1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Lấy khu chôn cất làm dự án, chủ đầu tư "quên" xây nghĩa địa cho dân

(Dân trí) - Sau khi 700 ngôi mộ trên đồi Cà Ninh được di dời nhường đất xây dựng nhà máy Bột - Giấy VNT 19, chủ đầu tư Dự án đã hứa làm khu nghĩa địa mới cho người dân. Hứa là thế nhưng từ năm 2013 đến nay, chủ đầu tư Dự án lại "quên" triển khai lời hứa khiến người dân khốn đốn.


Vị trí xây dựng nghĩa địa tại núi Phố Tinh đã sẵn sàng nhưng chủ đầu tư nhà mấy Bột - Giấy VNT 19 vẫn im hơi, lặng tiếng.

Vị trí xây dựng nghĩa địa tại núi Phố Tinh đã sẵn sàng nhưng chủ đầu tư nhà mấy Bột - Giấy VNT 19 vẫn im hơi, lặng tiếng.

Theo phản ánh của người dân, khu vực đồi Cà Ninh là nơi mai táng người quá cố của thôn Phú Long 1 (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn).

Năm 2012, 700 ngôi mộ tại đây buộc phải di dời về thôn Phú Long 2 để nhường đất xây dựng dự án nhà máy Bột - Giấy VNT 19 (Dự án).

Cùng với đó, chủ đầu tư Dự án cam kết sẽ xây dựng cho thôn Phú Long 1 khu nghĩa địa mới.

Ông Nguyễn Tấn Dũng (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn) cho biết, trong quá trình di dời 700 ngôi mộ về nghĩa địa mới tại thôn Phú Long 2, người dân ở đây chỉ đồng ý cho cải táng số mộ cũ mà không đồng ý cho chôn cất mới vì sợ ô nhiễm môi trường.

"Nơi di dời mộ về chỉ cách khu dân cư gần nhất khoảng 200 m nên họ sợ ô nhiễm môi trường", ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, do khu nghĩa địa thôn Phú Long 2 không được mai táng mới, trong khi diện tích đất phù hợp để chôn cất người quá cố hầu như không còn nên người dân thôn Phú Long 1 phải mai táng người thân gần các khu dân cư.

"Nghĩa địa mới như cam kết của nhà máy giấy chưa thấy đâu nên nhiều người dân phải chôn cất người thân trên đất sản xuất", ông Dũng than thở.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Nhân - Chủ tịch UBND xã Bình Phước, xác nhận: thiếu nghĩa địa nên 5 năm qua nhiều hộ dân thôn Phú Long 1 phải mai táng người quá cố tại những vị trí không phù hợp, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều trường hợp đã phát sinh đơn thư khiếu nại khiến tình hình địa phương phức tạp.

Để giải quyết vấn đề này, đầu năm 2016, UBND xã Bình Phước đã khảo sát khu đất có diện tích 4ha tại chân núi Phố Tinh thuộc thôn Phú Long 2 nhằm quy hoạch làm nghĩa địa mới cho người dân thôn Phú Long 1. Địa điểm này đã được các cơ quan chức năng chấp thuận.

Sau khi tìm được vị trí thích hợp, UBND xã Bình Phước liên lạc với chủ đầu tư dự án nhà máy Bột - Giấy VNT 19 yêu cầu triển khai xây nghĩa địa mới cho người dân như đã hứa. Chủ đầu tư Dự án đã khảo sát, có bản vẽ thiết kế và dự toán vốn đầu tư vào khoảng 9 tỷ đồng. Hồ sơ liên quan về nghĩa địa mới cũng được chủ đầu tư Dự án gửi UBND xã Bình Phước góp ý.

"Giữa năm 2016, chúng tôi hoàn thành việc góp ý khu nghĩa địa mới, đồng thời yêu cầu phải có cam kết về thời gian đầu tư nhưng chủ đầu tư Dự án không đồng ý. Cũng từ đó đến nay họ im luôn", ông Nhân cho biết.

Cũng theo ông Nhân, vì chủ đầu tư nhà máy Bột - Giấy VNT 19 "quên" lời hứa xây nghĩa địa nên người dân thôn Phú Long 1 gặp rất nhiều khó khăn trong việc mai táng người quá cố, nhiều trường hợp phải xin "chôn nhờ" ở các xã lân cận.

Như Dân trí đã thông tin, Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT 19 do Công ty CP Bột giấy VNT 19 làm chủ đầu tư thuộc địa bàn xã Bình Phước, huyện Bình Sơn. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 7.900 tỉ đồng. Giai đoạn 1, dự án được xây dựng trên diện tích 70 ha với công suất thiết kế 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm. Trong giai đoạn 2 sẽ tăng thêm khoảng 130 ha.

Để phục vụ dự án, các cơ quan chức năng đã đồng ý phá bỏ 50 ha dừa nước 70 năm tuổi tại xã Bình Phước để làm hồ chứa nước. Bên cạnh đó, người dân xã Bình Trị cũng bày tỏ lo lắng môi trường biển bị ảnh hưởng khi nước thải đã qua xử lý của nhà máy Bột - Giấy VNT 19 dự kiến được xả ra vịnh Việt Thanh.

Hà Xuyên