“Loạn” phí sát hạch lái xe ô tô tại trường lái ở Thủ đô
(Dân trí) - Thu phí sát hạch lái xe ô tô sai quy định đối với tất cả các thí sinh và trường hợp thi lại, các thí sinh bị thu mức phí “riêng”, là thực trạng diễn ra ở nhiều đợt thi cấp giấy phép lái xe (GPLX) của Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe có trụ sở tại xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Theo biểu mức thu phí tại Thông tư số 188/2016/TT-BTC, để có bằng lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C..), các học viên phải vượt qua 3 phần thi (không thi lại phần nào) với tổng phí sát hạch, lệ phí cấp Giấy phép lái xe (GPLX) là 585.000 đồng.
Trong đó, phí sát hạch tương ứng ở phần thi lý thuyết 90.000 đồng/lần, phần thực hành trong hình 300.000 đồng/lần, phần thực hành trên đường giao thông công cộng 60.000 đồng/lần.
Học viên thi đến phần nào mới phải nộp phí sát hạch phần đó. Riêng lệ phí cấp GPLX là 135.000 đồng.
Quy định này được áp dụng thống nhất trên toàn quốc nhưng… “ngoại lệ” trong nhiều đợt thi sát hạch GPLX cơ giới đường bộ do Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe (gọi tắt là Trung tâm) có trụ sở tại xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Theo đó trung tâm này thường thu luôn 1 lần toàn bộ các loại phí của thí sinh (tổng 585.000 đồng), nhưng nếu thí sinh bị trượt ở các phần thi đầu sẽ không được trả lại phí của phần thi sau cũng như phí cấp GPLX.
Quy định một đằng, thu phí một nẻo
Sáng 22/11 vừa qua, gần 300 học viên về Trung tâm Sát hạch lái xe Ngọc Hà, ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) dự thi.
Hơn 7h sáng, chật kín các thí sinh trong hội trường tầng 1 nghe Hội đồng sát hạch công bố Quyết định tổ chức kì thi của Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam và phổ biến các nội dung liên quan.
Ít phút sau, khi Hội đồng sát hạch rời đi, người của Trung tâm bắt đầu tiến hành thủ tục giao hồ sơ và thu phí các thí sinh theo “quy định riêng”.
Các thí sinh thi lại phần thực hành tập trung gần lối cầu thang lên xuống tầng 2. Mức phí sẽ phải nộp của nhóm này được ấn định là 450.000 đồng/người. “450 nghìn. Các anh, chị chuẩn bị 450 nghìn cho em” - giọng người con gái vang lên.
Tuy nhiên, khi đi tiếp nhận hồ sơ, các thí sinh vẫn hỏi lại về mức phí cần nộp. “Các anh chị thực hành nhớ là khi gọi lên mà có tên thì anh chị nộp thêm 450 nghìn lệ phí thi lại nhé” - nam nhân viên ngồi cạnh lớn tiếng thông báo rồi tập trung đọc số báo danh, gọi người kế tiếp.
Trong khi đó, khu vực trung tâm là nơi làm thủ tục đối với người thi chính khóa, người thi lại lý thuyết… Tại đây, mức phí phải nộp của nhóm thi chính khóa là 585.000 đồng, thu luôn 1 lần.
Các trường hợp còn lại bị thu phí ít hơn, trong đó có chị T. (trú tại Hà Nội, số báo danh 2xx) bị thu 500.000 đồng.
Theo thí sinh này, chị đã nộp khoảng hơn 1 triệu đồng cho 2 lần thi trước đó (585.000 đồng lần thi 1 và 450.000 đồng lần 2 thi lại thực hành) nhưng đều trượt ở phần thực hành nên hôm nay chị phải thi lại từ đầu cả 3 phần. Qua nhẩm tính, hiện trung tâm đang “cầm trước” của chị T. khoảng 750.000 đồng.
Đáng chú ý, toàn bộ quá trình thu phí được người của Trung tâm đánh dấu vào một danh sách đã in sẵn từ trước, không dùng biên lai.
Trước đó, tình trạng thu phí “loạn” như trên cũng diễn ra ở đợt thi sát hạch được tổ chức vào ngày 18/10, tại cơ sở cũ của Trung tâm Sát hạch lái xe Ngọc Hà, thuộc địa bàn phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Qua tìm hiểu, số lượng học viên tham dự lần thi ngày 18/10 là 330 người, trong đó có 60 thí sinh thi sát hạch lại phần lái xe trong hình. Kết quả kì thi có 62% được cấp GPLX ô tô.
Biết thu sai nhưng không nói vì “mong lấy được bằng”
Quá trình tìm hiểu thực trạng nêu trên, theo các học viên đã và đang trải qua kì thi của trung tâm, việc thu phí sát hạch theo quy định “riêng” tại đây được thực hiện từ lâu, mọi người đều biết nhưng không ai lên tiếng.
Trao đổi với PV Dân trí tại buổi thi sát hạch lớp chính khóa B2K90 (ngày 18/10), 2 học viên (khóa B2K89) phải thi lại phần thực hành cho biết, bản thân vừa nộp thêm 450.000 đồng tiền phí dù ở lần thi trước đã nộp 585.000 đồng mà không được trả lại phần phí thừa (60.000 tiền phí thi thực hành trên đường giao thông công cộng và 135.000 lệ phí cấp GPLX).
“Mỗi khóa có gần 400 học viên đi thi mà có phải thi đỗ tất đâu. Chưa kể nhiều người thi mấy lần chưa qua. Có người thi lại lần thứ 6… Xảy ra bao nhiêu khóa nay rồi. Nhân lên không biết bao nhiêu người. Số tiền thu như vậy không biết đi về đâu?” - anh D. thắc mắc.
Trong khi đó, anh H. ngồi cạnh cho hay, thấy các học viên cũng bàn tán về vấn đề thu phí sai quy định nhưng bản thân mong muốn lấy được bằng lái để phục vụ công việc nên… “người ta bảo phải nộp bao nhiêu thì mình biết bấy nhiêu”.
Là thầy giáo dạy lái xe ô tô cho các học viên của Trung tâm, một thầy dạy lái trú tại Hà Nội (xin giấu tên) bày tỏ sự bất bình trước tình trạng này. Theo anh này, việc thu phí sát hạch sai quy định đã diễn ra khoảng 2 năm trở lại đây.
“Thi xong họ mới hỏi còn trước đó không dám vì sợ mình không dạy nhiệt tình nữa. Tâm lý học viên ai cũng vậy. Cuối cùng thành ra cứ nghĩ tiền ấy các thầy được nên không dám kêu” - anh này thổ lộ.
Qua tìm hiểu, Trung tâm này là đơn vị dạy nghề công lập có chức năng đào tạo, bổ túc nâng hạng lái xe cơ giới đường bộ.
Đồng thời, trung tâm cũng là đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán kinh tế nội bộ, có tư cách pháp nhân, tài khoản và con dấu riêng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, việc kê khai, thu, nộp phí và lệ phí được quy định tại Nghị định 120/2016/NĐ-CP.
Văn bản này quy định thêm trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức trong việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.
“Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện lập và cấp chứng từ thu phí, lệ phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trong trường hợp thu phí sát hạch cấp GPLX sẽ áp dụng Biên lai thu tiền phí, lệ phí được cơ quan có thẩm quyền in sẵn các mệnh giá” - ông Hậu cho hay.
(Còn nữa…)
Nguyễn Trường