1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Loạn… “thần đèn”

Sau sự kiện “thần đèn” Bùi Tốn di dời làm đổ căn nhà ba tầng ở quận 7, TPHCM, nhiều người giật mình hỏi có cơ quan chức năng nào chuẩn hóa tay nghề của các “thần đèn” trước khi họ làm công việc nguy hiểm này?.

Loạn… “thần đèn” - 1
Căn nhà tại Q.7, TPHCM trở thành đống gạch vụn khi "thần đèn" Bùi Tốn thực hiện di dời.

Sau sự di dời thành công các công trình kiến trúc như nhà cửa, chùa chiền, cơ quan… nặng hàng ngàn tấn của các “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy (Đồng Tháp), Lương Thành Lũy (An Giang) hay Đỗ Quốc Khánh (Hà Nội)… thì trong nam ngoài bắc “mọc” lên vô số “thần đèn”.

Ra ngõ gặp… “thần đèn”

Ở huyện Chợ Mới (An Giang), người dân hễ ra ngõ là gặp… “thần đèn”. Những tấm bảng quảng cáo như: “Đội đời nhà”, “Nhận dời nhà”… mọc lên như nấm trên các tuyến đường nông thôn.

Chợ Mới có hơn 20 đội di dời nhà cửa (mỗi đội 15 - 20 thành viên) với hàng loạt “thần đèn” như: Út Mập, Ba Tuấn, Sáu An, Chín Cọp, Bảy Bình, Tám Bé, Tư Nghĩa, Hai Lý, Ba Liễm, Như Tiên, Duy Cường…

“Thần đèn” Tư Lũy (Lương Thành Lũy - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Tư Lũy), cho biết trong 20 năm hành nghề di dời công trình kiến trúc, công ty đã thu nhận 500 - 600 công nhân. Trong số thợ đó, hiện có hơn chục người biến thành “thần đèn”, tách ra làm ăn riêng.

“Một số lính của tui vào làm 1 - 2 năm, học lóm được vài “bài” là nhảy ra xưng “thần đèn”, rồi quy tụ anh em kéo nhau đi tứ tán chộp giật làm ăn. Tụi nó nghèo nên liều lắm, nhắm có lời là nhận công trình làm, bất chấp hiểm nguy, thành bại”, ông Tư Lũy thổ lộ.

Theo ông Tư Lũy, phong trào “thần đèn” có xu hướng lan tỏa ra các tỉnh thành ở Nam bộ như Đồng Tháp, Bến Tre, TPHCM…

Nhiều “thần đèn” xem di dời công trình như một nghề kiếm cơm. Một “thần đèn” đang di dời công trình ở TPHCM cho biết, làm “thần đèn” chẳng có gì khó, chỉ cần một thời gian theo nghề và nắm vững vài kiến thức di dời nhà cơ bản như giữ cân bằng công trình chính xác, tính độ lún để chống lún, tính trọng lượng nâng…”. Hiện nay “thần đèn” hiện diện khắp nước và có người sang cả Campuchia hành nghề.

Phải chuẩn hóa đội ngũ “thần”

Hiện nay, phần lớn “thần đèn” đang hành nghề có trình độ học vấn bậc… tiểu học, với phương tiện hành nghề tự tạo thô sơ, như: con lăn, ròng rọc, dây xích, ván trượt, palan… và không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, chứng nhận tay nghề.

Trong khi một số “thần đèn” thành lập công ty, doanh nghiệp để có tính pháp nhân ký hợp đồng với đối tác thì cũng có một số “tiểu thần đèn” cứ nhận làm đại, làm càn, không có cơ quan cấp phép mà người dân cũng không quan tâm đến giấy phép.

Ông Tư Lũy nhận xét, công việc di dời công trình của “thần đèn” chủ yếu là do kinh nghiệm, nhưng đa phần “thần đèn” hiện nay còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm, yếu tay nghề.

“Thật sự tui rất lo khi có quá nhiều thanh niên làm “thần đèn”. Họ học lóm vài kinh nghiệm của người đi trước rồi ra riêng. Trong khi việc di dời công trình rất nguy hiểm, một sai sót nhỏ có thể làm hỏng công trình tiền tỷ và gây chết người như chơi”, ông Tư Lũy cho hay.

Đó là chưa nói, tuy làm công việc có tính chất nguy hiểm cao, nhưng hầu hết công ty, doanh nghiệp “thần đèn” đều không mua bảo hiểm cho công nhân.

Bà Trần Thị Yến Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, thừa nhận chưa có một cơ quan chức năng nào ở địa phương quan tâm đến đội ngũ “thần đèn”. Không có cơ quan địa phương nào chứng nhận tay nghề rồi cấp phép hành nghề cho các “thần đèn” cả”.

Còn bà Lê Thị Lệ Thủy, chuyên gia đô thị, Hiệp hội Đô thị phát triển Việt Nam, nói lâu nay sự thành công của các “thần đèn” chỉ là do công chúng thừa nhận. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu một hành lang pháp lý để chuẩn hóa đội ngũ “thần đèn”, nhằm bảo vệ các bên tham gia, bởi công việc này rất nguy hiểm và rủi ro cao.

Năm 2009 ở Tiền Giang và An Giang có ba công nhân và “thần đèn” tử vong, ngoài ra, có nhiều tai nạn gây thương tật khác khi “thần đèn” thực hiện công trình.

Theo Cửu Long
Báo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm