Liệt sĩ trở về
Cái tin liệt sĩ Róc "sống lại" và trở về nhà vào ngày 14/8 vừa qua đã làm xao động xã nhỏ Hồng Thái Tây (Đông Triều, Quảng Ninh) vốn rất yên tĩnh. Trong bản danh sách 92 liệt sĩ sẽ được khắc tên trên đài tưởng niệm liệt sĩ của xã (sắp hoàn thành), người ta đã phải xoá vội cái tên Lê Văn Bắc, một cái tên khác của ông Róc.
Phút gặp mặt
Ông Mấu đang cắt tóc cho khách thì có người báo tin, nhà ông có khách miền Nam ra chơi. Chưa kịp nghĩ ngợi thêm thì hàng xóm đã dẫn vào một ông già hom hem, tóc bạc, mặc một bộ quần áo sờn cũ. Vừa nhìn thấy khách lạ, dường như có một luồng điện chạy dọc sống lưng ông. Trời ơi, không thể nào như vậy. Nhưng đúng rồi, đây chính là khuôn mặt như đúc từ khuôn mặt ông cụ thân sinh ra ông. Đôi mắt kia, và nhất là cái vết sẹo trên má trái thì ông không thể nhầm được.
"Anh Róc, anh Róc phải không?" - ông chỉ lắp bắp được vài tiếng. Người đàn ông kia cười như mếu, nắm lấy tay ông: "Tôi Róc đây! Chú Mấu, chú vẫn nhận ra tôi à!". Rồi cả hai ôm chặt lấy nhau.
Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là anh trai ruột của ông Mấu, người đã từ biệt gia đình vào quân ngũ từ năm 1967 và được tin hy sinh cuối năm 1968 tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, được Nhà nước công nhận là liệt sĩ năm 1985. Vậy mà hôm nay, ông Róc lại trở về nhà, nguyên vẹn bằng xương bằng thịt.
Vợ ông Mấu nghe tin băng đồng về nhà, sụp xuống chân người anh chồng chưa một lần thấy mặt nhưng vẫn hương khói đều đặn mấy chục năm qua, mà khóc. Ông Róc mắt cũng đỏ hoe, đỡ cô em dâu dậy mà nghẹn ngào: "Lâu lắm rồi, tôi đã mong chờ những giọt nước mắt ngày gặp lại". Dân làng biết tin cũng ùn ùn kéo tới, ai cũng bất ngờ, xúc động. Rồi khóc.
Những người thân trong gia đình ông Róc cũng như làng xóm, họ hàng và cả chúng tôi nữa khi gặp ông đều rất nóng lòng muốn được nghe ông kể lại câu chuyện kỳ lạ của mình, kể từ sau khi ông rời nhà vào bộ đội 40 năm trước (trong câu chuyện của ông, các địa danh ở Campuchia - nơi ông đã từng qua đều do ông cố gắng nhớ lại, có thể không thật chính xác).
Thất lạc
Tháng 7/1967, anh thanh niên 21 tuổi Lê Văn Róc tình nguyện xin nhập ngũ và đổi tên là Lê Văn Bắc. Nhà có 4 anh em, anh Róc là cả, dưới anh là cậu em trai Mấu và 2 cô em gái. Cùng nhập ngũ một ngày với anh còn có 3 trai làng nữa, trong đó có anh Nguyễn Văn Chua (giờ là Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái Tây).
Anh Róc và anh Chua được phân vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 11 Quân khu Đông Bắc. Sau 3 tháng huấn luyện, các anh hành quân qua dãy Trường Sơn. Đầu năm 1969, cả hai vào miền Nam và được điều tới chiến trường miền Đông Nam Bộ. Lúc này, hai người chuyển sang Đại đội 19, Trung đoàn 10, Sư đoàn 11 - Binh chủng Công binh. Sau này, năm 1973, anh Chua có một lần tình cờ gặp lại anh Róc ở một tỉnh của Campuchia giáp với Tây Ninh rồi bặt tin luôn từ đó.
Trong trận đánh tại sóc Con Trăng (gần núi Bà Đen, Tây Ninh), ông Róc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người tiểu đội trưởng công binh, dọn đường cho bộ đội vào chiếm cứ điểm này, nên đã được thưởng Huân chương Chiến Công hạng Ba.
Sau đó, ông lại được phân sang đơn vị 25 - Đại đội đặc công của Trung đoàn 59. Đơn vị ông có nhiệm vụ đập tan các trận càn của quân địch ở gần sông Vàm Cỏ, chỗ giáp với biên giới Campuchia.
Năm 1973, trong một trận chống càn, ông đã bị một mảnh đạn pháo găm vào đầu và mê man. Lúc tỉnh dậy, ông chỉ thấy những người dân Campuchia. Họ bảo rằng sau trận đánh, thấy ông nằm thoi thóp nên họ đã đưa ông về một BV nhỏ ở tỉnh Cà Tum (Campuchia). Người ta gắp mảnh đạn ở đầu ra cho ông, rồi điều trị trong 3 tháng trời.
Chưa kịp bình phục, ông lại bị lính của Lon-non bắt giữ và đưa về nhà tù ở Kông-pông-chàm. Ông bị đánh thừa sống thiếu chết và bị giam tới cuối năm 1974, khi nghe tin quân giải phóng sắp tiến vào Sài Gòn, người nào đó đã mở cửa nhà tù và thả cho mọi người ra.
Ông Róc lúc này dở sống dở chết, được ai đó đặt nằm trên một cây bông goòng to cỡ người ôm, rồi thả cho xuôi dòng Mêkông để về đất Việt. Ông cứ nằm thế, lênh đênh 3 ngày đêm không ăn, chỉ uống nước sông. Đến khi cây mắc vào một chân cầu (vẫn thuộc đất Campuchia), ông được người dân đưa lên bờ, cho ăn uống và chăm sóc 20 ngày trời.
Rồi họ đưa ông ra xe đò, bảo ông đi theo lộ 11 về huyện Cỏ Thum (Campuchia), rồi về huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ở đây, một bà tên Sáu nghe chuyện của ông, thương tình vì con trai bà cũng là liệt sĩ, đã nuôi dưỡng ông và rồi gả con gái cho ông. Hai vợ chồng ông Róc sống với nhau từ đó tới nay. Lúc này, ông lại lấy tên là Lê Văn Phương và mọi người gọi ông là ông Hai Phương.
Tại sao trong ngần ấy thời gian, ông Róc không hề liên lạc về nhà? Ông Róc giải thích, sau khi được bà Sáu cứu giúp, ông đã nhiều lần nhờ người viết thư gửi về nhà (vì ông không biết viết). Địa chỉ người gửi, ông đề tên ông Sen - bố một người cùng làng làm việc trên huyện - và hy vọng ông này sẽ báo lại cho gia đình ông.
Nhưng ông không biết rằng Sen chỉ là tên người làng thường gọi ông bố theo tên của người con cả (còn tên thật của ông này là Tần), chính vì thế, các lá thư không bao giờ tới nơi. Lá thư cuối cùng ông viết về nhà là khi chiến tranh biên giới nổ ra...
Về nhà
... Ở nhà ông Róc, sau khi hoà bình lập lại, mọi người chỉ nghe phong thanh rằng ông đã hy sinh hay mất tích ở chiến trường. Không hề có thêm thông tin gì từ phía đơn vị của ông. 4 trai làng thì ông Chua, ông Hùng đã trở về, 1 người hy sinh, còn ông Róc vẫn bặt tăm.
Tất cả đều nghĩ rằng ông đã hy sinh. Mấy năm trời, bố ông đi gõ cửa khắp các cơ quan chức năng yêu cầu công nhận con trai ông là liệt sĩ. Đến năm 1985, gia đình nhận được bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lê Văn Bắc. Ở đó, người ta ghi ông hy sinh ngày 30/12/1968.
Cuộc sống của gia đình ông Róc ở An Giang hết sức khổ cực, khó khăn. Hai vợ chồng ông làm nghề chài lưới, đặt lập (đó) đánh cá, đem bán kiếm tiền sống qua ngày. Nhà không có, chỉ có một cái chòi tạm mái lợp bằng tôn, cây tràm làm cột. Các con đông, nhưng không đứa nào được đi học vì tiền ăn còn chẳng đủ. Gia tài có giá trị duy nhất là chiếc ghe nhỏ để đi đánh cá.
Sống ở khu vực biên giới giáp ranh giữa Việt Nam và Campuchia nên hầu như cuộc sống của gia đình ông không bị quản lý, chẳng ai có một thứ giấy tờ tuỳ thân nào. Năm 2004, cả nhà ông xuôi về Long An mong ổn định cuộc sống. Cuộc sống quanh năm chỉ lo kiếm ăn từng ngày nên ông cũng không nghĩ tới chuyện tìm về quê hương. Mà muốn về cũng đâu có tiền để đi.
Thế rồi 2 tuần trước, tự nhiên trong đầu ông cứ vang lên ý nghĩ: Phải về nhà, phải về nhà. Thế là ông bàn với vợ, với con. Rồi các con đi vay nặng lãi được 1,5 triệu đồng cho cha và thằng Đông, đứa em trai út lên xe ra Bắc, tìm về quê. Tới bến xe, ông lại nghe người ta nói nếu 2 cha con muốn ra Bắc phải mất tới 3 triệu đồng. Thế là, ông nghẹn ngào bảo thằng Đông quay về, mình ông ra trước rồi sẽ quay lại đón cả nhà...
Mấy hôm nay, ông Róc cứ lâng lâng như trên mây. Mấy chục năm nay, chỉ có mấy ngày này là ông được thanh thản nhất, nhàn nhã nhất vì không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền. Lại được sống trong tình cảm nồng hậu của anh em, bà con, xóm giềng, ông quyết định phải đưa vợ và 2 thằng con trai của ông ra ngoài này. Ông tin chắc rằng, với tình thương của con người nơi đây, mảnh đất đã nuôi ông trưởng thành cũng có thể đùm bọc, che chở cho vợ, con ông.
Theo Kiều Minh - Giang Huy
Lao Động