Lời đề nghị của Thủ tướng khi gặp lãnh đạo tập đoàn hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ
(Dân trí) - Tiếp tục hợp tác với đối tác tiềm năng của Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, làm cầu nối đưa nhà đầu tư đến Việt Nam… là những đề nghị được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra.
Trong lịch trình hơn một ngày thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của quốc gia này, gồm Tập đoàn Hayat Holding và Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines).
Hayat Holding là tập đoàn kinh tế đa quốc gia với gần 90 năm hình thành, phát triển, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hàng tiêu dùng, nội thất, logistics... Hiện tập đoàn có 41 cơ sở sản xuất, nhà máy đặt tại 16 quốc gia.
Lãnh đạo Tập đoàn Hayat Holding cho biết tại Việt Nam, đơn vị này đã đầu tư xây dựng các nhà máy tại Bình Dương, Bình Phước. Tháng 3/2022, nhà máy Công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam được khánh thành với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD.
Đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là việc Chính phủ luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phát triển, lãnh đạo Hayat Holding mong Việt Nam tiếp tục tăng cường phòng chống kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại để các sản phẩm chất lượng cao của Hayat Holding có điều kiện phục vụ người tiêu dùng Việt Nam nhiều hơn.
Hoan nghênh Tập đoàn đã đầu tư và xây dựng nhà máy tại Việt Nam, Thủ tướng cho rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác.
Ông cũng chia sẻ với đề nghị của lãnh đạo Hayat Holding và khẳng định Việt Nam luôn luôn quan tâm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông, logistics để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi và giảm chi phí hơn.
Ông đề nghị Hayat Holding tiếp tục nghiên cứu đầu tư, hợp tác với một số đối tác tiềm năng, có năng lực của Việt Nam để mở rộng và phát triển lĩnh vực thêm có thế mạnh của Tập đoàn tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam ra thế giới và mong muốn Tập đoàn Hayat Holding làm cầu nối đưa các nhà đầu tư có tiềm năng trong và ngoài Thổ Nhĩ Kỳ đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; tăng cường hợp tác, tiến tới chuyển giao công nghệ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất khu vực và thế giới.
Turkish Airlines là hãng hàng không lâu đời của Thổ Nhĩ Kỳ. Tính đến cuối năm 2022, giá trị trường của Turkish Airlines vào khoảng 10,6 tỷ USD, nằm trong nhóm 10 hãng hàng không có giá trị nhất trên thế giới.
Gặp lãnh đạo hãng hàng không này, Thủ tướng chia sẻ ngành du lịch đang là điểm sáng trong phục hồi kinh tế ở Việt Nam.
Ông khẳng định Việt Nam có nhiều chính sách thuận lợi như chính sách thị thực để thu hút khách du lịch; sản xuất, xuất khẩu đang trên đà phục hồi mạnh. "Đây là những yếu tố thuận lợi để ngành hàng không, trong đó có Turkish Airlines phục hồi, phát triển", theo lời Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng với vị trí là điểm đến du lịch hấp dẫn cùng thị trường dân số 100 triệu dân có nhu cầu lớn di chuyển bằng hàng không, Turkish Airlines có thể tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, phối hợp chặt chẽ với Vietnam Airlines, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam để quảng bá hình ảnh đất nước, con người hai nước, từ đó khuyến khích tăng trưởng du lịch lẫn nhau.
"Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động du lịch giữa hai nước, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật", Thủ tướng khẳng định.
Lãnh đạo Tập đoàn Turkish Airlines cho biết hãng đang vận hành đường bay thẳng duy nhất giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ gồm hai chặng: Hà Nội - Istanbul và TPHCM - Istanbul.
Ông mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với Việt Nam hơn nữa, không chỉ trong lĩnh vực vận chuyển hành khách mà cả vận chuyển hàng hóa và các lĩnh vực hàng không khác.
Hoài Thu (Từ Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ)