1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Lỗi hệ thống” trong cơ chế quản trị quốc gia ?!

(Dân trí) - Công thức 30% công chức “cắp ô” phản ánh điểm nghẽn trong hệ thống điều hành đất nước. Cơ chế quản trị quốc gia có vấn đề, bó chân người dân, doanh nghiệp… Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước gọi đây là những “lỗi hệ thống” đã bộc lộ trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ngày 18/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 41, UB Thường vụ Quốc hội nghe Đoàn giám sát, Chính phủ báo cáo (bổ sung) về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

 


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận định có 4 lỗi hệ thống đặt ra thách thức lớn cho quá trình phát triển đất nước hiện nay.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận định có 4 "lỗi hệ thống" đặt ra thách thức lớn cho quá trình phát triển đất nước hiện nay.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại

Báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày sáng 18/9 nhấn mạnh: Hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ 2007 đã tác động toàn diện đến mọi mặt phát triển của đất nước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, bước đầu nước ta đã tận dụng được cơ hội, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều thách thức và hạn chế những tác động tiêu cực; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Kết quả nổi bật là thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng, một số ngành hàng đứng trong tốp đầu của thế giới....

Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (7,13%). Việc chuyển hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng nhất định đến lạm phát và tăng trưởng trong giai đoạn 2008-2011. Tín hiệu hồi phục trở nên rõ nét hơn khi tăng trưởng kinh tế tăng dần qua các quý, đạt 5,98% vào năm 2014 và 6,28% trong 6 tháng đầu năm 2015.

“Hội nhập kinh tế mang lại cơ hội tăng thu nhập cho người dân, người lao động. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 43,4 triệu đồng, gấp 2,93 lần so với năm 2007. Thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm bình quân đầu người một tháng tăng so với trước khi gia nhập WTO. Điều này phản ánh đời sống của người dân có sự cải thiện từ sau khi gia nhập WTO” - Chủ nhiệm UB Kinh tế cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi các cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung từ năm 2007 đến nay cho thấy một số hạn chế, bất cập.

Đánh giá chung của đoàn giám sát là thời gian qua, thể chế pháp luật kinh tế có chất lượng và hiệu lực thực thi chưa cao. Chính sách kinh tế chưa đủ mạnh để tận dụng cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, nhất là chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Cải cách hành chính chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển kinh tế. Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm còn hạn chế...

Báo cáo giám sát cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm giai đoạn 2007-2014 (5,94%) thấp hơn so với giai đoạn 2001-2006 (7,27%). Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thiếu bền vững là do vẫn chủ yếu dựa vào vốn và lao động, trong khi tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ trong tăng trưởng thấp hơn nhiều nước khác. Tăng trưởng GDP nước ta dựa vào yếu tố vốn chiếm 52-53%, yếu tố lao động 19-20%, yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chiếm 28-29%; trong khi yếu tố TFP ở một số nước trong khu vực chiếm 35-40%.

Hội nhập chưa giải quyết được bài toán tụt hậu

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại UB Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại UB Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo cho thấy nhiều kết quả đạt được cao hơn so với trước khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, đó chỉ là “vỏ”, chưa giải quyết được bài toán tụt hậu. Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, sau 8 năm hội nhập, sự tiến bộ, phát triển của Việt Nam có gần lại với sự phát triển các nước đi trước hay khoảng cách càng xa hơn?

Chủ nhiệm UB Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, câu hỏi lớn nhất cần đặt ra là tại sao lợi thế của Việt Nam không phát huy được trong quá trình hội nhập, nông nghiệp sao không phát triển lên được, du lịch sao vẫn dậm chân dù tiềm năng lớn, sức cạnh tranh vẫn kém dù lao động trẻ, người thông minh?

Nguyên nhân chính, theo ông Hiển là cải cách chưa đạt yêu cầu. Điều này cho thấy thay đổi từ tư duy cho đến cải cách pháp luật là một quá trình, không hề đơn giản.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng xác nhận, hội nhập đã đem lại sự tăng trưởng về bề rộng cho đất nước nhưng đã đến lúc cần bước sang giai đoạn tăng trưởng theo chiều sâu. “Cuộc chuyển mình” đó đã bộc lộ những điểm yếu cốt tử nhất của nền kinh tế đất nước.

Ông Phước đề nghị cần thẳng thắn nìn nhận Việt Nam vẫn là một nền kinh tế yếu, chưa có kinh tế thị trường đầy đủ. Sản xuất nông nghiệp hiện vẫn đang là chủ yếu và chưa có sức cạnh tranh cao trên thế giới. Việc bước vào hội nhập đã thể hiện rõ những điểm này.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khái quát là có 4 “lỗi hệ thống” cơ bản cần sửa chữa, thay đổi như yếu tố khoa học, kỹ thuật, công nghệ, cơ sở hạ tầng, cơ chế điều hành, chất lượng nguồn nhân lực.

Đi sâu vào phân tích điểm nghẽn về hệ thống điều hành, ông Ksor Phước nhắc lại ý kiến của ông Nguyễn Xuân Phúc sau khi đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rồi lên Phó Thủ tướng đã nhận ra và phản ánh công thức 30% “công chức cắp ô”, có cũng được, không có cũng được.

Điều này cũng liên quan trực tiếp đến vấn đề chất lượng nguồn nhân lực mà điểm mấu chốt không phải ở chỗ người lao động Việt Nam trình độ thấp mà vấn đề đáng ngại hơn là người quản trị cũng kém (kể cả quản trị doanh nghiệp lẫn quản trị quốc gia).

“Quản trị quốc gia rõ ràng là có vấn đề chứ đừng đổ hết lỗi cho những người lãnh đạo doanh nghiệp vì nếu được tiếp cận với các mô hình tốt của nước ngoài, không ít người vẫn làm rất tốt nhưng cơ chế quản trị của nhà nước đang bó chân người ta” – ông Phước chỉ thẳng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chốt lại, trách nhiệm của quốc hội là cần phải sửa những vấn đề gì để gỡ những “lỗi hệ thống” này.

P.Thảo