Loạt cây xanh có dấu hiệu chết khô trên đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài
(Dân trí) - Mặc dù từng được nhổ đi trồng lại, nhưng đến nay vẫn có hơn 20 cây nhội trên đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa, Hà Nội) lại có dấu hiệu chết khô.
Ngày 22/2, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sau khoảng 10 tháng được trồng thay thế, hàng loạt cây nhội trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa, Hà Nội) lại có dấu hiệu chết khô.
Trước đó, vào đầu tháng 4 và trung tuần tháng 5/2023, hơn 60 cây nhội chết khô hoặc sinh trưởng thấp trên tuyến đường này đã được nhổ bỏ, trồng mới.
Dù được trồng thay thế cách đây khoảng 10 tháng, nhưng nay có khoảng 20 cây nhội thân khô cằn, trơ trụi từ gốc đến ngọn, một số cây bong tróc hết lớp vỏ bên ngoài.
Ông Bùi Công Nam (63 tuổi, trú phường Láng Thượng, quận Đống Đa) cho biết, mỗi khi đi bộ trên vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, nhìn thấy những cây chết khô, ông cảm thấy rất "tức mắt".
Ông Nam mong muốn các đơn vị chức năng sớm có phương án trồng thay thế các cây đã chết; đồng thời trước khi trồng cần phải nghiên cứu lại loại cây cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để tránh lãng phí.
Chiều 22/2, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa (chủ đầu tư dự án) cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin về việc hơn 20 cây nhội chết khô trên đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.
Theo vị này, trong khoảng 15-20 ngày nữa, các cây bị chết hoặc sinh trưởng thấp sẽ được trồng thay thế.
"Vì chưa bàn giao nên cây có dấu hiệu hư hỏng, chết chúng tôi sẽ lập đoàn khảo sát, xác minh để trồng thay thế. Việc trồng thay thế và kinh phí trồng là của đơn vị thi công" - đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa nói.
Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài được thông xe vào ngày 17/1/2023, có tổng mức đầu tư hơn 340 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu hạng mục trồng cây xanh trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng.
Tuyến đường có chiều dài khoảng 1,3km, bề rộng mặt cắt ngang đường từ 28,3-30m, điểm đầu giao với ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh; điểm cuối tại vị trí nút giao Voi Phục.
Theo thiết kế, tuyến đường này được trồng mới hơn 260 cây nhội.
Tuy nhiên, sau hơn một năm đưa vào sử dụng, nhiều cây trồng hai bên đường không đâm chồi, nảy lộc mà chết khô nên đã phải nhổ bỏ, trồng lại.
Theo tìm hiểu, cây nhội là loại cây gỗ lớn thường mọc ở đồi núi, tán lá rộng nên được trồng trong các thành phố để tạo bóng mát, góp phần thanh lọc bầu không khí.