1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lập đề án hạn chế xe máy, thu phí phương tiện tại Hà Nội và TPHCM

Quang Phong

(Dân trí) - 5 thành phố trực thuộc trung ương trong đó có Hà Nội, TPHCM vừa được giao xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy và đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Nghị quyết 48 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.

Theo nghị quyết, UBND 5 thành phố trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM cần tập trung nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy.

Cụ thể, trên cơ sở thực tế của từng thành phố, rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho HĐND thành phố ban hành các nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35%.

Các thành phố trên được giao áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị; tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Lập đề án hạn chế xe máy, thu phí phương tiện tại Hà Nội và TPHCM - 1

5 thành phố trực thuộc trung ương trong đó có Hà Nội và TPHCM được giao lập đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy.

Chính phủ giao 5 thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Bên cạnh đó, các thành phố này còn được giao nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Theo nghị quyết, các thành phố trên cần tập trung các nguồn lực xử lý ngay các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc giao thông; không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.

Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Đường bộ theo ý kiến của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.

Bộ GTVT cần tập trung triển khai các giải pháp tăng cường, cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm; trong đó ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông phát sinh trong quá trình khai thác.

Chính phủ giao Bộ Công an triển khai đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm hành chính; tiếp tục xây dựng, triển khai giai đoạn 2 cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Nghị quyết cũng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu của Cảnh sát giao thông với các đơn vị trong và ngoài ngành công an để phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm