Liên tiếp lừa đảo vay vốn ngân hàng bằng giấy tờ giả
(Dân trí) - Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vừa qua đã liên tiếp xảy ra 2 vụ lừa đảo ngân hàng bằng hồ sơ giả nhằm chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng là… xin đem hồ sơ để đi công chứng.
Ông Vũ Thế Mạnh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa có báo cáo tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai về việc bà Nguyễn Thị Kim Anh (48 tuổi, trú TP Biên Hòa) có hành vi làm giả hồ sơ để vay 600 triệu đồng tại SHB.
Theo đó, khi tiến hành xin vay, bà Kim Anh đã đưa ra bản copy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (160m2 tại phường Thống Nhất, TP Biên Hòa), đồng thời chỉ cho ngân hàng chụp hình lô đất trên tại đường Võ Thị Sáu.
Ngoài ra, để lấy thêm sự tin tưởng của các nhân viên SHB trong quá trình làm hồ sơ xin vay vốn, bà Kim Anh còn đưa ra giấy trả nợ tại Ngân hàng NN&PTNN Đồng Nai, có chồng là lái xe tại Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai.
Sau khi hồ sơ hoàn tất, hai vợ chồng bà đã thuyết phục được cán bộ tín dụng để tự mang hợp đồng thế chấp đi chứng thực tại UBND phường Thuống Nhất, TP Biên Hòa. Tuy nhiên, khi chưa kịp giải ngân tại ngân hàng thì bà Kim Anh đã bị lực lượng công an thuộc Phòng An ninh kinh tế tỉnh (PA17) bắt giữ ngay tại Phòng TNMT TP Biên Hòa.
Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, chi nhánh Đồng Nai) cũng xảy ra trường hợp tương tự nhưng ngay sau khi khách hàng vừa được giải ngân xong thì lực lượng PC14 và PA17 đã tạm giữ đối tượng dùng hồ sơ giả để vay vốn.
Ngày 3/1, bà Võ Thị Thu Thảo làm nghề kinh doanh thuốc tân dược tại Đồng Nai đã đến trụ sở ACB chi nhánh Đồng Nai nộp hồ sơ xin vay vốn. Đến ngày 13/1 mọi thủ tục hoàn tất và bà Thảo được duyệt vay với số tiền là 1 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo là Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất ở tại KP 1, phường Bửu Long, TP Biên Hòa, Đồng Nai do UBND TP Biên Hòa cấp ngày 13/3/2008.
Ngày 16/1, ACB Đồng Nai đã tiến hành soạn thảo Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp, Đơn đăng ký giao dịch đảm bảo… để tiến hành công chứng hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch đảm bảo.
Tuy nhiên, do bà Thảo nói là bà có sự quen biết với cơ quan công chứng và đăng ký nên bà đề nghị cầm hồ sơ để đi công chứng và đăng ký cho nhanh. Chiều cùng ngày bà Thảo đã được cho giải ngân số tiền trên (không một chút nghi ngờ).
Đến sáng ngày 17/1, sau khi nhân viên Pháp lý chứng từ kiểm tra lại Lời chứng bên Hợp đồng thế chấp, Giấy tờ nhà thế chấp và chữ ký xác nhận đăng ký giao dịch đảm bảo “tá hỏa” vì có dấu hiệu bất thường và báo cáo lại cho ban giám đốc.
Ngay sau đó, giám đốc Chi nhánh ACB đã đề nghị nhân viên Pháp lý chứng từ cầm toàn bộ hồ sơ đi xác minh lại tại cơ quan công chứng (phòng công chứng số 1) và đăng ký giao dịch thì đây là hồ sơ giả mạo.
Trước tình hình trên, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần rút ra bài học kinh nghiệm, rà soát lại quy trình, nghiệp vụ, kiểm tra rà soát kỹ lưỡng khi xét duyệt cho vay đàm bảo đúng quy trình an toàn hoạt động.
Đoàn Quý