1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Loạn xét nghiệm máu khi nội soi tiêu hóa (kỳ 2): Chuyên gia y tế lên tiếng

Thế Hưng

(Dân trí) - Sau phản ánh của Dân trí về tình trạng loạn xét nghiệm máu khi nội soi tiêu hóa gây mê của một số cơ sở khám chữa bệnh ở Hà Nội, một số chuyên gia tiêu hóa đã lên tiếng về vấn đề này.

Nội soi tiêu hóa gây mê có cắt polyp, không xét nghiệm máu có nguy cơ gì?

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, người bệnh muốn thực hiện nội soi tiêu hóa gây mê có nhu cầu cắt polyp đều phải thực hiện việc xét nghiệm máu để đảm bảo an toàn.

Chi phí cho việc xét nghiệm máu tùy vào mỗi cơ sở sẽ có mức giá khác nhau. Do đó, nếu thêm chi phí xét nghiệm máu vào giá gói khám nội soi tiêu hóa sẽ khiến gói khám này có mức giá cao hơn, giảm khả năng cạnh tranh giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, một số bệnh viện và phòng khám lại khẳng định không cần xét nghiệm máu.

Lo ngại về việc một số bệnh viện, phòng khám tại Hà Nội làm chưa đúng quy trình gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người bệnh, phóng viên đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để làm rõ về vấn đề này.

Theo ông Long, xét nghiệm máu hay không xét nghiệm máu tùy thuộc vào mục đích của nội soi.

Ông Long ví dụ, nếu nội soi có polyp, bệnh nhân muốn cắt, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm công thức máu và đông máu cơ bản để đảm bảo chức năng đông cầm máu của người bệnh là bình thường và quá trình can thiệp cắt polyp sau đó ít nguy cơ chảy máu.

Loạn xét nghiệm máu khi nội soi tiêu hóa (kỳ 2): Chuyên gia y tế lên tiếng - 1

Bệnh nhân không xét nghiệm máu trước khi nội soi tiêu hóa, cắt polyp sẽ gặp nguy hiểm nếu có tiền sử về tim mạch hoặc máu khó đông (Ảnh: T.H.).

"Bác sĩ phải giải thích tương tác với người bệnh, nếu trong quá trình nội soi có đồng ý cắt polyp hay không? Nhiều người bệnh không đồng ý cắt thì chỉ được nội soi chẩn đoán. Nhưng bệnh nhân đồng ý cắt polyp, trường hợp này nên làm công thức máu, đông máu để xem chức năng đông cầm máu của bệnh nhân trước khi quyết định cắt polyp, đặc biệt với các polyp lớn". Ông Long khẳng định

Ông cũng cho biết thêm, tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ thường giải thích cho bệnh nhân trước và sẽ xét nghiệm máu. Trường hợp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu ở bệnh viện khác trong vòng 2 tuần có thể chấp nhận để đỡ mất công và tốn thêm chi phí cho người bệnh.

Việc không xét nghiệm máu mà đã tiến hành nội soi cắt polyp, đặc biệt các polyp kích thước lớn có thể khiến bác sỹ không tiên lượng được nguy cơ chảy máu sau khi cắt.

Ông Long ví dụ, nếu bệnh nhân đang dùng các thuốc ảnh hưởng đến quá trình đông cầm máu vì có bệnh lý tim mạch hoặc đặt stent mạch vành sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, bác sĩ phải khai thác rất kỹ tiền sử vì nếu người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông hoặc bị các bệnh lâu cầm máu, khi cắt polyp ống tiêu hóa cũng có thể dẫn tới chảy máu không cầm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

"Trong các trường hợp đó, quá trình cầm máu sẽ không như người bình thường. Vì thế, bác sĩ khi thực hiện nội soi có can thiệp cắt polyp cần phải hỏi kỹ, nếu người bệnh đang dùng các thuốc chống đông thì phải dừng thuốc từ 1 đến 5 ngày trước khi can thiệp, mới đảm bảo an toàn. Nếu cần thiết nên hội chẩn với các bác sĩ tim mạch", ông Long phân tích.

Nếu trong trường hợp bị các bệnh lý mà can thiệp dẫn tới chảy máu không cầm được có thể nguy hiểm tới tính mạng. Người bệnh phải nhập viện để điều trị nhưng trên cơ địa dễ chảy máu việc can thiệp cầm máu sẽ khó khăn hơn, ông Long nói thêm.

Nói về việc người bệnh tới thăm khám tại một số cơ sở y tế, bác sĩ đều khẳng định bệnh nhân trông khỏe mạnh bình thường nên không thực hiện xét nghiệm máu, ông Long cho biết: "Không thể nói chắc chắn rằng nhìn bề ngoài một người là có thể đoán được người đó rất khỏe hoặc có mắc bệnh gì được, mà phải xét nghiệm mới biết chính xác, cho nên phải khám bệnh chặt chẽ. Cần giải thích với bệnh nhân việc cần xét nghiệm máu để có căn cứ chắc chắn sau đó mới thực hiện việc nội soi tiêu hóa".

Ông Long cho hay, một người không thường xuyên đi khám bệnh thì không thể phát hiện ra các bệnh tiềm ẩn.

Còn theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, việc cần xét nghiệm máu trước nội soi tiêu hóa hay không phụ thuộc vào mục tiêu của nội soi và nguy cơ của thủ thuật. Nếu người bệnh không có tiền sử bệnh đặc biệt và chỉ nội soi chẩn đoán có thể không cần xét nghiệm đông cầm máu, nhưng để làm các kĩ thuật xâm lấn sâu hơn hoặc người bệnh có yếu tố nguy có thì cần kiểm tra trước.

"Cắt polyp sẽ chảy máu, nhưng nguy cơ chảy máu cao hay thấp phụ thuộc vào kích thước và hình dạng polyp. Những polyp to sẽ có mạch nuôi lớn hơn polyp bé, nên cắt qua mạch lớn đương nhiên sẽ dễ chảy máu hơn và khó cầm hơn", bác sĩ Nam khẳng định.

Việc cầm máu tự nhiên dễ dàng hay khó khăn phụ thuộc vào cơ chế đông cầm máu bình thường của người bệnh. Chính vì vậy, để an toàn khi cắt các polyp to, thường kích thước trên 1cm, cần làm xét nghiệm máu đánh giá tình trạng đông cầm máu của người bệnh trước.

"Trước khi làm nội soi, bác sĩ sẽ không biết bệnh nhân có polyp hay không, polyp to hay nhỏ. Vì thế, nếu bệnh nhân đã chủ động ký cam kết đồng ý cắt polyp trước khi nội soi, nên xét nghiệm máu. Nếu không làm xét nghiệm máu, khi thấy polyp to không nên cắt ngay, để đảm bảo an toàn cho người bệnh", TS Nam nói.

"Khi chảy máu nhiều không tự cầm ngay sau quá trình cắt polyp, bác sỹ phải sử dụng các kỹ thuật nội soi khác để can thiệp cầm máu như kẹp clip chẳng hạn. Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân bị chảy máu muộn, sau khi đã rời khỏi bệnh viện về nhà. Trường hợp này bệnh nhân phải nội soi lại để can thiệp cầm máu. Nếu các kỹ thuật cầm máu qua nội soi tiêu hóa không thành công, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật để giải quyết việc chảy máu này", ông Nam cho hay.

Do đó, bác sĩ Nam khẳng định, việc xét nghiệm đông cầm máu sẽ giúp bác sĩ biết được nguy cơ chảy máu khó cầm của người bệnh để có thể trì hoãn thủ thuật hoặc tăng cường các biện pháp dự phòng để đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh.   

Nội soi tiêu hóa không xét nghiệm máu có thể dẫn tới lây nhiễm viêm gan B - C?

Giải thích về quy trình khử khuẩn dụng cụ nội soi tiêu hóa, PGS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Bạch Mai cho biết nếu không làm chặt các quy trình khử khuẩn thì hoàn toàn có thể lây nhiễm các bệnh do vi khuẩn, ví dụ như các chủng Pseudomonas, Salmonella, H. pylori… hoặc các vi rút như viêm gan B, viêm gan C...

Tuy nhiên, nếu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng quy trình khử khuẩn do Bộ Y tế ban hành năm 2017, sẽ đảm bảo không gây ra lây nhiễm chéo cho người bệnh.

Trong quy trình, ống nội soi và các thiết bị đi kèm phải được tháo bỏ, rửa sạch và ngâm trong dung dịch khử khuẩn mức độ cao theo đúng quy định sẽ đảm bảo khử khuẩn tốt.

"Sau khi ngâm ống nội soi đủ thời gian theo khuyến cáo của mỗi loại dung dịch khử khuẩn mới được lấy ra, rửa sạch lại rồi làm khô và cất vào tủ sạch. Sau khi thực hiện nghiêm ngặt các bước trên, mới được sử dụng để nội soi cho bệnh nhân. Nếu tuân thủ toàn bộ quy trình như khuyến cáo, đảm bảo không gây lây nhiễm chéo cho người bệnh", ông Long khẳng định.

PGS Nguyễn Công Long phân tích, nỗi lo lắng nguy cơ lây nhiễm của người bệnh là đúng. Chính vì vậy, quy trình khử khuẩn dụng cụ nội soi đó phải được đào tạo và bắt buộc tuân thủ nghiêm ngặt cho tất cả điều dưỡng được phân công nhiệm vụ chuẩn bị dây nội soi.

Các bệnh viện có đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn cần kiểm tra định kì và ngẫu nhiên để đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ quy trình khử khuẩn. Khi làm tốt vấn đề này sẽ đảm bảo an toàn cho người bệnh, bác sỹ Long khẳng định.

Đồng tình với quan điểm đó, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng một dây nội soi được sử dụng cho nhiều bệnh nhân nên trước khi nội soi bắt buộc phải khử khuẩn.

"Nếu không khử khuẩn theo đúng quy trình Bộ Y tế đã ban hành và theo nhà sản xuất khuyến cáo, đó là sai. Dây nội soi không khử khuẩn đúng quy trình thì không được phép sử dụng", ông Nam nói.

Như vậy, việc bệnh nhân bị "đe dọa" về việc lây nhiễm các bệnh như viêm gan B, viêm gan C có thể cho thấy quy trình khử khuẩn có vấn đề?. Đối với những lo ngại trên, phóng viên đã liên hệ, làm việc với Sở Y tế Hà Nội để làm rõ quy trình và trách nhiệm của các bệnh viện về vấn đề này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm