Lính đảo chìm
Nếu đảo Trường Sa Lớn được ví như thủ phủ của quần đảo Trường Sa thì đảo chìm được xem như là những vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian khó ở nơi biên cương Tổ quốc trên biển Đông
Ra Trường Sa mà chưa đến đảo chìm là chưa biết, chưa cảm nhận đầy đủ về người lính đảo xa. Các hòn đảo chìm như Đá Đông, Đá Tây, Đá Nam, Đá Lát, Tiên Nữ, Cô Lin, Len Đao… để lại ấn tượng không thể phai mờ cho tất cả những ai dù chỉ một lần đặt chân tới về nỗi gian nan và cả hy sinh nhưng rất đỗi kiên cường, anh dũng tại nơi đầu sóng ngọn gió này.
Ru con qua… điện thoại
“Nói vậy nhưng tôi cũng được ru con đấy anh à. Tối khi ru con ngủ, mẹ cháu lại nối điện thoại với bố ở đảo, nói: “Bố ru con trai ngủ đi”. “Đó cũng là chuyện thường tình của đời lính đảo thôi. Vợ lính đảo khi lấy nhau đã xác định sinh, chăm và dạy con một mình rồi” - anh nói.
“Đừng chê lính đảo nhé”
Tới các đảo chìm Đá Tây, Đá Nam, Đá Đông…, chúng tôi ai cũng ấn tượng với những vườn rau dù nhỏ xíu nhưng luôn tươi xanh mơn mởn. Mùa nào thức nấy, dù ít ỏi, có khi chỉ một gắp, nhưng bữa ăn người lính đảo chìm hiếm khi nào thiếu màu xanh của bát canh rau, đĩa rau. Vừa tỉ mỉ chăm chút vườn sau được che chắn kỹ lưỡng, chàng lính trẻ Bùi Thanh Diễn, quê Định Quán (Đồng Nai), đảo Đá Nam, nói nước ngọt và rau xanh là hai thứ quý bậc nhất với lính đảo chìm.
Sử dụng nước ngọt đã thành một thứ quy trình chuẩn của lính đảo chìm. “Tiêu chuẩn bình thường là 10 lít nước/người/ngày nhưng mùa khô nhiều khi không được như vậy. Anh em chúng tôi hầu như chẳng phí đi một giọt nước nào cả. Tất cả lượng nước ít ỏi sinh hoạt hằng ngày đều được trữ lại để tưới rau. Tắm là chuyện của hằng tuần, còn giặt là chuyện của hằng tháng, hằng quý” - thiếu tá Vũ Xuân Trường bật mí và cười: “Biết thế nhưng đừng chê lính đảo nhé”.
Đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu
“Lính đảo chìm không có ngày nghỉ. Luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu với chúng tôi”, thượng úy Kiều Việt Phóng, đảo trưởng đảo Đá Nam, trả lời câu hỏi “ngày nghỉ lính đảo chìm thường làm gì?”. Thượng úy Phóng cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất với chúng tôi là luôn sẵn sàng trong mọi tình huống. Mọi động tĩnh trên biển đều được ghi nhận, theo dõi và báo cáo kịp thời để có phương án xử lý kịp thời và chuẩn xác”.
Những đảo chìm như Đá Tây, Tiên Nữ… nhờ cấu tạo địa chất có “hồ lớn”, ít sóng gió hơn thường được bà con ngư dân tìm về neo đậu mỗi khi biển động. Đảo Đá Tây là địa chỉ tin cậy có tiếng với khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến đây, bà con ngư dân được cung cấp nước ngọt miễn phí cũng như các dịch vụ cung ứng nhiên liệu theo đúng giá Nhà nước quy định tại đất liền, sửa chữa tàu thuyền miễn phí; cung ứng lương thực, thực phẩm bằng giá mua tại đất liền; trao đổi, mua bán và nhận vận chuyển sản phẩm về đất liền theo giá thỏa thuận...
Vì sự trường tồn của Tổ quốc Sự kiện ngày 14-3-1988 khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam, nhất là những người đã đến với Trường Sa. Hình ảnh người sĩ quan trẻ Trần Văn Phương hy sinh anh dũng khi đang chỉ huy bộ đội chốt giữ đá Gạc Ma trong sự kiện này mãi mãi không phai mờ. Trong sự kiện không thể quên ấy, 64 cán bộ chiến sĩ cùng 3 con tàu của hải quân đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả. Từ đó, dịp 14-3 hằng năm, những người lính đảo lại thắp hương tưởng nhớ, ôn lại cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc. Các con tàu đi qua khu vực đảo chìm Len Đao thường dừng lại, thả những vòng hoa xuống biển và tổ chức các nghi lễ trang trọng tưởng nhớ đến những người đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc. |