1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lập cơ quan kiểm sát điều tra án tham nhũng trong hoạt động tư pháp

(Dân trí) - Biểu quyết về các Nghị quyết phê chuẩn bộ máy làm việc của VKSND tối cao, UB Thường vụ Quốc hội thông qua việc lập mới Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Lập cơ quan kiểm sát điều tra án tham nhũng trong hoạt động tư pháp
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình đề xuất lập cơ quan kiểm sát điều tra án tham nhũng trong hoạt động tư pháp tại UB Thường vụ Quốc hội.
 
Ngày 13/5, UB Thường vụ Quốc hội nghe Viện trưởng VKSND Nguyễn Hòa Bình trình bày về việc phê chuẩn danh sách thành viên UB kiểm sát; thành lập VKSND cấp cao; phê chuẩn danh sách Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao; thành lập và giải thể Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, VKS quân sự khu vực; phê chuẩn bộ máy làm việc của VKS quân sự các cấp; quy định về Kiểm tra viên VKSND.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình phân tích, căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Cơ quan điều tra VKSND tối cao được giao thêm một số nhiệm vụ mới như: Điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, VKS, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Trên thực tế, số lượng nhóm tội này ngày một tăng; định hướng sửa đổi Bộ luật hình sự cũng bổ sung một số tội danh thuộc nhóm tội này.

Về vấn đề bộ máy làm việc, ông Bình cho biết, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp được giao cho Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự trị an xã hội là không hợp lý, vì đối tượng đấu tranh của Vụ này với loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp là khác nhau, không đảm bảo tính chuyên sâu, khách quan; áp lực thực tế công việc ngày càng nặng nề; quy mô tổ chức cấp Phòng hiện tại không thể đáp ứng được nhiệm vụ tăng thêm.

Vì vậy, người đứng đầu cơ quan công tố đề xuất thành lập Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Nhất trí quan điểm cơ bản giữ nguyên cơ cấu tổ chức, bộ máy làm việc của VKSND tối cao như hiện nay, UB Thường vụ Quốc hội cũng “gật đầu” với đề xuất lập vụ mới của Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình.

Ngoài ra, UB Thường vụ Quốc hội tán thành việc đổi tên, điều chỉnh nhiệm vụ đối với 4 đơn vị: Viện Khoa học kiểm sát; Vụ Kế hoạch tài chính; phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, chức vụ.

Về việc phê chuẩn danh sách thành viên UB kiểm sát VKSND tối cao, đơn vị này đề xuất số lượng là 15 người, nhưng hiện tại mới có 13 người. UB Thường vụ Quốc hội đồng ý về nguyên tắc, trước mắt, Thường vụ sẽ ra Nghị quyết cử 13 người đảm nhiệm nhiệm vụ tại UB Kiểm sát.

Các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội cũng tán thành việc lập 3 VKSND cấp cao trên cơ sở tách 3 Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tổi cao hiện nay, gồm: Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao khu vực miền Bắc - có trụ sở tại Hà Nội, VKSNDcấp cao khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng và VKSND cấp cao khu vực miền Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc lập các VKSND cấp cao đảm bảo sự kế thừa ổn định về tổ chức, bộ máy hiện có, tính khả thi để thực hiện ngay các nhiệm vụ quyền hạn khi Luật Tổ chức VKSND năm 2014 có hiệu lực vào 1/6/2015.

Về việc thành lập và giải thể VKS quân sự cấp quân khu và tương đương, VKS quân sự khu vực, UB Thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập 11 VKS quân sự quân khu và tương đương, 28 VKS quân sự khu vực, giải thể 4 VKS quân sự quân đoàn và 4 VKS quân sự khu vực, theo chủ trương thu gọn đầu mối, giảm biên chế của Bộ Quốc phòng.

P.Thảo