"Liệt sĩ” sau 50 năm bỗng dưng trở về

Mấy ngày qua, cả thôn Đông Bắc xã Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình vui như ngày hội khi ông Hồ Xuân Hương, được công nhận liệt sĩ bỗng dưng trở về làng. Năm 1966, người thân của ông Hương nhận được giấy báo tử, sau đó nhà nước công nhận ông Hương là liệt sĩ…

… kể từ đó, hàng năm anh chị em của ông Hương đều làm giỗ tưởng nhớ ông, giờ đây ông trở về làng mang theo câu chuyện tưởng như cổ tích.

Ký ức vụn sau 50 năm về làng

Sinh năm 1941, đến khi vừa tròn 16 tuổi, Hồ Xuân Hương theo chân người làng ra biển Thanh Khê, Bố Trạch, Quảng Bình đóng tàu cho ngư dân đi biển. Tay nghề, tay thợ của Hương được nhiều thợ lớn tuổi khâm phục. Năm 1960, Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Đảo Cồn Cỏ ở vùng biển Quảng Trị được xem như là “mắt thần” trên biển của quân và dân ta để theo dõi máy bay Mỹ ra miền Bắc bắn phá.

Liệt sĩ” sau 50 năm bỗng dưng trở về
Ông Hồ Xuân Hương được công nhận liệt sĩ bỗng dưng trở về sau 50 năm thất lạc đang kể chuyện với phóng viên.

Vì vậy, đảo Cồn Cỏ bị ném bom suốt ngày đêm. Quân và dân trên đảo Cồn Cỏ vẫn anh dũng hiên ngang trước sự bắn phá khốc liệt của kẻ thù. Hàng đêm, những chuyến tàu đánh cá vẫn lặng lẽ ra khơi tiếp tế súng đạn, lương thực cho quân dân trên đảo…

Những ký ức hơn 50 năm về trước nhạt nhòa trong tâm trí của Hồ Xuân Hương. Lúc nhớ, lúc không nhưng khi nói về chiến tranh mắt ông lại nhòe lệ. Ông kể, ông là thợ đóng tàu giỏi, vóc dáng cao to, đi biển thuần thục nên được lựa chọn về Đại đội 27 vận tải biển cho đảo Cồn Cỏ. Năm 1964, hàng ngày, Hương và đồng đội đóng thuyền như những ngư dân Vĩnh Linh, Quảng Trị chuẩn bị đi biển đánh cá. Nhưng khi màn đêm buông xuống, hàng trăm chiếc thuyền lại lặng lẽ ra khơi tìm cách cập bờ Cồn Cỏ.

Gần 2 năm Hồ Xuân Hương và đồng đội tiếp tế hàng trăm tấn lương thực, vũ khí để quân dân trên đảo Cồn Cỏ giữ vững biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cuối năm 1965, trong một lần ra đảo tiếp tế, đơn vị của ông gặp tàu địch phục kích. Giặc bắn xối xả vào đội thuyền tiếp tế, pháo sáng soi sáng bừng cả vùng biển rộng lớn. Hồ Xuân Hương bị địch bắt đưa vào đất liền giam ở Quảng Trị. Hàng ngày bị địch khai thác nhưng ông vẫn một mực nhận mình là ngư dân Vĩnh Linh, Quảng Trị đi biển đánh cá.

"Nếu lúc đó tôi nói tôi từ Quảng Bình vô thì chắc chắn chúng bắn chết tại chỗ chứ không còn xét hỏi gì nữa" ông Hương nói vậy. Bị giam ở Quảng Trị độ 3 tháng thì ông bị chuyển vào giam ở Đồn Mang Cá, Thừa Thiên -Huế, rồi chuyển vô nhà tù ở Đà Nẵng, sang năm 1968 ông bị đày ra đảo Phú Quốc. Năm 1966, gia đình ông Hương ở xã Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình nhận được giấy báo tử ông Hương hy sinh trong lúc đưa thuyền ra tiếp tế vũ khí ở đảo Cồn Cỏ. "Mẹ tui cầm giấy báo tử của anh Hương mà ốm mất hơn 3 tháng trời. Cha tui chết vì bom, mẹ tui một mình nuôi 5 anh chị em tui khôn lớn, vì vậy khi nghe tin anh Hương hy sinh bà thực sự suy sụp. Mẹ tui cứ ngồi mân mê cái Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận anh tui là liệt sĩ rồi khóc", ông Hồ Văn Khanh (69 tuổi) em trai ông Hương kể…

Nửa thế kỷ phiêu dạt đất khách quê người

Theo lời kể của ông Hương, bị giam ở đảo Phú Quốc một thời gian rồi địch chuyển ông vào nhà tù ở Sài Gòn, trong tâm trí của ông lúc đó không hề phân biệt được tháng, ngày. Nhiều lần bị tra tấn dã man khiến tai ông nhiều lúc đặc quánh. Ông không còn nhớ được nhiều về quá khứ của mình. Chỉ biết, sau năm 1975, ông và nhiều người khác được thả ra khỏi tù. Lúc này ông và nhiều tù nhân mới biết, miền Nam được giải phóng đất nước thống nhất.

Liệt sĩ” sau 50 năm bỗng dưng trở về
Nhiều người làng đến chia vui với sự trở về đầy bất ngờ của ông Hồ Xuân Hương tại thôn Đông Bắc, xã Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Nhấp một ngụm trà, ông kể tiếp; từ khi bị bắt trên biển ở vùng biển Quảng Trị vào năm 1965, ông không còn mang tên là Hồ Xuân Hương và quê quán Quảng Bình, mà ông khai tên là Nguyễn Thanh, quê Vĩnh Linh, Quảng Trị làm ngư dân đánh cá. Chính vì đổi họ tên quê quán để được sống nên cái tên khai sinh của ông là Hồ Xuân Hương cũng mất luôn từ ngày đó.

Vì vậy khi giải phóng ra khỏi tù, ông mang tên Nguyễn Thanh hoàn toàn xa lạ. Nhiều lần ông cũng tìm cách để liên lạc với đơn vị, gia đình nhưng đều không thành công. Sau đó trên bước đường lưu lạc đưa ông đến Hố Nai, Đồng Nai mưu sinh. Hàng ngày ai thuê việc gì ông làm việc đó, đêm đêm tá túc trong sân chùa, nhà thờ cho qua ngày.

Cuối năm 1975, ông được một người đàn bà tốt bụng kêu về gả cho đứa cháu gái tên là Hà Thị Đỏ. Từ khi nên vợ nên chồng, vợ chồng ông rủ nhau về xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm rẫy sinh sống. Hàng ngày, vợ chồng ông đầu tắt mặt tối với mấy hécta rẫy để nuôi 4 đứa con ăn học, vì vậy quá khứ bị tù đày, rồi quê hương… cũng dần dần phai nhạt trong ông. Khi chúng tôi hỏi vì sao đã 50 năm rồi, quê hương đã nhiều đổi mới, phương tiện nghe nhìn, thông tin ngày một nhiều mà ông không về thăm quê?

Ông Hồ Xuân Hương được công nhận liệt sĩ bỗng trở về làng sau 50 năm mất tích.
Ông Hồ Xuân Hương được công nhận liệt sĩ bỗng trở về làng sau 50 năm mất tích.

Ông Hương trả lời rằng: Trong tâm trí ông chỉ nhớ mang máng về anh chị em, nhưng vì rời làng khi 16 tuổi, rồi trong giấy tờ sau này đều khai ở Vĩnh Linh, Quảng Trị nên ông vẫn thường nghĩ mình có quê ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, chứ không phải ở Quảng Bình.

Chị Nguyễn Thị Thanh Loan, (SN 1978) con gái thứ 2 của ông Hương, người đưa ông về quê cho biết: "Ba tôi thường nói mình quê ở Quảng Trị, thực ra không biết do trong tù đày ông bị đánh đập hay sao mà trí nhớ ông kém lắm. Khi biết được thông tin về anh chị em của ba tôi ở Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình chúng tôi đã họp gia đình lại và bàn nhau mua vé máy bay đưa ba ra Quảng Bình, nếu không tìm được thì cũng coi như đưa ba đi một chuyến du lịch vậy. Bởi mấy năm gần đây, thấy ba tôi cứ buồn buồn, đặc biệt là các dịp lễ tết. Năm nay ba tôi đã 74 tuổi nên khi có thông tin về các chị em của ba, chúng tôi đã quyết định đưa ông ra Quảng Bình".

50 lần giỗ và "như chưa hề có cuộc chia ly"

Kể từ khi nhận được giấy báo tử của ông Hồ Xuân Hương, hàng năm ông Hồ Văn Khanh (em trai ông Hương) và vợ là bà Lê Thị Chanh đều căn cứ vào giấy báo tử ngày ông Hương hy sinh (ngày 29/5/1965) làm ngày giỗ cho ông. Cứ đến ngày ấy, vợ chồng ông Khanh và các chị của ông Hương là bà Hồ Thị Ngùy, Hồ Thị Thùy, Hồ Thị Ồn lại họp nhau lại góp mỗi người một ít tiền để làm giỗ ông Hương.

Ông Hồ Xuân Hương được công nhận liệt sĩ bỗng trở về làng sau 50 năm mất tích.
Do mưa lũ và đã quá lâu nên Bằng Tổ quốc ghi công công nhận ông Hồ Xuân Hương là liệt sĩ đã bị mối mọt ăn mất góc nhưng luôn được gia đình ông Hồ Văn Khanh treo trang trọng trong nhà.

"Khi mạ tui còn sống, còn có tiền chế độ liệt sĩ của anh Hương để làm giỗ, khi mạ tui mất thì tháng chỉ còn được mấy chục ngàn mua hương khói, vì vậy mỗi lần giỗ chúng tôi lại góp tiền làm, ai cũng nghĩ anh đã thiệt thòi mất ở chiến trường giờ không biết thân xác nơi mô nên đến ngày giỗ ai cũng mủi lòng thương xót. Vì vậy ngày giỗ của anh bao giờ cũng được làm hết sức tươm tất” - bà Lê Thị Chanh em dâu ông Hương kể vậy.

Việc ông Hồ Xuân Hương tìm được về quê quả là câu chuyện kỳ lạ và kỳ duyên. Trong một lần con gái út ông Hương là chị Nguyễn Thị Mỹ Châu (SN 1993) làm công nhân ở Trảng Bom chơi thân với con gái của anh Nguyễn Đình Chiến ở xã Bắc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Con gái của anh Chiến về nhà ông Hồ Xuân Hương chơi và nói về quê quán của mình ở Quảng Bình. Những câu chuyện của con gái anh Chiến đã gợi lại dần dần cho ông Hồ Xuân Hương nhớ về quê hương, anh chị em của mình. Rồi như một người ngủ lâu ngày tỉnh lại, ông nhớ hết lần lượt tên anh chị em của mình và tả về ngôi làng mình thuở ấu thơ, nhưng có điều ông Hương vẫn xác tín nghĩ rằng tất cả người thân của ông đã chết vì bom đạn chiến tranh. Khi con gái anh Chiến về quê, hai ba con đã đi tìm và biết được anh chị em của ông Hương đều còn sống ở xã Đại Trạch nên đã làm cầu nối để anh chị em của ông được gặp nhau.

Chiều ngày 17/4, tại sân bay Đồng Hới, khi ông Hồ Xuân Hương và con gái vừa bước xuống máy bay, thì ông Hồ Văn Khanh đã chạy đến ôm chầm lấy anh trai mình. Hai anh em khóc như trẻ thơ trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm hành khách tại sân bay. "Đã 50 năm, nhưng khi thấy anh Hương là tui nhận ra ngay, khuôn mặt, vóc dáng của anh làm sao tui quên được, dù giờ hai anh em đều đã bước qua tuổi 70", - ông Khanh vẫn thổn thức khi nói về giây phút gặp anh trai mình. Ông Hồ Xuân Hương về làng, “liệt sĩ” Hồ Xuân Hương về làng, người làng cứ kháo nhau vậy, không ai bảo ai đều chạy đến nhà ông Hồ Văn Khanh để gặp ông Hương.

Anh chị em ông Hồ Xuân Hương sau 50 năm mới gặp nhau khi tất cả tóc đều đã bạc.
Anh chị em ông Hồ Xuân Hương sau 50 năm mới gặp nhau khi tất cả tóc đều đã bạc.

Được biết, sau khi ông Hồ Xuân Hương bỗng dưng trở về sau 50 năm không hề liên lạc với gia đình, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ở Quảng Bình cũng đã đến thăm hỏi, động viên, chia vui cùng gia đình đồng thời cũng đang xác minh, tìm hiểu sự thực việc ông mất tích từ ngày bị địch bắt như lời kể của ông cho đến nay, và làm các giấy tờ thủ tục pháp lý cho ông theo đúng quy định của pháp luật.

Tối 18/4/2015, cả thôn Đông Bắc hầu như không ngủ, anh chị em ông Hồ Văn Khanh lại gom góp mổ một con heo 120kg để làm cỗ mừng ông anh thất lạc 51 năm trở về. Đã ra khỏi làng nhưng câu nói của người làng thôn Đông Bắc vẫn vang mãi trong tôi "đúng là mừng như chết sống lại".

Theo Dương Sông Lam

Công an nhân dân