1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lên Facebook rao bán "đất mặt đường vào hang động núi lửa"

Đặng Dương

(Dân trí) - Một số cá nhân công khai rao bán đất rừng phòng hộ nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông trên mạng xã hội; cá biệt có trường hợp còn xây dựng các hạng mục trái phép tại khu vực này.

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook, một số cá nhân đăng tải thông tin mua bán đất mặt đường vào hang động núi lửa (hang động thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được UNESCO công nhận 2020).

Bài đăng không chỉ nêu rõ mức giá từng khu vực với vị trí thuận lợi, đường sá được đổ nhựa hoặc thảm bê tông mà người rao bán đất đã công khai luôn số điện thoại để người có nhu cầu mua đất thuận tiện liên hệ, tìm hiểu.

Lên Facebook rao bán đất mặt đường vào hang động núi lửa - 1

Một cá nhân công khai rao bán đất mặt đường vào hang động núi lửa, thuộc quản lý của một doanh nghiệp bảo vệ rừng (Ảnh chụp màn hình).

Qua tìm hiểu thực tế, khu đất mà cá nhân trên rao bán là đất rừng phòng hộ do Công ty Cổ phần đầu tư Phú Gia Phát - HCM quản lý, bảo vệ. Tình trạng rao bán đất rừng không chỉ xâm phạm đất rừng mà còn đe dọa đến cảnh quan tự nhiên xung quanh khu vực công viên địa chất.

Trước sự việc này, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Phú Gia Phát - TPHCM cho biết, phần đất mà các đối tượng rao bán trên Facebook trước đó đã được UBND tỉnh Đắk Nông giao, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty quản lý, bảo vệ. Đơn vị này đã báo cáo chính quyền địa phương để phối hợp, xử lý cá nhân có hành vi vi phạm.

Lên Facebook rao bán đất mặt đường vào hang động núi lửa - 2

Một cá nhân khác làm sân xi măng rộng hàng chục mét vuông, sắp đá tổ ong thành từng dãy dài (Ảnh: P.T).

Tương tự, một cá nhân được cho là ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đến mua đất rừng do UBND xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô) quản lý. Sau đó, cá nhân này đã triển khai đổ sân xi măng rộng hàng chục mét vuông, sắp đá tổ ong thành từng dãy dài hàng chục mét bao quanh khu đất mới mua.

Phát hiện sự việc, UBND xã Buôn Chóah đã kịp thời ngăn chặn, yêu cầu chấm dứt việc mua bán, sang nhượng đất trái phép. Sau khi lập biên bản xử lý, cá nhân này đã về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chấm dứt hành vi vi phạm trên đất rừng.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah cho biết, theo phản ánh từ dư luận xã hội, thời gian gần đây, trên địa bàn xã có một số cá nhân có hành vi rao bán, sang nhượng đất rừng trái phép bằng giấy viết tay.

Nắm bắt được thông tin, UBND xã Buôn Chóah khuyến cáo người dân tuyệt đối không được thực hiện mua bán, sang nhượng đất đai khi chưa được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.

"Hiện nay, hầu hết diện tích đất rừng ở xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô đều nằm bao quanh khu vực hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Việc bảo vệ khu vực này, địa phương đang tập trung thực hiện nghiêm ngặt nhằm phát huy giá trị, khai thác tiềm năng của hang động núi lửa phục vụ mục tiêu phát triển du lịch sau này" - ông Nam khẳng định.

Lên Facebook rao bán đất mặt đường vào hang động núi lửa - 3

Một số khu vực hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông bị cá nhân rao bán trái phép (Ảnh: Dương Phong).

Cũng theo lãnh đạo UBND xã Buôn Chóah, việc mua bán, sang nhượng thường do người dân tự thỏa thuận với nhau, không thông qua chính quyền địa phương. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng sang nhượng trái phép này là tuyến đường giao thông dẫn vào xã được nâng cấp, khang trang và cảnh quan xã Buôn Chóah cũng ấn tượng với người từ nơi khác tới.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đăng Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô - cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng xử lý nghiêm vụ rao bán đất rừng xung quanh khu vực hang động núi lửa ở xã Buôn Chóah.

"Song song với việc chỉ đạo các địa phương tháo bỏ những tường đá, sân bê tông xây dựng trái phép trên đất rừng, huyện cũng đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc này, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", lãnh đạo UBND huyện Krông Nô thông tin thêm.