1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lo phụ nữ thiệt khi đổi công thức tính lương hưu

(Dân trí) - Để chống vỡ Quỹ lương hưu, luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra cách tính lương hưu mới theo hướng giảm mức hưởng. Lo lắng việc này ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, đại biểu Quốc hội cho rằng, lao động nữ có thể mất 10% lương vì thay đổi này.

Thảo luận về một số vấn đề của Dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong buổi chiều ngày 9/10, nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách cho rằng chính sách bảo hiểm xã hội cần bảo đảm sự công bằng giữa các đối tượng tham gia.

Buộc đóng bảo hiểm cho lao động hợp đồng 1-3 tháng

Bản dự thảo được trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc bổ sung đối tượng này vào nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc nhằm mở rộng diện an sinh xã hội; một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định này do công tác quản lý đối tượng phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý lao động còn hạn chế.
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã bế mạc sau 3 ngày làm việc.
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã bế mạc sau 3 ngày làm việc.

UB Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất của Chính phủ, với nhận định, việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động. Nhóm lao động này là nhóm có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để không phải thực hiện nghĩa vụ BHXH.

Thực tế, ước tính hiện nay, số lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động là khoảng 16 triệu người, trong đó chỉ có khoảng 10,8 triệu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn khoảng 5-6 triệu lao động, trong đó đa số là lao động có giao kết hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Để đảm bảo tính khả thi đối với chính sách này, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn, BHXH Việt Nam và chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định của Bộ luật lao động, Luật việc làm, Luật doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng và có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định này.

Thiệt 10% lương hưu vì cách tính mới?

Về vấn đề giải pháp chống vỡ quỹ lương hưu, cả cơ quan thẩm tra – UB Các vấn đề xã hội và đa số đại biểu đều tán thành phương án quy định từ ngày 1/1/2018 trở đi, áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động.

Các đại biểu cho rằng, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo tính toán, trên thực tế, hiện nay, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 60-70% thu nhập thực tế.

Về mức hưởng lương hưu hàng tháng, báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo luật của UB Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nhiều đại biểu chưa tán thành việc điều chỉnh mức lương hưu hàng khi tuổi nghỉ hưu của người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi này là cần thiết để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng – hưởng BHXH.
(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

UB Thường vụ đưa ra 2 phương án để thảo luận. Phương án 1, điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Phương án 2 theo cách Chính phủ xây dựng. Theo đó, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Đánh giá cả 2 phương án đều hướng tới mục tiêu bảo đảm việc cân đối đóng – hưởng BHXH nhưng UB Thường vụ nghiêng về phương án 1. Cơ quan giải trình, tiếp thu phân tích, trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH (theo Điều 90 Bộ luật lao động) để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó.

Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (đoàn Phú Yên) thì lo cách tính mới sẽ gây bất lợi cho lao động nữ.

Bà Chi tính toán, giả sử một lao động nữ đã tham gia đóng bảo hiểm 25 năm, nếu năm 2017 nghỉ hưu thì được hưởng 75% lương nhưng nếu 2018 nghỉ thì chỉ còn được 65%. 2 thời điểm, chỉ cách nhau 1 tháng, thậm chí ít ngày mà mất luôn 10% lương. Cắt đột ngột như thế, đại biểu lo người lao động khó chấp nhận được. Như vậy, để tránh vỡ quỹ lương hưu thì lại ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) “trấn an”, việc thay đổi sẽ tác động đến những người nghỉ ở giai đoạn này nhưng xét về lâu dài thì quy định lại hợp lý vì nam nghỉ hưu muộn hơn 5 năm tức sau 35 năm làm việc, đóng bảo hiểm mới được hưởng mức lương khi nghỉ hưu bằng 75% nhưng nữ chỉ cần 30 là cũng đạt được mức 75% này.

Để giải quyết vấn đề trong giai đoạn chuyển đổi, đại biểu đề nghị kéo giãm mức và tăng tỷ lệ hưởng thêm đôi chút để đảm bảo lương hưu của người lao động không bị giảm đột ngột.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc, việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội phải trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng; thu đúng, thu đủ, nguyên tắc có chia sẻ và bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm