1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Laptop hơn 2kg hay chục cân tài liệu mỗi kỳ họp?

(Dân trí) - Để cải tiến kỳ họp QH, Ủy ban thường vụ QH đã nêu phương án “phổ cập”… laptop. Nhưng việc chuyển hàng chục cân tài liệu mỗi kỳ họp sang chiếc laptop hơn 2kg không đơn giản.

“Ép” thời gian, bỏ qua chất lượng?

Trong buổi thảo luận về cải tiến kỳ họp QH chiều 27/8, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn nêu khá nhiều kiến nghị để cải tiến ngay trong kỳ họp thứ tư (cuối tháng 10 tới). Theo ông Đàn, QH hiện vẫn chưa khắc phục được tính hình thức trong việc quyết định một số nội dung quan trọng mà lý do là các đại biểu chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, hiệu lực các quyết định của QH cũng còn chưa đầy đủ.

Theo tờ trình của Chủ nhiệm Văn phòng QH, kỳ họp thứ 4 sẽ bắt đầu vào ngày 20/10, kéo dài 30 ngày, trong đó dành 10,5 ngày để xem xét các báo cáo kinh tế, xã hội và giám sát tối cao; 17,5 ngày cho công tác xây dựng pháp luật và 2 ngày cho các vấn đề khác, trong đó thời lượng dành cho chất vấn khoảng 2,5 ngày.

Để hạn chế tối đa những việc làm “hình thức”, tăng “chất” cho hoạt động của QH, ông Đàn cho rằng, trước hết nên giảm thiểu thời gian đọc tài liệu, báo cáo tại hội trường. “Nếu rút ngắn thời gian đọc báo cáo xuống còn 10 - 20 phút tùy từng nội dung cũng có thể rút gọn đi được 2,5 ngày so với 5 ngày hiện nay”, ông Đàn tính toán.

Tuy nhiên, chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lật lại vấn đề. Theo bà Mai, việc khống chế thời gian để “ép” các bản báo cáo xuống một khung nhất định sẽ không ổn, không khác nào quyết định “bỏ qua” chất lượng của các báo cáo.

Cùng với đó, bà Mai cũng đề nghị giữ nguyên mức giới hạn thời gian phát biểu cho mỗi đại biểu là 7 phút, thay vì rút xuống còn 5 phút như một số ý kiến cải tiến.

Về nội dung chất vấn tại hội trường, bà Mai khẳng định ngay, đó là quyền của đại biểu quốc hội. Tuy nhiên, việc tính toán để đưa vấn đề nào ra chất vấn trực tiếp cần xem xét. Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội đánh giá, trong các phiên chất vấn, không khí tranh luận chưa cao, vẫn mới chỉ là hỏi - đáp đơn thuần. Khi không khí tranh luận còn ít, không thể đi đến tận cùng vấn đề.

Chủ nhiệm UB dân tộc Ksor Phước tán thành: “Nên nêu những vấn đề đang nổi cộm mà dư luận bức xúc hoặc Đảng và Nhà nước quan tâm để chất vấn. Những vấn đề lớn, Thủ tướng sẽ trả lời”. Ông Phước cũng nhấn mạnh, trước hết phải đổi mới cách thức chất vấn, lựa chọn những vấn đề theo hướng tranh luận, đối thoại sâu, yêu cầu đại diện Chính phủ trả lời trực tiếp tại hội trường.

Tiết kiệm “phổ cập”… laptop

Về vấn đề cải tiến công cụ làm việc, tin học hóa hoạt động của QH, chủ nhiệm Trần Đình Đàn đề nghị triển khai ngay việc trang bị đầy đủ máy tính xách tay cho từng đại biểu rồi gửi tài liệu kỳ họp cho từng người qua mạng internet.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lập tức bày tỏ nhiều băn khoăn lo cách làm này, nhiều đại biểu quá bận việc sẽ không đọc tài liệu đầy đủ. Số lượng đại biểu sử dụng thành thạo công cụ kỹ thuật này cũng phải xem xét, đánh giá lại. Nhiều ý kiến thực tế đưa ra, ngay cơ sở vật chất, điều kiện hội trường có đủ… ổ cắm để mỗi máy có thể cắm sạc pin trong thời gian làm việc cũng chưa chắc đã đảm bảo.

Bà Trương Thị Mai nêu con số thống kê, hiện QH đã trang bị máy tính xách tay cho hơn 200 trong tổng số trên 500 đại biểu. Muốn triển khai việc “phổ cập”… laptop, trước hết phải rà soát lại để chống lãng phí, nhiều đại biểu là cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, đã được trang bị máy, không thể “đúp” tiêu chuẩn cho những người đã có.

Bà Mai cho rằng, hiện tại, nên tập trung “đầu tư” trước cho số đại biểu chuyên trách. Các đại biểu còn lại, trang bị laptop theo đăng ký, nhu cầu.

Gạt bỏ những ý kiến nghi ngại, chủ nhiệm UB An ninh quốc phòng Lê Quang Bình hào hứng ủng hộ phương án “phổ cập” laptop cho đại biểu QH. Ông Bình chỉ ngay chiếc máy tính cá nhân trước mặt mình, tự so sánh, mỗi kỳ họp, số tài liệu in ấn cho mỗi đại biểu lên tới hơn chục kí-lô. Riêng việc lọc và hủy tài liệu sau mỗi kỳ họp cũng đủ mệt, nếu không muốn chất đống trong phòng.

Ông Bình “khoe” ngay chiếc Toshiba chỉ nặng 2,4 kg, cài Window Vista có bản quyền, cấu hình “vô tư”, giá đầu tư 18 triệu đồng của mình. Ông Bình hào hứng, chỉ 2,4 kg ấy thôi, lưu tài liệu cả chục kỳ họp vẫn thoải mái.

Nhưng kết lại, bài toán so sánh giữa cả chục cân tài liệu và laptop 2,4 kg vẫn chưa thấy “cơ”… ngã ngũ. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chốt lại: “Cải tiến hình thức, rút ngắn thời gian nhưng không được ảnh hưởng tới chất lượng kỳ họp. Cái nào “chín” thì ta làm, cần có sự cân nhắc, làm dần từng bước”.
 

Kỳ họp thứ 4, QH khóa XII dự kiến khai mạc ngày 20/10, kéo dài 30 ngày. QH sẽ thảo luận, thông qua 8 dự án luật và 1 nghị quyết. 10 ý kiến luật khác sẽ được thảo luận, cho ý kiến. Ngoài ra, QH sẽ nghe báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản dùng vốn nhà nước cũng như các báo cáo quan trọng khác về tình hình KTXH, ngân sách.

P.Thảo