1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ hội Tết gắn liền với chú ỉn

Ở Việt Nam có hai lễ hội độc đáo, lấy lợn làm chủ thể, đó là hội chém lợn Niệm Thượng, tỉnh Bắc Ninh và hội rước lợn La Phù, tỉnh Hà Tây.

Lễ hội làng Niệm Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh) được tổ chức vào mồng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Ngay từ tháng 8 âm lịch năm trước, dân làng đã tuyển chọn 2 con lợn, giao cho hai tráng niên chăm sóc. Mồng 6 Tết khai hội, người ta tắm gội sạch sẽ cho lợn rồi đưa vào cũi để rước từ đình đi vòng quanh làng.

Đội nghi trượng khiêng ngai kiệu, có phường bát âm theo sau. Đám rước qua cổng mỗi nhà, gia chủ đã chuẩn bị sẵn tiền lẻ để bỏ vào hộp đặt trên cũi. Tời giờ Ngọ, nghi lễ chém lợn bắt đầu. Sau khi trưởng lão của làng thắp hương khấn Thành Hoàng, hai tráng niên theo lệnh trưởng lão khoa đao chém lợn.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tục lệ chém lợn của làng Niệm Thượng là di chứng còn sót lại của tín ngưỡng phồn thực sơ khai, cầu mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.

Người dân La Phù (Hoài Đức, Hà Tây) rất tự hào về lễ hội rước lợn của làng mình. Mỗi thôn chọn một gia đình chăn nuôi mát tay nhất để ủy thác việc chăm sóc chú ỉn dự thi của thôn. Lễ hội rước lợn chính là cơ hội để các thôn khoe tài khéo léo của mình. Lợn dự thi được mổ, làm sạch rồi luộc chín nguyên cả con, đặt trên một khay tròn nơi kiệu rước.

Mỗi chú lợn được người dân xóm mình trang trí thật đẹp với kiểu cách khác nhau, có chú ỉn đeo hoa tai, có chú được trang trí bằng những bông hoa giấy sặc sỡ, có chú được cưỡi lên mâm xôi…

Lễ rước được diễn ra vào ban đêm, cả xã La Phù ngập tràn trong tiếng trống hội, cờ ngũ sắc bay phấp phới. Lần lượt từng chú lợn của mỗi xóm được đưa ra xếp ở sân để ban giám khảo chấm lấy giải.

Kết thúc lễ hội, các xóm đem lợn trở về, xẻ lợn thành những phần “lộc” để chia đều cho mọi người trong xóm. Dù lợn của xóm mình có đoạt giải hay không, ai nấy đều hoan hỷ, ước vọng về một năm mới vật nuôi béo tốt, thóc lúa đầy bồ.

Theo Tiền Phong