Đà Nẵng:
"Lộc", muối giá cao chót vót vẫn đắt hàng
(Dân trí) - Không khó để bắt gặp những gánh hàng muối, dầu, nhang, đèn, cành lộc và chim phóng sinh... kinh doanh trước cổng chùa vào những ngày đầu Xuân, dù bán với giá đắt gấp đôi ba lần ngày thường, nhưng do đáp ứng được nhu cầu của khách đi chùa đầu Xuân nên vẫn rất đắt hàng.
Trước cổng chùa Pháp Vân (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), có khá đông người tụ tập bán muối và cành lộc. Theo ghi nhậncủa PV Dân trí, một gói muối được bán với giá từ 10 – 20 nghìn đồng còn lộc xanh thì có giá 10 nghìn đồng/cành. Tại chùa Quang Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) còn bày bán chim phóng sinh với giá trung bình 50 nghìn đồng/cặp. Do quan niệm người dân như “đầu năm hái lộc”, “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, ai cũng muốn mua những món hàng được xem là đem lại may mắn và xua đuổi vận hạn,
Tết là dịp để các cơ sở giữ xe tăng giá. Giá gửi một xe máy trước chùa Quang Minh là 10 nghìn đồng/lượt, trong khi ngày thường chỉ tầm 2-3 nghìn đồng. Ngoài ra các mặt hàng “ăn theo” khác như nhang, đèn, sách âm dương phong thủy, lồng đèn, phong bao lì xì cũng được bày bán khá nhiều. Bên cạnh đó, còn có nhiều người chụp ảnh dạo quanh khu vực chùa với giá trung bình 10-15 nghìn đồng/tấm.
Tại các quán ăn xung quanh các chùa, giá cả cũng không hề rẻ. Cá biệt có quán bún chay ngày thường 20 nghìn đồng/tô, nay lên đền 30-40 nghìn đồng/tô. Người mua ngại phàn nàn dịp đầu năm, còn người bán thì tự do định giá, cứ thế mà giá cả tăng.
Mặc dù giá cả tăng, dịch vụ “cắt cổ”, người dân vẫn phải “bấm bụng” chi trả. Cầm trên tay bó nhang vừa mua với giá 10 nghìn đồng, anh Trần Thanh Sơn (30 tuổi, quận Liên Chiểu) cho biết : “Nhiều món hàng đắt hơn ngày thường, nhưng nghĩ lại một năm chỉ có một lần đi lễ đầu năm, cũng chẳng muốn kì kèo mấy chuyện giá cả này làm gì, chủ yếu là cái tâm của mình.”
Đoàn Sơn