1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Loạn xe “biển đỏ”

Những chiếc xe biển đỏ lừng lững vượt qua mặt công an, qua trạm thu phí. Những chiếc xe màu xanh quân đội không còn biển số nằm trong bãi... Trong giới kinh doanh vận tải, nếu như một số “ông lớn” được các “thế lực ngầm” che chở, bảo kê thì một số “ông chủ” khác chỉ cần một thứ “bửu bối” trong tay: biển số đỏ.

Truy tìm “biển đỏ”

Sáng 29/8, chúng tôi có mặt tại bãi xe “biển đỏ” nằm trên đường số 2, KP2, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức (TPHCM). Bãi xe có bảy chiếc đầu kéo hiệu Kamaz và M35 (còn gọi là xe reo của Mỹ, đã hết niên hạn sử dụng) sơn màu xanh ôliu (màu đặc trưng của xe quân đội) nhưng không mang biển số.

Rời bãi xe ở Thủ Đức, chúng tôi tìm đến bãi xe nằm trên quốc lộ 1K, thuộc xã Hóa An, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Chúng tôi thấy hai chiếc xe “nhà binh” không biển số và một chiếc đầu kéo Kamaz “biển đỏ” KP 3351 đang nổ máy chuẩn bị đi chở hàng. Một nhóm thợ đang tân trang lại ba chiếc đầu kéo Hyundai đã quá đát. Một anh thợ cho biết “ông chủ cho sơn lại cho giống xe quân đội để lắp biển đỏ”.

Gần Khu công nghiệp Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương), chúng tôi gặp một chiếc “biển đỏ” KP 0708 cũ kỹ, không có tem kiểm định, biển số sơn lem luốc và cong queo, đang nằm chết máy bên lề đường. Chúng tôi hỏi xe này của đơn vị bộ đội nào, anh tài xế nháy mắt: “Biển số đểu chứ bộ đội gì”.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ chưa hiểu, anh ta giải thích: “Biển đỏ đểu đó mà. Vừa chạy vừa núp. Mấy hôm nay gần lễ (2/9) nên một tuần chỉ chạy 2-3 chuyến”. Chúng tôi hỏi nếu kiểm soát quân sự hoặc CSGT phát hiện thì sao, tài xế nói: “Chủ đã quan hệ rồi, nếu có kiểm tra thì giấu xe vào bãi”.

Tại bãi gỗ nằm trên đại lộ Độc Lập (Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Dĩ An, Bình Dương), chúng tôi gặp hai chiếc đầu kéo “biển đỏ” KP 0715 và KK 3553 đang chờ xếp gỗ lên xe. Một tài xế mặc quần đùi, áo thun cho biết “lô gỗ này chiều dài quá khổ, chở vào đường cấm nên phải dùng “biển đỏ” chứ biển trắng (dân sự) là bị CSGT “lượm” ngay”.

14h30, chiếc “biển đỏ” KP 0715 cõng một “bãi gỗ” khổng lồ chạy ra đường số 10, 18, sau đó quẹo vào… đường cấm (giới hạn trọng tải 25 tấn) băng qua thị trấn Dĩ An rồi xuôi theo tỉnh lộ 743. Qua trạm thu phí ngã ba Bình Thung, chiếc “biển đỏ” vượt trạm mà không cần mua vé. Đến quốc lộ 1K (xã Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương), chiếc “biển đỏ” này vòng ra xã Hóa An, TP Biên Hòa. Điểm bỏ hàng là một bãi gỗ nằm ở Tân Bản, P.Bửu Hòa, TP Biên Hòa. Chiếc “biển đỏ” vừa lọt vào bên trong lập tức cánh cổng đóng sập lại. Một tiếng sau, hai chiếc “biển đỏ” khác cũng tấp vào địa chỉ trên để bỏ hàng.

Lần theo địa chỉ do một tài xế cung cấp, chúng tôi tìm đến bãi tập kết xe “biển đỏ” nằm trong hẻm 260 Tô Ngọc Vân, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức. Có khoảng 20 chiếc “biển đỏ” đang nằm chờ hàng hoặc tu sửa máy móc. Điều đáng chú ý là có rất nhiều xe sơn màu xanh quân đội nhưng không đeo biển số đang xếp hàng nằm trong bãi. Một tài xế cho biết: “Mấy chiếc đó chỉ là “xác” thôi, còn biển số đang gắn vào xe đời mới chạy tùm lum ngoài đường”.

Sáng 1/9, trở lại bãi xe ở P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, chúng tôi bắt gặp một lơ xe đang lúi húi lắp vào chiếc đầu kéo “biển đỏ” KP 1243, sau đó chạy ra cảng Cát Lái. Tại bãi xe nằm ở quốc lộ 1K (xã Hóa An, TP Biên Hòa) điều bất ngờ là ngoài chiếc Kamaz “biển đỏ” KP 3351 mà chúng tôi gặp trước đó hai ngày, nay xuất hiện thêm một “biển đỏ” khác hiệu… Hyundai cũng mang biển số KP 3351.

Sáng 7/9, chúng tôi đi từ Suối Tiên ra đến gần cầu Đồng Nai gặp một chiếc “biển đỏ” KK 1254 đang chở sắt về Bình Dương. Chiếc xe này chỉ có một biển số đỏ gắn trước đầu kéo, còn phía sau rơmooc thì… để trống. Buổi trưa, tại dốc Thiên Thu (Q.9), chúng tôi phát hiện chiếc đầu kéo “biển đỏ” KP 3361 hiệu Hyundai chở một chiếc máy đào loại 45 tấn từ một bãi xe chạy ra ngã ba Vũng Tàu.

Xe “biển đỏ” nhưng của tư nhân

Theo điều tra của chúng tôi, hiện có khoảng 10 “đại gia” về “biển đỏ” với thực lực đầu xe lên đến gần 100 chiếc (chưa kể những chủ xe “cò con” có  1-2 chiếc chạy lén lút). Đoàn xe “biển đỏ” của ông Đ. (Bình Dương) có khoảng 22 chiếc đầu kéo hiệu Hyundai, Kamaz, M35 mang biển số có các chữ số đầu: KP, KK, TT (ký hiệu riêng của từng đơn vị, binh chủng)… Địa bàn hoạt động của đoàn xe này rộng khắp từ các cảng, khu công nghiệp ở TP.HCM đi Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu…

Bãi xe nằm trên đường số 2, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức do bà Ngọc làm chủ. Theo điều tra, bãi xe này có khoảng 10 chiếc “biển đỏ” hằng ngày đi "đánh" hàng (chủ yếu chở phôi sắt) từ các cảng ở TPHCM đi Bình Dương, Đồng Nai… Có một điều khá lạ là sau khi “đánh” hàng về, lập tức tất cả biển số đỏ được tháo xuống và thay vào đó là biển số trắng hoặc để trống (?). Cách bãi xe của bà Ngọc vài chục mét là “đại bản doanh” xe “biển đỏ” của ông P. với bốn chiếc đầu kéo cũ kỹ.

Trên quốc lộ 1K, thuộc xã Hóa An, TP Biên Hòa có hai bãi xe của ông Diệp và Út Sô “biển đỏ”. Xe của ông Diệp là xe Kamaz và Hyundai sơn lại màu xanh giống xe của quân đội, gắn “biển đỏ” chở hàng từ TP.HCM lên Bình Dương, Đồng Nai.

Sáng 1/9, chúng tôi đến bãi xe của ông Việt “Cần Thơ” (trước đây ông này ở Cần Thơ). Ông Việt cho biết mình có hai chiếc “biển đỏ”. Giải thích lý do phải chạy “biển đỏ”, ông Việt nói: “Vì biển đỏ đi không sợ công an, không ai dám đụng cả”. Chúng tôi hỏi xe “biển đỏ” ở đâu mà có, ông Việt nói: “Thuê của một đơn vị quân đội với giá 4,5 triệu đồng/tháng/chiếc”. Xe có kiểm định không? Ông Việt khẳng định: “Có nhưng không cần mang xe lên mà chỉ cần gọi điện là có người xuống tận nơi dán tem” (?).

Sáng 7/9, chúng tôi đang đi trên tỉnh lộ 741 (TP Biên Hòa) thì tình cờ gặp một xe cẩu hiệu Tadano, loại 45 tấn, màu đỏ, “biển đỏ” BC 3070 đang chạy với tốc độ rất nhanh qua những tuyến đường cấm xe tải. Đến trạm thu phí Suối Lồ Ồ, chiếc “biển đỏ” lừng lững vượt qua mà không cần mua vé, sau đó quẹo sang con đường đất đỏ vào bãi xe thuộc ấp Bình Thắng, xã Bình Thắng, Dĩ An, Bình Dương.

Chúng tôi dùng điện thoại liên lạc với số máy di động 09038057… có ghi trên chiếc xe cẩu này, đầu dây bên kia là giọng đàn ông giới thiệu tên Đ.. Chúng tôi nói đang làm công trình ở trong nội thành, muốn cẩu một bồn có đường kính 3m, dài 6m, nặng 15 tấn lên độ cao 3m. Chúng tôi cũng nói rằng nhiều doanh nghiệp vận tải không dám nhận vì phải vào đường cấm. Ông Đ. nói: “Chuyện đó quá dễ, có gì tui lo”.

Nhờ có “bửu bối” (biển số đỏ), những ông chủ các đoàn xe này đã “bao” hết những lô hàng quá khổ, quá tải. Có những lô hàng phôi sắt, dầm, đà cầu quá khổ (dài 20m), cần cẩu, máy đào từ 45 - 100 tấn chở vào đường cấm đều được “biển đỏ”  thầu trọn.

Theo Hoàng Khương
Tuổi Trẻ