1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Vĩnh Phúc:

Loay hoay mấy năm không xử lý nổi một công trình sai phạm

(Dân trí) - Nằm ngay mặt đường Đội Cấn (phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), con ngõ đi chung thuộc quyền sở hữu của Nhà nước đã bị một hộ dân chiếm hoàn toàn, xây dựng trái phép. Sự việc xảy ra đã mấy năm mà chưa bị xử lý.

Bà Lê Thị Nga (ở số nhà 9a, đường Đội Cấn, phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên) cho biết: năm 2006 gia đình ông Nguyễn Văn Tư (liền kề nhà bà Nga) được gia đình anh Ngô Minh Sơn cho mượn đất để xây dựng nhà. Trong quá trình xây dựng, ông Nguyễn Văn Tư đã tự ý chiếm toàn bộ ngõ đi chung để xây dựng công trình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những người dân xung quanh.

 

Gia đình bà Nga đã nhiều lần làm đơn gửi lên các cấp chính quyền địa phương nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây khiếu kiện kéo dài trong suốt mấy năm qua.

 

Bà Nga và nhiều người dân ở đây cho biết, cách giải quyết vấn đề không triệt để của chính quyền khiến người dân có suy nghĩ ông Tư được bao che để sai phạm.

Loay hoay mấy năm không xử lý nổi một công trình sai phạm    - 1

Toàn bộ diện tích đất ngõ đi chung đã bị gia đình ông Tư biến thành một phần của nhà hàng. (Ảnh: T. Hợp)

 

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Định, Chủ tịch UBND phường Ngô Quyền, thừa nhận việc gia đình ông Tư năm 2006 lấn chiếm toàn bộ con ngõ đi chung thuộc quyền sở hữu của nhà nước để xây dựng vào phần đất nhà mình, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân xung quanh, là có thật.

 

Bản thân UBND phường đã nhiều lần ra quyết định đình chỉ công trình xây dựng sai phép, nhưng gia đình ông Tư vẫn không chấp hành và lợi dụng những ngày nghỉ để tiếp tục xây dựng. Ông Định cho biết phường đã báo cáo lên UBND thành phố xin ý kiến chỉ đạo.

 

Ông Định cho biết thêm, UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo UBND phường phải giải quyết dứt điểm theo 2 cách sau: Cho gia đình ông Tư hợp thức hóa hết số đất lấn chiếm đó nhưng phải được sự đồng ý của hộ dân liền kề; Hai là trả lại nguyên trạng diện tích đất ngõ đi chung mà gia đình ông Tư đã lấn chiếm.

 

Từ ý kiến chỉ đạo này, UBND phường Ngô Quyền đã tiến hành đứng ra giải quyết, tuy nhiên cả hai phương án trên gia đình ông Tư đều không chấp nhận và cũng không có ý kiến gì.

 

Trở lại việc này, bà Nga bức xúc: nếu người dân Vĩnh Yên ai cũng lấn chiếm ngõ đi chung sau đó lại được UBND TP “vẽ đường” cho hợp thức số đất lấn chiếm đó thì trật tự xây dựng ở Vĩnh Yên sẽ như thế nào?

 

Ông Định thừa nhận, để xảy ra tình trạng lấn chiếm ngõ đi chung của gia đình ông Tư, UBND phường Ngô Quyền có một phần trách nhiệm. Quan điểm của phường là vi phạm xây dựng thì phải xử lí, phải cưỡng chế, nhưng quyền hạn của phường có hạn nên đã làm công văn gửi lên UBND thành phố từ đầu năm để xin ý kiến, nhưng cho đến nay đã mấy tháng trôi qua chưa thấy UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo nên phường vẫn phải chờ...

 

UBND phường thì chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, công trình sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, lãnh đạo thành phố thì “im ỉm”. Tình trạng này khiến người dân nghi ngờ có bàn tay bao che cho công trình sai phạm này.

 

Để làm rõ vấn đề trên, ngày 27/4/2009, chúng tôi đã đến UBND TP Vĩnh Yên làm việc thì được một đồng chí cán bộ văn phòng xưng tên Hoàn cho biết, toàn bộ lãnh đạo UBND đều đi vắng và bận. Cán bộ này đề nghị chúng tôi để lại địa chỉ liên lạc hẹn làm việc vào một ngày gần nhất. Nhưng cho đến nay, đã ngót nửa tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được cuộc điện thoại nào từ UBND thành phố Vĩnh Yên.
 
Hồng Ngân