1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 6:

Lê Vũ Hoàng đoạt vòng nguyệt quế

(Dân trí) - Lê Vũ Hoàng, chàng trai đất Quảng Bình chang chang nắng và gió đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế vinh quang trên “đỉnh” Olympia về cho người mẹ đang ốm nặng, cho ngôi trường huyện nghèo xứ Quảng và cho cả cô bạn gái cùng lớp thút thít khóc khi tiễn cậu lên đường tham gia trận chung kết cuộc thi trí tuệ dành cho lứa tuổi học đường.

Có lẽ sáng 2/10, hàng triệu khán giả truyền hình đã tin và cầu mong cho Lê Vũ Hoàng sẽ là người giành chiến thắng trong “cuộc chiến” khó khăn với 3 “nhà leo núi” cừ khôi của năm là Thân Nguyên Hậu, Nguyễn Hồng Đức và Dương Phú Thái.

Có nhiều lẽ để chúng ta tin ở Hoàng: cậu bé đứng lọt thỏm so với chúng bạn nhưng lại có sự vững chắc, bản lĩnh của một chàng trai trưởng thành; tin ở nội lực tiềm ẩn trong vóc dáng “chưa kịp lớn” vì phải đảm đương quá nhiều công việc nhà; tin ở khối lượng kiến thức khá dày dặn mà cậu tích lũy được.

Và chúng ta cầu nguyện cho Hoàng vì Hoàng cần chiến thắng: chiến thắng để mẹ cậu có thêm nghị lực chống chọi với bệnh tật, để bà ngoại đã ngoài 70 nương tựa, để người cha khắc khổ và cậu em thỏa lòng... Và Hoàng đã không phụ lòng mọi người!

“Khởi động” với một tâm lý không tốt lắm, Hoàng chỉ giành được 30 điểm, thấp nhất so với 3 vận động viên còn lại - Phú Thái: 40 điểm, Nguyên Hậu: 50 điểm và “đối thủ” nặng ký giành chức vô địch với Hoàng là Nguyễn Hồng Đức đã “nổ máy” rất ấn tượng khi giành được 60 điểm, tạm thời dẫn đầu.

Có một điều đáng tiếc là ở phần thi này, 3 câu hỏi liên quan đến hai liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm với hai cuốn nhật ký đang nổi lên như một “hiện tượng” xốc dậy khí thế, lý tưởng của tuổi trẻ là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và “Mãi mãi tuổi 20” thì cả bốn nhà leo núi đều không trả lời được. Có vẻ như các bạn vẫn chưa update (cập nhật) kịp thời những sự kiện của cuộc sống.

Sang phần thi “Vượt chướng ngại vật”, cuộc rượt đuổi của những con số bắt đầu gay cấn khi Lê Vũ Hoàng giỏi nhất giành thêm 60 điểm, Phú Thái và Hồng Đức cùng được 50 điểm, riêng Nguyên Hậu chỉ được 20 điểm. Sự bám đuổi sát nút giữa các ứng viên làm cho không khí của trận chung kết nóng hừng hực.

Với việc “tích cực” trả lời đúng khi giải các ô chữ để tìm từ chìa khóa, Lê Vũ Hoàng đã cho thấy vốn hiểu biết khá toàn diện của mình. Sở trường là các môn học khối tự nhiên, nhưng với các câu trả lời đúng về tên hồ Kẻ Gỗ trong một đoạn nhạc của bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý; về cao nguyên cao nhất Việt Nam nằm ở tỉnh Sơn La (cao nguyên Mộc Châu); về nhà văn sinh ra ở tổng Cao Đà là Nam Caovăn bia ở chùa Thầy (Hà Tây) viết về ông tổ của môn nghệ thuật múa rối nước... Lê Vũ Hoàng đã thể hiện được rằng: mình chẳng “chịu kém” ở lĩnh vực kiến thức văn hóa xã hội.

Cuộc đua càng thêm phần căng thẳng khi các con chữ của từ chìa khóa đã hiện ra, chỉ cần ghép sao cho chính xác. Đó là tên một bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây đúng 60 năm khi kêu gọi đồng bào hãy chia sẻ với những người đang bị “giặc đói” hành hạ. Đó là tinh thần “Sẻ cơm nhường áo” cao đẹp của người Việt ta, tuy nhiên, các nhà leo núi đều ghép không chính xác (nhường áo sẻ cơm, nhường cơm sẻ áo...) Khi đáp án được đọc ra, cả bốn chàng trai đều tiếc hùi hụi và gật đầu lia lịa khi nhận thêm một bài học về sự cần thiết của việc sử dụng chính xác ngữ nghĩa của câu chữ.

Phấn chấn “Tăng tốc”, Hoàng ghi thêm được 40 điểm, trong khi đó ba người còn lại chỉ ghi được 20 điểm. Cuộc bám đuổi sát sao giữa các con số đang diễn ra khi họ chuẩn bị “về đích” với thành tích: Nguyễn Hồng Đức và Lê Vũ Hoàng cùng dẫn đầu với 130 điểm, Dương Phú Thái 110 điểm và Thân Nguyên Hậu 90 điểm.

Lúc này, tại các đầu cầu của các trường, không khí gần như nghẹt thở, bạn bè hò reo cổ vũ cho các nhà leo núi của mình. Với gia đình, thầy cô và bạn bè, bốn chàng trai của họ đều là những nhà vô địch. Từ đầu cầu Cần Thơ, mẹ của Thân Nguyên Hậu động viên con: “Điểm số lúc này chưa có tính chất quyết định, con cứ yên tâm và cố lên nhé!”

Mang theo tình cảm và tấm lòng của các cổ động viên, 4 chàng trai cùng quyết tâm “cán đích” sớm nhất. Với câu hỏi 20 điểm ở phần thi “Về đích”: “Tại nơi nào trên Trái Đất, bạn có thể nói lúc ấy bao nhiêu giờ cũng đúng?”, Lê Vũ Hoàng đã mỉm cười chọn “Ngôi sao hy vọng” và giành 40 điểm xứng đáng: “Đó là khi bạn đứng ở Nam Cực và Bắc Cực - nơi hội tụ của các múi giờ”. Liên tiếp sau đó là lựa chọn lần lượt của các vận động viên, nhưng rất tiếc đều không có bạn nào trả lời đúng.

Không khí trường quay S9 của Đài Truyền hình Việt Nam dường như ngưng lại, rồi vỡ òa khi Nguyễn Hồng Đức, người đang kém Lê Vũ Hoàng 40 điểm đã dũng cảm chọn câu 30 điểm và “Ngôi sao hy vọng”. Nếu trả lời đúng, Đức sẽ là người chiến thắng khi vượt Hoàng 20 điểm. Tuy nhiên, câu hỏi 30 điểm về bài “Thu hứng” của Đỗ Phủ dường như đã chơi khó chàng tân sinh viên ĐH Bách khoa, “vì sở trường của mình là Vật lý và Tin học”.

Đức đã bật khóc khi trả lời sai và đánh mất 30 điểm vì chọn “Ngôi sao hy vọng” và “nhường” phần giải nhì cho bạn Dương Phú Thái. Nhưng đó có lẽ chỉ là một cảm xúc rất thật, rất ngây thơ của chàng trai 18 tuổi và cậu sẽ không buồn lâu vì tâm niệm của Đức là: “Những kiến thức con người biết chỉ là giọt nước, còn kiến thức chưa biết là biển cả mênh mông. Em mong rằng sau cuộc thi, giọt nước tri thức của em sẽ lớn hơn một chút”. Và tất nhiên, “chiến lợi phẩm” lớn nhất hôm nay của Đức chính là sự lớn thêm một chút của “giọt nước tri thức” mà bạn đang cần mẫn tích lũy.

Quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6” Lê Vũ Hoàng nhận vòng nguyệt quế trong hoa và nước mắt. Ở bệnh viện Đồng Hới - nơi mẹ em đang điều trị - chắc mẹ đang mỉm cười sung sướng tự hào vì cậu con trai thông minh, nghị lực. “Trước khi lên đường, mẹ cầm tay và bảo: “Mẹ rất tự hào về con. Chúc con đủ tự tin”. Còn bà em thì nhắn rằng: “Đi hùng dũng uy nghi, về oai phong lẫm liệt”. Đối với em, những lời bà và mẹ dặn là nguồn động lực lớn giúp em thêm quyết tâm” - Hoàng nói mà mắt rưng rưng.

Cái bắt tay chúc mừng hồn hậu, vô tư giữa các “nhà leo núi” tuổi học trò và cả giọt nước mắt rất đỗi tự nhiên là những điều đáng yêu, đáng quý ở sân chơi trí tuệ dành cho các học sinh THPT. Dương Phú Thái, “chàng Hécquyn nói nhiều, hay ngáp và là thủ môn rất đỉnh” của lớp 12 trường THPT Xuân Hòa giành giải nhì với phần thưởng trị giá 28.690.000 đồng. Đồng giải ba là “vận động viên búng ra sữa có biệt tài đọc sách rất nhanh” Thân Nguyên Hậu của trường chuyên Lý Tự Trọng - Cần Thơ và “ông anh trai đảm đang, chiều em hết mực” Nguyễn Hồng Đức của trường THPT Nhân Chính - Hà Nội, với phần thưởng 26.690.000 đồng của nhà tài trợ LG.

Với phần thưởng là suất học bổng du học 35.000 USD, Hoàng đã làm nức lòng những người đặt niềm tin vào em: Hơn 43% khán giả truyền hình đã “đặt cược” với thần may mắn cho cậu bé nghèo đất Quảng Bình. Không hề có sự “so đo” về ngôi vô địch như các năm trước, Lê Vũ Hoàng không chỉ chiến thắng thuyết phục ở phần thi kiến thức mà cậu còn để lại sự cảm phục trong lòng tất cả mọi người.

Mai Lan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm