1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lão nông “khùng” tự chế tạo máy xử lý rác

(Dân trí) - Từng trải qua những nghề sửa chữa điện tử, sửa xe, thợ xây, thợ mộc, trồng cây cảnh, trang trí nội ngoại thất… Tính ra trong tay ông cũng có hơn chục nghề. Và giờ đây ông lại đang muốn chế tạo máy xử lý rác.

Về thôn Liên Hưng, xã Hải Bình, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, hỏi thăm nhà lão nông “Nguyên khùng” không ai là không biết. Cái tên “Nguyên khùng” là do người dân trong vùng đặt cho người nông dân có dáng người cao gầy, lúc nào tay chân cũng lấm lem dầu mỡ và luôn có các ý tưởng mới này.

 Chiếc máy xử lý rác thải đầu tiên do ông Nguyên sáng chế (ảnh nhân vật cung cấp).
 Chiếc máy xử lý rác thải đầu tiên do ông Nguyên sáng chế (ảnh nhân vật cung cấp).

Đang cặm cụi với những bộ phận của chiếc máy xử lý rác thải thứ ba làm theo đơn đặt hàng của một đơn vị ở Thái Bình, ông Nguyên bảo: “Đến cuối tháng 12 này tôi phải bàn giao máy cho đối tác, cho nên hiện giờ tôi và anh em đang rất khẩn trương để sớm hoàn thành”.

Không muốn khách chờ đợi lâu, ông tạm dừng công việc của mình tại một xưởng cơ khí gần cảng cá Hải Bình để tiếp chuyện với chúng tôi. Trong câu chuyện đầu tiên với lão nông dân này, ông chia sẻ: “Tôi gắng mày mò chế tạo ra chiếc máy xử lí rác cũng là để làm sao đó góp một phần công sức của mình cho việc bảo vệ môi trường. Nếu không bắt tay vào việc xử lý và giảm tải sự ô nhiễm môi trường ngay từ hôm nay thì tương lai con cháu chúng ta sẽ phải sống trong bầu không khí vô cùng ô nhiễm”.

Ông Nguyên là một người nông dân chất phác, sinh ra trong gia đình đông anh em, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông đã sớm phải gác lại ước mơ trở thành một thầy thuốc chữa bệnh cứu người dù đã thi đậu vào trường Y. Nghỉ học ở nhà, ông Nguyên phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh.

Vừa nhấp ly trà nóng, ông Nguyên vừa kể lại với chúng tôi những ngành nghề mà mình đã từng trải qua. Ông khoe: “Tôi làm nhiều nghề nhưng chưa bao giờ phải làm “phó” ai cả. Vì nghề nào tôi cũng tự tìm tòi, bôn ba học hỏi để lấy kiến thức, kinh nghiệm sau đó về kết hợp với gia đình đứng ra mở làm tại nhà. Cũng từ những nghề này mà tôi mới nuôi sống được gia đình mình đến ngày hôm nay”.

Trước khi bắt đầu câu chuyện với lão “Nguyên khùng” chúng tôi cứ băn khoăn về lí do vì đâu mà ông bỏ biết bao nhiêu công sức và tiền bạc trong hai năm qua nghiên cứu rồi cho ra đời được chiếc máy xử lý rác. Sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu vực cảng cá Hải Bình, ông Nguyên mới bảo: “Rác đó! rác trên bờ, rác dưới biển, chỗ nào cũng rác. Thấy quê mình nhiều rác đến nỗi ngập cả đường đi, tôi không muốn môi trường sống chính nơi mình sinh ra bị hủy hoại từng ngày như vậy. Đó là lý do tôi tìm cách làm ra chiếc máy xử lý rác”.

Ông Nguyên đang làm các công đoạn lắp ráp máy.
Ông Nguyên đang làm các công đoạn lắp ráp máy.

Công việc nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy xử lý rác của ông Nguyên được bắt đầu từ năm 2010. Khi mới bắt tay vào nghiên cứu, cứ mỗi lần nghĩ ra được ý tưởng nào hay ông Nguyên lại dừng công việc đang làm lại để ghi chép và vẽ ý tưởng ấy ra giấy. “Có những hôm hai vợ chồng đang ngủ, bỗng nhiên ông ấy tỉnh dậy ngồi vào bàn ghế vẽ rồi lại viết. Tôi cũng không hiểu được ông ấy đang làm gì. Ban ngày thì bỏ bê hết công việc kinh doanh của gia đình đi lân la đến các xưởng cơ khí trong xã tìm mấy thứ đồng nát mang về nhà. Mình là vợ mà cũng cứ nghĩ ông ấy bị “khùng” chứ nói gì đến người khác”, bà Đỗ Thị Nhân vợ ông Nguyên cho biết.

Sau hơn một năm, “công trình khoa học” của của ông Nguyên hoàn tất. Chiếc máy xử lý rác của ông ra đời với kích thước chỉ lớn hơn chiếc máy xát lúa một chút và rất gọn nhẹ. Lúc này, người dân ai cũng bán tín bán nghi không biết cái máy xử lí rác của lão “Nguyên khùng” có làm được trò trống gì hay không?

Thật bất ngờ, khi cho hoạt động, dù chỉ là chiếc máy được lắp ráp từ các đồ phế liệu cũ nhưng chạy rất trơn tru và ít gây tiếng ồn. Mọi người càng ngạc nhiên hơn khi ông Nguyên cứ bỏ từng bao lớn với đủ thứ rác vào, bỏ đến đâu máy “ngốn” hết đến đó rồi cho ra từng loại thành phẩm khác nhau ở mỗi cửa.

Tỉ mỉ với từng chi tiết.
Tỉ mỉ với từng chi tiết.

Chiếc máy xử lý rác của ông Nguyên sáng chế ra hoạt động theo quy trình: Rác tổng hợp được đổ vào thùng chứa từ xe chuyên chở. Ở đầu thùng chứa này, một thiết bị máy phun sương sẽ phun chế phẩm khử mùi. Qua băng tải ngang, rác có kích thước lớn hoặc có tính độc hại được nhặt ra ngoài để đốt tiêu hủy hoặc đưa vào đúc ép thành các khối bê tông. Những loại rác thải khác được đưa vào buồng xử lí chính trên băng tải dốc, tại đây rác tổng hợp được xử lý qua hệ thống trục dao và bộ dao. Nhờ có cấu tạo tốc độ của hệ thống trục dao, rác tổng hợp được phân loại ngay lập tức và cho ra các sản phẩm như: nilon, rác hữu cơ, đá, gạch, chai lọ, thủy tinh và một phần rác mùn.

Chiếc máy xử lý rác đầu tiên của ông Nguyên sáng chế chỉ có công suất thấp. Máy hoạt động liên tục trong ngày thì xử lý được 8 - 10 khối rác tổng hợp. Sau khi vận hành thành công chiếc máy đầu tiền, đến nay ông đã cho ra đời chiếc máy thứ 3 với công nghệ HKM (H: Hệ quy trình hầm ủ đứng, K: Khu nhà liên hoàn, M: Máy xử lý đa năng) với công suất lớn xử lý từ 35 - 40 khối rác/ngày.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì chiếc máy của ông Nguyên có tính ưu vệt và khả năng ứng dụng cao. Máy gọn nhẹ về khối lượng, không tốn nhiều diện tích đặt máy, xử lý rác triệt để, nhanh gọn mà lại ít hao tốn điện năng. Bên cạnh đó, giá thành mỗi chiếc máy do ông Nguyên sáng chế lại rẻ hơn nhiều so với các loại máy xử lí rác hiện nay. Mỗi chiếc máy có công suất xử lý 35 - 40 khối rác/ngày bằng công nghệ HKM chỉ chưa tới 100 triệu đồng.

Đến nay, ông Nguyên đã sản xuất và bán được 2 chiếc máy xử lý rác thải cho các địa phương là Hải Phòng và Bình Định. Thời gian để sản xuất ra một chiếc máy cũng được rút gọn chỉ còn khoảng 2 tháng thay vì một năm như trước đây.

Tỉ mỉ với từng chi tiết.
 Ông Nguyên cùng công nhân tại xưởng cơ khí đang gấp rút hoàn thành chiếc máy xử lý rác thứ 3 theo công nghệ HKM để bàn giao vào cuối năm nay.

Công nghệ HKM của chiếc máy xử lý rác do ông Nguyên sáng chế cũng đã được lập hồ sơ gửi lên Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học & Công nghệ) để được cấp bằng độc quyền sáng chế.

“Sau khi sản phẩm được bảo hộ độc quyền, tôi hi vọng mô hình này có thể nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước. Điều này sẽ giúp các địa phương làm tốt hơn công tác xử lý rác thải, môi trường không còn bị ô nhiễm. Hơn nữa khi đã qua xử lý, rác thải còn có thể tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vô tận và các sản phẩm tái chế khác đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Thái Bá