Nghệ An:

Lo nơm nớp về thủy điện trước mùa mưa bão

(Dân trí) - Các đại biểu thống nhất quan điểm, việc vận hành xả lũ của các thủy điện gây thiệt hại đến tài sản của người dân thì phải bồi thường, chính quyền các địa phương không thể nơm nớp chạy theo thủy điện. Trong khi đó, ngành công an đang có một cuộc tổng điều tra các nhà máy thủy điện trên địa bàn Nghệ An.

Thủy điện gây thiệt hại lớn, khắc phục hậu quả chậm

Tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra vào chiều 10/7, vấn đề hệ lụy cũng như trách nhiệm của các thủy điện đối với đời sống người dân tiếp tục được các đại biểu đưa ra mổ xẻ.

 Lo nơm nớp về thủy điện trước mùa mưa bão - 1
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ khiến ngập lụt một vùng rộng lớn, gây thiệt hại nặng nề cho 2 huyện Tương Dương, Con Cuông vào tháng 8/2018.

Là địa bàn có nhiều công trình thủy điện lớn như Bản Vẽ, Nậm Nơn, Khe Bố, những năm qua, Tương Dương là địa phương phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc xả lũ của các nhà máy thủy điện, dù rằng các nhà máy này đều xả lũ đúng quy trình. Đặc biệt, vào tháng 8-9/2018, mưa lớn cộng với việc nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ đã khiến hàng chục hộ dân sinh sống ở hai bên hạ lưu chân đập thủy điện bị cuốn trôi nhà cửa, tài sản, tuyến quốc lộ 7 chạy qua địa bàn huyện và nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng nặng. Mới đây, vào tháng 5/2019, nhà máy thủy điện Nậm Nơn xả nước khiến anh Vi Văn May – một người dân địa phương thiệt mạng.

“Các nhà máy thủy điện xả lũ vào mùa mưa lũ, không phải mưa lũ cũng xả gây chết người. Trong khi đó việc giải quyết hậu quả xả lũ của các nhà máy thủy điện rất chậm. Năm 2018 chúng tôi đã có kiến nghị nạo vét lòng hồ thủy điện Khe Bố hoặc hạ đập xuống 63m nhưng đến giờ phút này nạo vét cũng không, phương án phòng chống lũ lụt vẫn chưa có”, ông Nguyễn Văn Hải – đại biểu huyện Tương Dương cho biết.

 Lo nơm nớp về thủy điện trước mùa mưa bão - 2
Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư huyện ủy Tương Dương: Không chỉ người dân mà chính quyền các địa phương cũng nơm nớp lo nhà máy thủy điện xả lũ khi mùa mưa bão cận kề.

Ông Hải cho rằng cần phải rà soát đánh giá lại tác động môi trường của các nhà máy thủy điện, đồng thời điều chỉnh phê duyệt quy trình liên hồ chứa, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để giảm thiệt hại khi các nhà máy thủy điện xả lũ. Một bất cập nữa được ông Hải chỉ ra là mùa mưa lũ sắp đến nhưng phương án phòng chống lũ lụt của các nhà máy thủy điện chưa được tỉnh Nghệ An phê duyệt.

Qua kiểm tra thì các thủy điện xả lũ đều đúng quy trình. Nhưng tại sao đúng quy trình lại gây thiệt hại lớn đến như vậy. Điều đó cho thấy quy trình xả lũ có vấn đề”, ông Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nói.

“Không chỉ huyện Tương Dương mà Kỳ Sơn, Quế Phong ăn rồi lo nơm nớp thủy điện xả lũ, gây thiệt hại cho người dân, trả lời đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến hoạt động vận hành của các nhà máy thủy điện”, đại biểu Nguyễn Văn Hải nói

Trong khi đó, người dân tại các địa phương quy hoạch 2 công trình thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mộ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng đang sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ bởi dự án này đã quy hoạch 10 năm nhưng hiện vẫn đang “treo”. Người dân cũng như chính quyền huyện đã nhiều lần kiến nghị dừng 2 công trình thủy điện này nhưng Bộ Công thương vẫn đang đàm phán để triển khai. Tuy nhiên bao giờ triển khai thì chính quyền địa phương vẫn chưa được biết, trong khi đó, quỹ đất để tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng không còn, phương án di vén dân vùng lòng hồ thủy điện lên cao hơn cũng khó khả thi và không đảm bảo an toàn.

 Lo nơm nớp về thủy điện trước mùa mưa bão - 3
Ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn: Các nhà máy thủy điện gây thiệt hại phải đền bù hỗ trợ cho người dân một cách sòng phẳng!

Việc quy hoạch "treo" 2 nhà máy thủy điện này cũng khiến việc đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, trường học trên địa bàn hết sức khó khăn.

Trong hoàn lưu cơn bão số 3-4 tháng 7/2018, thủy điện Bản Vẽ tích nước trước khi xả lũ gây ngập lụt ở Tương Dương, Kỳ Sơn đã khiến nước dâng cao làm 19 hộ dân Mỹ Lý bị hư hỏng nhà cửa, tài sản do ngập nước. Trong khi đó, các hộ dân này lại không nằm trong phương án đền bù khi làm thủy điện Bản Vẽ.

“Các hộ dân này bị thiệt hại và kêu huyện. Huyện cũng đã có công văn đề nghị thủy điện Bản Vẽ có phương án hỗ trợ, đền bù cho dân nhưng đến nay chưa có trả lời. Chúng tôi như đi xin. Cái này thủy điện phải đền bù hỗ trợ cho người dân một cách sòng phẳng”, đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng (huyện Kỳ Sơn) nói.

Điều tra hàng loạt thủy điện

Thông tin tại phiên thảo luận tổ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, liên quan đến việc nhà máy thủy điện Nậm Nơn mở cửa xả khiến một người dân địa phương tử vong, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính”.

Nghệ An điều tra hàng loạt thủy điện

Theo Thiếu tướng Cầu, hiện Công an Nghệ An cũng đang tập trung điều tra quy trình xây dựng các nhà máy thủy điện, trong đó có liên quan các hạng mục công trình và thẩm định dự án để xác định "trách nhiệm thuộc về ai".

“Thủy điện Nậm Nơn cách nhà dân chưa đầy 20 mét, chỉ tiếng ồn thôi người dân cũng đã không chịu đựng được rồi. Cho nên, chúng tôi phải làm vấn đề này để gõ cái gậy vào tất cả cơ quan ban, ngành, làm rõ trách nhiệm trong việc thẩm định, chỉ đạo xây dựng nhà máy thủy điện mà để hậu quả người dân phải chịu”, Tướng Cầu nhấn mạnh.

 Lo nơm nớp về thủy điện trước mùa mưa bão - 4
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu: Các nhà máy thủy điện không thể kinh doanh thu lời gây thiệt hại cho dân mà không chịu đền bù được!

Liên quan đến việc các nhà máy thủy điện xả lũ vào tháng 8/2018 gây thiệt hại nặng nề cho 171 hộ dân Tương Dương, Con Cuông, đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa được đền bù cũng được Công an tỉnh Nghệ An tập trung điều tra. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu thì đây là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người dân, nếu cần, cơ quan công an sẽ kiến nghị đưa vụ việc ra tòa án để xử lý.

Bên cạnh đó, Công an Nghệ An cũng sẽ điều tra hành vi vi phạm của các nhà máy thủy điện theo quy định tại Nghị định 134 của Chính phủ về vấn đề vận hành nhà máy thủy điện và hồ chứa. Nếu phát hiện vi phạm sẽ kiến nghị và trực tiếp xử lý.

“Làm thủy điện mà lợi ích của người dân bị xâm hại thì làm làm gì. Anh không thể kinh doanh thu lời gây thiệt hại cho dân mà không chịu đền bù được”, người đứng đầu Công an tỉnh Nghệ An, nói.

Hoàng Lam