1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Lấp xong “hố tử thần”, người dân kéo nhau về nhà

(Dân trí) - Sau hơn nửa tháng xảy ra hiện tượng sụt lún tại thôn 2, xã Quý Lộc, huyện Yên Định (Thanh Hóa), ngày 12/11, công việc san lấp “hố tử thần” tại đây đã hoàn tất, các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng đã trở về nhà.

Chiều ngày 13/11, ông Nguyễn Văn Mạnh - Thường trực Văn phòng UBND xã Quý Lộc, huyện Yên Định - cho biết, công việc san lấp hố sâu do bị sụt lún tại địa bàn thôn 2 đã được hoàn thành.


Theo đó, sau gần một tuần tiến hành san lấp, “hố tử thần” sâu 25m đã được đổ đầy đất, đá thải. Ghi nhận của Dân trí tại hiện trường “hố tử thần” vào chiều ngày 13/11, sau khi được san lấp, hố sụt lún đã được lấp đầy có mặt bằng ngang với mặt đường. Barie ngăn đường cũng như cảnh báo đối với người dân cũng đã được tháo dỡ, người dân và các phương tiện qua lại bình thường.

Các hộ dân ở gần khu vực ảnh hưởng của hố đã trở về nhà sinh sống trong những ngày qua. Chị Trịnh Thị Kỳ cho biết: “Ngay sau khi có thông báo san lấp hố lại, gia đình tôi đã chuẩn bị đồ đạc để chuyển về nhà. Những ngày đầu thì chỉ mình tôi về để trông coi nhà cửa, sau khi san lấp xong mới đưa mẹ già và các con nhỏ cùng các vật dụng trong gia đình về”.

Sau hơn nửa tháng xảy ra hiện tượng sụt lún, mặt bằng đã được trả lại như trước.
Sau hơn nửa tháng xảy ra hiện tượng sụt lún, mặt bằng đã được trả lại như trước.

Anh Trịnh Đình Nghị hộ dân ngay bên miệng hố cho biết, ngày hôm nay xảy ra một số vết nứt ngay gần miệng hố. Không biết là do nứt của đất sét hay của hố sụt lún xuống. Chúng tôi về ở lại nhưng vẫn lo, giờ không ở đây thì biết ở đâu bây giờ”.

Được biết, tổng số lượng đất đá dùng để san lấp đầy hố sâu sụt lún này là 1.000m3 đất đá thải. Trong đó, đất đá thải là 700m3 được đổ xuống dưới đáy hố sụt lún lên cách miệng hố 7m. 300m3 đất sét đồi được đổ lên trên bề mặt của miệng hố, san bằng với mặt bằng xung quanh. Số lượng đất sét này được đổ lên trên và nén chặt bằng máy múc để ngăn nước mưa trên bề mặt ngấm xuống hố.

Khoảng 1.000m3 đất đá thải dùng san lấp hố sụt lún.
Khoảng 1.000m3 đất đá thải dùng san lấp hố sụt lún.

Trong quá trình thi công, ban giám sát của xã Quý Lộc đã phải huy động một máy xúc cỡ lớn cùng nhiều ô tô để chở đất đá. Trong 2 ngày đầu san lấp, sau khi đất thải được đổ gần đầy miệng hố (cách gần 1m), lực lượng san lấp đã ngừng thi công để theo dõi và những diễn biến liên quan đến chuyển động của hố.

Đến sáng ngày 12/11, tiến hành san lấp tiếp đợt 2 và hoàn thành vào chiều cùng ngày. Hiện UBND xã Quý Lộc vẫn đang cử người thường xuyên đến khu vực hố để theo dõi sát sao những diễn biến mới nhất của hố sụt lún. Đồng thời, vẫn khuyến cáo người dân gần khu vực hố hạn chế dùng nước giếng khoan, không được tiếp tục khoan giếng lấy nước ngầm dưới lòng đất.

Xuất hiện vết nứt trên bề mặt san lấp.
Xuất hiện vết nứt trên bề mặt san lấp.

Dự kiến, sau ngày 20/11 sẽ tiến hành đổ bê tông đoạn đường nơi xảy ra sụt lún. Bên cạnh đó, cũng xây lại hàng rào cho gia đình ông Dương Đức Hiền và láng mương tiêu nước của thôn.

Được biết, tại địa điểm xảy ra sụt lún hố sâu ở thôn 2 xã Quý Lộc này, trước kia cũng đã từng xảy ra hiện tượng sụt lún. Tuy nhiên, thời gian đó, hiện tượng chỉ sụt lún là một hố nhỏ chưa đầy 1m2, sau đó được người dân lấy đất đá lấp lại bằng phương pháp thủ công.

Thái Bá