1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Lính phòng không” trên quần đảo Trường Sa

(Dân trí) - Gác lại niềm riêng nơi quê nhà, những chàng trai còn rất trẻ vượt sóng gió bảo vệ biển trời Tổ quốc. Với nụ cười rạng rỡ thường trực trên môi, các anh luôn khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp, gần gũi - một tình cảm bền chặt giữa đất liền với biển khơi…

Mùa biển lặng, chiếc tàu dần đưa đoàn công tác vượt trùng khơi ra thăm và làm việc với nhân dân cùng chiến sĩ huyện đảo Trường Sa. Nghe như xa xôi lắm, nhưng Trường Sa cũng cách đất liền chỉ một câu nói, một nụ cười và cả những mong chờ thân ái của nhân dân đất liền hướng đến biển khơi.

Sau những ngày ăn sóng nằm gió, khi sóng biển vỗ nhẹ mạn tàu cũng là lúc đảo Đá Lớn hiện dần rõ nét. Chưa bao giờ anh em trên đảo lại vui như ngày hôm ấy, vẫn nụ cười, vẫn cái nhìn thân thiện, các chiến sĩ công tác trên đảo Đá Lớn đón đoàn bằng kỷ luật của người lính và sự thân tình của tình đồng đội, anh em.
 
“Lính phòng không” trên quần đảo Trường Sa - 1
Quân dân trên đảo Sinh Tồn
 
Chuẩn úy Đặng Hùng Dũng, 29 tuổi, rất ngại ngùng khi chúng tôi “hỏi nhỏ” bạn gái làm nghề gì. Hướng ánh mắt rắn rỏi ra biển khơi, Dũng nói khái niệm đó “trừu tượng” lắm. Nhưng Dũng không giấu diếm, khi cho biết người mà anh yêu thương đang dạy học.
 
Chuẩn úy Dũng quê ở Thanh Chương (Nghệ An), anh ra đảo từ tháng 1/2008, sau khi hoàn thành một tăng đảo (18 tháng), anh sẽ được trở về đất liền. Xa gia đình, không được nhìn bạn gái mỗi ngày, nhưng Dũng thấy cuộc sống nơi đảo xa trở nên ấm cúng hơn khi anh em công tác ở đó xem nhau như anh em trong nhà, chia sẻ và giúp đỡ tận tình từng người một.
 
Khoác áo lính chỉ mới được một thời gian rất ngắn, chiến sĩ Hoa Văn Phương Anh là thành viên trẻ nhất trong quân ngũ thuộc đảo Nam Yết. Sinh năm 1989, chàng trai trẻ xuất thân từ huyện Khoái Châu (Hưng Yên) chính thức nhận nhiệm vụ của một người lính từ tháng 1/2008.
 
Đặt chân lên đảo, Phương Anh là chiến sĩ đặc biệt được nhiều người quan tâm bởi nụ cười rất tươi của mình. Câu chuyện về cuộc đời, về tình cảm cá nhân được Phương Anh nén vào lòng để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nhớ lại quyết định vào lính, Phương Anh nói do thi rớt đại học ngành hàng hải nên quyết tâm “đầu quân” vào lính đảo để sống và học, tiếp tục ước mơ sách đèn cho con đường tương lai sau này.
 
“Lính phòng không” trên quần đảo Trường Sa - 2
Hưng (bên phải) đang chuẩn bị bữa ăn tối
 
Hôm đoàn công tác ra thăm đảo Nam Yết, trời bỗng nhiên đổ cơn mưa chiều như trút nước. Trong gian bếp quân nhân, chiến sĩ Nguyễn Đình Hưng (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đang chuẩn bị bữa cơm chiều cho anh em trong tổ. Món ăn của đảo cũng mang nét đặc trưng mà đất liền hiếm khi nhìn thấy. Ngoài những thứ được cấp như thịt hộp, gian bếp của Hưng còn có vại nước mắm, cá khô… đây là những sản phẩm do anh em tự tay làm để cải thiện bữa ăn hàng ngày.
 
Hưng nói thật thà, “người yêu thì có rồi nhưng nhiều khi phức tạp…”, Hưng bỏ lửng câu nói. Điều mà Hưng chờ đợi nhất là nhận được thư của bạn gái gửi ra từ đất liền. Ra đảo được 15 tháng, người chiến sĩ trẻ này nhận được hai lá thư. Thời gian và sự nhớ mong làm anh nhớ từng câu, nét chữ trong bức thư úa màu mà bạn gái gửi ra theo tàu trong những đợt công tác trước đó.
 
 
“Lính phòng không” trên quần đảo Trường Sa - 3
Lưu luyến phút chia tay
 
Trung tá Phạm Văn Hòa, trực chỉ huy đảo Nam Yết, nói về lớp chiến sĩ trẻ trên đảo bằng tấm lòng tin tưởng. Người lính đảo có nước da rám màu gió biển nói rằng, lớp trẻ bây giờ nặng động và tiếp thu nhanh lắm. Anh em huấn luyện giỏi, đáp ứng nhanh với mọi tình huống đặt ra. “Rất nhiều chiến sĩ trên đảo còn rất trẻ, chưa có gia đình. Các em không quản ngại khó khăn, gian khổ. Trong điều lệnh chỉ có một hai, nhưng trong cuộc sống đó là tình cha đối với con, là sự thân hữu giữa anh và em”, trung tá Hòa chia sẻ.

Rời Nam Yết, rời đảo Đá Lớn, chúng tôi được những chiến sĩ trẻ tiễn chân bằng những cái vẫy tay chắc nịch, cùng nụ cười rạng rỡ trên môi. Tạm biệt đảo xa, tạm biệt những người con hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió để giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc, tôi bỗng nhớ, và bỗng thấy lòng mình chợt nhói lên một tình cảm thật lạ. Rất xa, nhưng cũng rất gần, như vài câu thơ mà Trung tá Phạm Văn Hòa thốt lên trong lần gặp khách xa: “Ôi cái nhớ sao mà da diết quá/ Ôi cái thương sao mà khắp mặn mà/ Có phải xa nhau ta mới hiểu/ Hết lòng người trong những tháng năm qua”.

Bài và ảnh: Trần Hưng