Lập 3 Hội đồng thẩm định quy hoạch hạ tầng giao thông
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập 3 hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, hệ thống cảng biển và kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và Hội đồng thẩm định quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm2050.
Các hội đồng thẩm định trên do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng.
Thành viên hội đồng gồm đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các ủy viên phản biện. Cơ quan thường trực của 3 hội đồng là Bộ Giao thông vận tải.
Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực hội đồng, các ủy viên phản biện thực hiện theo Điều 33, 34, 35 Nghị định số 37/2019.
3 hội đồng trên đều hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết phê duyệt Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ 11 về dịch vụ vận tải hàng không trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) ký tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải các nước ASEAN (ATM) lần thứ 25.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghị định thư trên. Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục đối ngoại theo quy định.
Hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp, hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
Trong đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo phương thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025 hoặc đến hết năm 2030 theo quy định.
Trong thời gian này, tổ chức xác định những giá trị tài sản phù hợp như khu ga, một số tuyến đường sắt... để tiến hành giao theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
Về bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu, lựa chọn một trong hai phương án: giao dự toán bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoặc cho Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, duy trì tốt an toàn chạy tàu.
Sau khi hoàn thiện đề án, Bộ Giao thông vận tải gửi đề án kèm theo dự thảo quyết định phê duyệt đến Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính có ý kiến pháp lý về dự thảo quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2020.
Về xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (cũ) thu hồi từ các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, trên cơ sở đề án được phê duyệt, việc xử lý tài sản này phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật.