Thủ tướng vẫn có quyền chọn những người đủ năng lực để thực hiện chương trình hành động, mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra.
Có nghĩa là đã có chủ trương và việc Thủ tướng có quyền chọn “đội hình” cho mình là đang rất gần?
Trong nghị quyết Đảng đã nêu và đang bàn luận về điều đó. Cái này chắc chắn sẽ làm, nhưng sẽ tiến hành từng bước. Việc tổ chức bộ máy không thể ngày một ngày hai là làm xong, nhưng khi đã thấy đúng thì phải kiên quyết làm.
Thử nghiệm bầu trực tiếp chủ tịch xã
Được biết, trong hội nghị trung ương vừa qua, Đảng đã đưa ra vấn đề người dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã?
Thực tế diễn ra ở cơ sở thời gian qua cho thấy cán bộ, lãnh đạo cấp xã đây đó rất xa dân, thậm chí gây phiền hà, nhũng nhiễu, tạo ra khiếu kiện của dân. Chính điều này khiến Đảng phải có những nghiên cứu, thể nghiệm. Theo tôi, việc thí điểm để dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã sẽ được người dân đồng tình. Bởi đây là động thái buộc cán bộ lãnh đạo cơ sở sẽ phục vụ lợi ích, ý chí, nguyện vọng của dân. Chính cái lợi ích người dân được hưởng sẽ quyết định kết quả ai trúng cử.
Chúng ta có tính đến việc dân bầu trực tiếp cả chủ tịch UBND tỉnh?
Chúng ta đã thể nghiệm ở xã thì hoàn toàn có thể làm ở cấp cao hơn. Vì mục tiêu của Nhà nước ta là của dân.
Hội nghị trung ương 5 đã đi tới thống nhất chính quyền đô thị sẽ khác chính quyền nông thôn?
Nhu cầu quản lý của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn có đặc thù khác nhau. Nhu cầu và thực tiễn quản lý trước đây và hiện tại cũng khác, cần có thay đổi. Đối với chính quyền nông thôn, thực tế các đơn vị cấp huyện chủ yếu làm nhiệm vụ tổ chức thực hiện, không quyết định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh hệ thống thông tin ngày càng tiên tiến thì việc tồn tại HĐND cấp huyện là không còn cần thiết. Chỉ nên tồn tại UBND cấp huyện với tính chất là đại diện của cơ quan hành chính cấp tỉnh. Cơ chế giám sát với UBND huyện còn nhiều nguồn khác như từ đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh, các đoàn thể và của người dân...
Còn với cấp xã, việc có HĐND lại cần thiết bởi chính quyền xã chịu trách nhiệm xây dựng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý ngân sách xã, quản lý nhà nước với các lĩnh vực như giáo dục, y tế, đất đai, hộ tịch...
Đối với chính quyền đô thị, vì đặc thù địa bàn, giao thông, nên việc tổ chức chính quyền phải đảm bảo tính thống nhất và liên thông về qui hoạch, kết cấu hạ tầng. Sự chia cắt theo nhiều cấp quản lý sẽ dễ phá vỡ tính liên thông. Do vậy, có thể chỉ cần HĐND thành phố trực thuộc trung ương, HĐND thành phố trực thuộc tỉnh, HĐND thị xã, còn HĐND quận, phường thì không cần thiết.
Theo ông, bao giờ sẽ triển khai những việc như ông vừa nói?
Việc triển khai phụ thuộc vào thử nghiệm. Chúng ta mới ở giai đoạn đầu. Cần phải có thêm bước nghiên cứu, đánh giá, tổng kết và đề xuất những phương án. Chắc chắn vì yêu cầu thực tiễn của đất nước, cách làm nhân sự, tổ chức bộ máy sẽ phải thay đổi cho tốt lên.
Chỉ còn 22 bộ và cơ quan ngang bộ?
Theo chương trình của Quốc hội, sáng 30/7 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định việc thành lập, bãi bỏ các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ. Dự kiến số bộ và cơ quan ngang bộ giảm từ 26 xuống còn 22 (bốn đầu mối được giảm gồm: nhập hai bộ Công nghiệp và Thương mại, Bộ Thủy sản, Ủy ban TDTT và Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em), chưa kể một số bộ sẽ được cơ cấu lại như Bộ Bưu chính - viễn thông, Bộ Văn hóa - thông tin..., và số cơ quan thuộc Chính phủ cũng giảm xuống còn tám.
Hôm nay 28/7, Quốc hội sẽ bầu thành viên Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn thư ký kỳ họp. Danh sách nhân sự này đã được Quốc hội thảo luận, trao đổi ở đoàn trong ngày làm việc hôm qua. |
Theo Cấm Văn Kình
Tuổi Trẻ