1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Loạn kính thuốc

(Dân trí) - Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm hiệu kính thuốc lớn, nhỏ lúc nào cũng nườm nượp khách hàng đến làm đẹp cũng như “khắc phục” các khuyết tật của mắt. Tuy nhiên chất lượng đo mắt, làm kính lại “loạn” đến mức đáng kinh ngạc...

Khu vực trước cổng chợ Cầu Mới (Ngã Tư Sở) tập trung hàng chục hiệu kính. Từng giá đựng kính được để đứng trên vỉa hè, thậm chí còn xuống cả lòng đường. Kính ở đây được gắn mác rất đang dạng và phong phú: từ Gucci, Ranban đến Versace, Armani... mỗi thứ một kiểu khiến khách hàng nhiều khi: mắt thì nhìn cặp này nhưng tay lại vơ cặp khác.

 

Biết tôi muốn mua một cặp kính cận, một chủ hàng kiêm “bác sĩ nhãn khoa” ném lên mặt bàn một quyển tạp chí màu rồi tận tình hướng dẫn: “úp mắt kính vào một mắt... thế... mắt kia lấy tay che lại, rồi đọc tờ này nhá. Có rõ không? Có đau mắt không? Không à, thế thì cận nặng rồi!”.  Phát hoảng vì cách khám bệnh “quái chiêu” kia, tôi vội vã đi thẳng mặc cho tiếng gọi của người bán hàng “ngày nào em cũng “khám” thế, có ai bị sao đâu!”.

 

Tại một hiệu kính thuốc trên đường Trường Chinh, sau khi nghe tôi trình bày tình trạng của mắt, người bán hàng bảo ngồi vào ghế, để cằm, trán sát vào máy đo điện tử. Bằng những thao tác thuần thục, sau mấy tiếng “lách, cách” máy đo cho kết quả: hai mắt cận 1,75 độ. Thấy tôi có vẻ băn khoăn, “chuyên viên khúc xạ” lại kêu tôi ngồi vào chiếc ghế cáu bụi vừa được lôi từ góc phòng và nhìn lên tấm bảng điện có in những hàng chữ cái. Chưa đầy 2 phút sau, người này “phán”: mắt trái 1,75 độ, mắt phải 1 độ. Đến nước này thì tôi thật sự hoang mang vì trước đó chưa đầy 30 phút, tôi vừa được một “bác sĩ nhãn khoa” tại một hiệu kính cách đó chưa đầy 200 mét thông báo: mắt phải 1,5 độ, mắt trái 1 độ!

 

Để chắc chắn, tôi tìm đến một hiệu kính khá to trên đường Láng. Vị khách trước tôi là một em bé chừng 9, 10 tuổi đang đứng ở bệ cửa, một tay che mắt, miệng lẩm bẩm từng chữ cái theo hướng chỉ của người bán hàng. Sau khoảng 3 phút, người này quay ra nói với mẹ em bé: cháu bị cận 0,75 độ rồi, phải mua kính ngay. “Nhưng tuần trước bác sĩ nói cháu cận có 0, 25 độ thôi mà?”. Vị “bác sĩ” này lại điềm nhiên trả lời “một tuần không đeo kính mà tăng có... 0,5 độ là còn chậm đấy chị ạ!”.

 

Những tưởng, chỉ việc đo mắt mới “loạn xì ngầu” như thế, nhưng trên thực tế đến giá cả, chất lượng của tròng kính cũng rất “trời ơi”. Tôi cầm phiếu kết quả khám mắt đến một hiệu kính trên đường Cầu Giấy, được nhân viên ở đây tư vấn: “tròng kính dầu chống loá của Nhật giá chín mươi nghìn một cặp, tròng nhựa của Hàn Quốc giá bảy mươi nghìn còn tròng thuỷ tinh thì năm mươi nghìn”. Thấy tôi còn ngần ngừ, cô nhân viên này “tung tuyệt chiêu”: “Em nói để anh tin tưởng bọn em nhá (?!), ở đây chỉ bán đúng giá, toàn hàng xịn, đảm bảo chống trầy, xước”. Nhưng khi hỏi lấy gì chứng minh nguồn gốc “xịn” thì cô ta “chịu”...

 

Quay về một hiệu kính trên đường Nguyễn Trãi, tôi yêu cầu một bộ tròng kính 0,75 độ, chất lượng ngoại, người bán lôi ra từng xấp mắt kính. “Đây là hàng Mỹ, Nhật, Đài Loan, anh muốn loại nào cũng có. Nhật, Mỹ thì bảy mươi nghìn một cặp, còn Đài Loan thì thấp hơn, chỉ 60 nghìn thôi”. Và tất nhiên, mặt hàng nào cũng “đảm bảo chống loá, chống trầy xước, chống tia cực tím”. Sau một hồi ngã giá, có lẽ vì quá bực mình trước sự cò kè của tôi, người này “lật bài ngửa”: “ba mươi hai nghìn một cặp đấy, lấy đi, đừng trả giá treo nữa. Muốn rẻ hơn thì mua loại nội, hai mươi nghìn một cặp thôi”.

 

Thấy tôi than từ ngày đeo tròng kính nhựa, mắt hay nhức, mỏi, Thành - một tay kinh doanh kính thuốc trên đường Láng thành thật khuyên “Lấy đâu ra Nhật, Mỹ. Anh mà ham rẻ là chơi phải loại kính thủ công được “chế” từ kính xây dựng thông thường đấy”. Theo Thành, loại kính này được chế tác một cách khá đơn giản: kính thông thường được cắt thành từng miếng vuông, mỗi cạnh 5 cm rồi đưa lên máy xoáy tròng. Để tạo số độ cần thiết cho cả kính cận và kính viễn, động tác trước tiên là tạo lõm ở tâm tròng kính. Xoáy cho phía bên trong của kính mỏng đi, dầy ở xung quanh sẽ cho mắt kính cận. Mặt kính phía trong càng mỏng, phía ngoài càng bằng thì độ cận càng cao. Nếu làm kính màu thì chỉ cần mài đều, nhuộm màu là xong. Ưu điểm của loại kính này là rẻ, cực rẻ. Nhưng sự nguy hại của nó với sức khoẻ người bệnh lại cực lớn. Với kính màu, khả năng ngăn chặn tia tử ngoại gần như bằng “không”. Với kính cận, vì làm thủ công nên tâm kính sẽ bị... lệch!

 

Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân và Thông tư số 01/2004/TT-BYT của Bộ Y tế quy định người đứng đầu cơ sở kính thuốc tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp y và phải có thời gian làm công việc chuyên môn tại các cơ sở chuyên khoa mắt từ 2 năm trở lên. Tuy nhiên, chỉ qua gần chục cửa hàng kính thuốc trên địa bàn thành phố cũng thấy chất lượng đo mắt, làm kính còn rất lộn xộn. Và người phải gánh cái “nạn” này, không ai khác, chính là người bệnh. Dư luận đặt câu hỏi: trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu khi cứ để tình trạng trên kéo dài như vậy?

 

Bài và ảnh Phạm Phúc Hưng