1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

"Loạn" khai thác cát trên sông Rào Trổ

(Dân trí) - Con sông Rào Trổ chảy qua 3 xã miền thượng Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng thuộc huyện Kỳ Anh có chiều dài khoảng 10km. Nhưng hàng ngày các loại máy đào cùng với nhiều xe trọng tải lớn ngang nhiên khai thác, vận chuyển cát ra khỏi địa bàn để tiêu thụ

Trên đường 22 thuộc các xã miền thượng Kỳ Anh, đâu đâu cũng bắt gặp nhiều xe ô tô trọng tải lớn  nối đuôi nhau vận chuyển cát dọc trên đường.

"Loạn" khai thác cát trên sông Rào Trổ - 1
Đường vào các điểm khai thác cát
 

Tại một bãi khai thác cát rộng lớn ở xóm Xuân Hà, xã Kỳ Lâm, nhiều chiếc máy đang hì hục đào cùng với hàng chục chiếc xe tải nối đuôi nhau chờ lấy cát chẳng khác gì một công trường lớn đang thi công. Thảm cảnh hơn là dòng sông bị đào bới tạo thành những hố sâu, có nơi bị khai thác vào lòng núi làm cho cây cối đổ gãy ngổn ngang.

"Loạn" khai thác cát trên sông Rào Trổ - 2
Máy móc hoạt động suốt ngày đêm.
 
Theo những người dân sống quanh khu vực này cho biết: Lượng cát ở đây rất lớn, nhiều năm nay bọn chúng khai thác rất mạnh, đào sâu vào lòng núi nơi trồng cây lâm nghiệp, về mùa mưa nhiều diện tích rừng đồi bị sạt lở xuống sông.

Không chỉ ở xã Kỳ Lâm mà các xã lân cận như Kỳ Lạc, Kỳ Thượng cũng diễn ra tình trạng khai thác cát bừa bãi này.

Người dân nơi đây cho biết: “Cát ở đây đẹp, không nhiễm mặn nên các chủ xây dựng ưa chuộng. Bởi thế họ đưa cả một dàn máy hiện đại lên đây đào bới suốt ngày đêm. Bây giờ dòng chảy của sông cũng biến dạng nên mỗi khi mùa mưa lũ đến gần người dân sống quanh đây rất lo ngại. Đã nhiều lần họp Đảng bộ xã chúng tôi đã kiến nghị nhưng không hiểu sao đâu vẫn vào đó”.

Theo một chủ thầu tại đây cho biết, có những mỏ ước tính khoảng 4 vạn khối cát, mỗi khối nhà thầu bán tại điểm khai thác là 100 ngàn đồng.

"Loạn" khai thác cát trên sông Rào Trổ - 3
Những con đường vận chuyển cát đi tiêu thụ
 
Được hỏi về việc khai thác cát nơi đây, ông Phan Hoàng Trường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang rà soát, kiểm tra lại để có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ mới lên làm chủ tịch gần 2 tháng nay. Việc cấp giấy phép cho các chủ thầu khai thác đã có từ trước do xã làm có xin ý kiến huyện nhưng chỉ bằng miệng chứ không có văn bản nào. Cũng theo ông Trường, xã có cấp giấy phép khai thác ở các điểm như Lạc Tiến với số tiền là 36 triệu đồng, Lạc Sơn là 17 triệu đồng, Lạc Trung là 8 triệu đồng , thời hạn hợp đồng khai thác cát là 2 năm.
 
Như vậy, động cơ nào trong việc tự ý cấp giấy phép cho khai thác một cách bừa bãi, vô trách nhiệm của địa phương không những làm ô nhiễm môi trường mà còn làm thất thoát một lượng tài nguyên không nhỏ?
 
Sau đây là một số hình ảnh mà PV Dân trí ghi lại được ở các điểm khai thác cát:
 
"Loạn" khai thác cát trên sông Rào Trổ - 4
"Loạn" khai thác cát trên sông Rào Trổ - 5
"Loạn" khai thác cát trên sông Rào Trổ - 6
"Loạn" khai thác cát trên sông Rào Trổ - 7
"Loạn" khai thác cát trên sông Rào Trổ - 8

Minh Đức-Cao Cường