Nghệ An:
Lốc xoáy giật đổ cột điện, cây xanh trên đường Hồ Chí Minh
(Dân trí) - Một trận mưa lớn kèm lốc xoáy xảy ra trên địa bàn xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã làm gãy đổ hàng chục cột điện, cây xanh; giât tung nhiều mái nhà... đường Hồ Chí Minh.
Sáng 2/8, ông Trương Công Thuyên - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn - xác nhận, trận mưa giông lớn xảy ra vào khoảng 17h50 ngày 1/8.
"Trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ xảy ra trong một địa bàn cục bộ. Mưa kèm theo lốc đã làm cho hàng chục cột điện bị gãy đổ và 1 trạm biến áp mất điện, nhiều nhà lợp fibro xi măng bị tốc mái, cây cối gãy đổ... Thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê, rất may không có ai bị thương", ông Thuyên cho biết.
Nhiều cây cối, cột điện gãy đổ trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Nghĩa Long khiến giao thông bị cản trở trong một thời gian ngắn.
Công tác khắc phục hậu quả đang được triển khai.
Một số hình ảnh sau khi trận giông lốc đi qua:
Cây gãy đổ bị gió giật bay ra nằm chắn trên đường Hồ Chí Minh.
Chiều 1/8, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An có công điện số 07 thông báo tình hình bão số 2 và các biện pháp ứng phó.
Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 02 giờ ngày 31/7, vị trí tâm bão gần Biển Đông (tên quốc tế Nida) ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 123,9 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 1/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 120,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15. Do ảnh hưởng của bão, từ sáng ngày 01/8, vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật cấp 15-16, biển động dữ dội.
Để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thị xã; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các sở, ban, ngành cấp tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện một số công việc sau: Các huyện, thị ven biển phải thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão đế chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và các biện pháp phòng tránh phù hợp; Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng ven biển triển khai ngay việc thông báo, kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn không đi vào khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tiếp theo được xác định từ Bắc Vĩ tuyến 15 và Đông Kinh tuyến 115 (khu vực nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của bão).
Đề nghị các lực lượng duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Tin: Nguyễn Duy
Ảnh: Hùng Cường