Cà Mau:
Liên tiếp xảy ra sạt lở, đe dọa đời sống người dân
(Dân trí) - Từ sau Tết Nguyên đán 2017, tỉnh Cà Mau có hàng loạt vụ sạt lở bờ sông, gây thiệt hại không nhỏ đến nhà cửa của người dân. Chỉ tính riêng huyện Năm Căn, từ đầu năm đến nay liên tiếp đã có 9 vụ sạt lở tương đối nghiêm trọng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Năm Căn, từ đầu năm đến nay, các điểm sạt lở tập trung tại các xã: Tam Giang Đông, Lâm Hải, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng và thị trấn Năm Căn.
Chỉ trong 3 ngày (từ ngày 11-13/2) ở xã Tam Giang Đông đã xảy ra 2 vụ sạt lở ven biển Đông và khu vực Kênh Xáng 12, với chiều dài trên 200m, làm ảnh hưởng hơn 300ha diện tích nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại hàng trăm ngàn con tôm giống.
Tính riêng tháng 5/2017, huyện Năm Căn có đến 7 vụ sạt lở xảy ra vào các ngày 2, 16, 29, 30 và 31, với thiệt hại ước lên đến cả tỷ đồng.
Đơn cử vào ngày 16 và 29/5 tại ấp Xóm Lớn Ngoài (xã Hàng Vịnh) xảy ra sạt lở ven sông Cửa Lớn với chiều dài trên 40m, chiều rộng vào trong bờ hơn 6m, làm ảnh hưởng đến tài sản của 4 hộ dân, với thiệt hại trên 500 triệu đồng.
Cũng trong ngày 29/5, một vụ sạt lở xảy ra đoạn từ bến phà Vàm Xáng đến cổng trường Tiểu học 2 Hiệp Tùng (xã Hiệp Tùng) với chiều dài trên 150m, chiều ngang 20m, ước thiệt hại gần cả trăm triệu đồng.
Một ngày sau (30/5), tại xã Hiệp Tùng cũng đã xảy ra sạt lở ở ấp 4, với chiều dài 15m, ngang 10m, khiến nửa căn nhà của ông Nguyễn Văn Xây bị ảnh hưởng. Qua ngày 31/5, xã Hiệp Tùng tiếp tục xảy ra sạt lở tại ấp Hiệp Tùng, với chiều dài 30m, ngang 10m, “đe dọa” căn nhà của ông Huỳnh Văn Bảy gần đó.
Vụ sạt lở nghiêm trọng nhất ở huyện Năm Căn là tại khóm 8, thị trấn Năm Căn vào rạng sáng ngày 30/5, đã làm ảnh hưởng 25 hộ dân; trong đó, có 16 hộ bị sạt lở và 9 hộ có nguy cơ sạt lở, tổng chiều dài là 80m, ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
Còn tại huyện Đầm Dơi, qua thống kê, trong vòng một tháng qua, đã có đến 8 vụ sạt lở, làm gần 10 căn nhà dân bị hư hỏng nặng.
Mới đây, ngày 31/5, một vụ sạt lở đất bờ sông đã xảy tại khu vực chợ Thanh Tùng (xã Thanh Tùng) với chiều dài khoảng 30m, làm 5 căn nhà của tiểu thương bị hư hỏng, ước thiệt hại ban đầu hơn 210 triệu đồng.
Ngay sau khi sạt lở xảy ra, ngành chức năng địa phương đã hỗ trợ và khuyến cáo người dân chủ động trong việc di dời để bảo vệ tài sản. Địa phương cũng tìm những biện pháp để phòng, chống giảm mức thiệt hại nhất cho người dân trước nguy cơ sạt lở xảy ra.
Ghi nhận của PV, do đặc điểm là vùng sông nước, người dân ở nhiều địa phương tại Cà Mau đã quen với việc làm nhà gần bờ sông để thuận tiện cho việc đi lại bằng đường thủy. Do đó, những vụ sạt lở liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, khiến họ bất an.
Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tư (70 tuổi) có nhà bị thiệt hại trong vụ sạt lở xảy ra ở thị trấn Năm Căn. Vợ chồng ông Tư sống lâu năm ở đây và làm bánh chưng để bán. Bất ngờ sạt lở xảy ra ảnh hưởng đến căn nhà, khiến nhiều đồ dùng bị hư hỏng nên không thể làm gì được. Vợ chồng ông Tư rất lo lắng không biết sắp tới sẽ ra sao vì nguy cơ sạt lở vẫn còn xảy ra.
Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân xảy ra sạt lở có thể do thay đổi dòng chảy, thủy triều lên xuống rất mạnh, đặc biệt vào mùa mưa gió nên ảnh hưởng đến đất ven bờ sông,…
Trong đợt kiểm tra tình hình sạt lở mới đây tại thị trấn Năm Căn, ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, yêu cầu lãnh đạo địa phương cần theo dõi chặt chẽ, sát sao tình hình sạt lở. Nếu thấy nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra thì nhanh chóng huy động lực lượng giúp dân di dời đồ đạc nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, theo lộ trình đến năm 2025, tỉnh này cần khoảng 1.200 tỷ đồng để di dời gần 5.700 hộ dân sống ở vùng ven sông, biển vào sinh sống ổn định ở các cụm tuyến dân cư mới.
Huỳnh Hải