1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lão nông “gàn” tự chế và thử nghiệm thuốc trừ sâu không gây hại cho người

"Lão gàn" đó là ông Lê Văn Đáo (SN 1957) ở thôn Hương Quất, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Từ hạt cau, bồ kết, gừng, tỏi, ông Đáo đã tự chế thuốc trừ sâu cho các ruộng lúa, vườn rau nhà mình suốt 8 năm qua.

Sâu bệnh hết, ít tốn kém mà năng suất lúa không thua kém các nhà khác.
 
Ý tưởng bắt nguồn từ một sự tình cờ

 

Ý tưởng bắt nguồn từ một sự tình cờ

 

Từ năm 2006, ông Đáo thường có thói quen sưu tầm thảo dược để chữa các bệnh như nấm, đau bụng, viêm tai... cho người nhà và hàng xóm xung quanh. Những bài thuốc này ông học từ cuốn sách cổ do một bà lão người Nùng tặng, vì ông đã giúp đỡ gia đình bà trong trận chiến bảo vệ vùng biên ở bản Chắt (Lạng Sơn) năm 1979.

 

Ngoài việc đọc sách, ông còn tham khảo các tài liệu trên sách, báo. Từ đó, ông biết rằng trong các loại củ, quả như giềng, gừng, tỏi, ớt… chứa hàm lượng axit có tác động đến các bộ phận như mắt, da của những loài sâu bọ hại cây trồng và có thể tiêu diệt chúng.

 

Vào tháng giêng, tháng hai, khi thời tiết ẩm ướt, để bảo quản thảo dược ông đem tất cả cất vào trong hòm đựng thóc – nơi khô ráo nhất trong gia đình. Hai hòm thóc cùng để một chỗ, cùng có kẽ hở như nhau, vậy mà khi mang thóc ra ăn, thùng thóc không chứa thảo dược có rất nhiều mọt còn thùng kia tịnh không có bất kỳ một con mọt, con mối nào.

 

Vì thế mà ông Đáo mới phát hiện thảo dược chứa trong hòm thóc có tác dụng ngăn chặn côn trùng, mối mọt. Cũng từ đấy, ông bắt tay vào nghiên cứu chế tạo thuốc trừ sâu từ thảo dược. Ông chia sẻ: “Ý tưởng ấy khiến tôi cười phá lên sung sướng, làm vợ con được phen hú vía vì cứ tưởng tôi bị thần kinh. Tôi đã thử nghiệm pha chế các loại thảo mộc này với nhau để phun cho cây trồng và kết quả là đã tiêu diệt được các loài sâu bọ”.

 

Ban đầu, khi thấy ông cứ tiến hành các thí nghiệm, hàng xóm láng giềng, người trong gia đình, bạn bè ai cũng bảo ông gàn dở. Bắt tay vào thử nghiệm, ngày nào ông Đáo cũng lặn lội ngoài đồng từ sáng sớm tinh mơ đến khi trời tối. Không ai biết ông làm gì mà suốt ngày lúi húi với mấy sào ruộng.

 

Dù gia đình, hàng xóm có khuyên ngăn ông đừng làm những việc vô bổ mà nên tập trung vào làm ăn kinh tế, nhưng ông Đáo nhất quyết không thay đổi. Lần đầu tiên phun thuốc, thấy ruộng có chuột, ông pha thêm ít dầu luyn vào bình thuốc với mục đích mùi hôi của dầu luyn sẽ xua được loài gặm nhấm. Ngay sau đó, ruộng lúa nhà ông bị teo lại khiến mọi người tưởng ông phun thuốc hại lúa. Tuy nhiên, sau một đêm phơi sương, 5 thửa ruộng nhà ông lại tươi mơn mởn trở lại. Không những thế, vào năm cả làng phải phun thuốc trừ dầy nâu, ruộng nhà ông Đáo không vướng bệnh gì.

 

Khi thấy sau 10 vụ lúa dùng loại thuốc sâu tự chế, nhà ông Đáo không vụ nào mất mùa, mọi người cũng bớt đồn thổi về chuyện này. Ông nói: “Khi phun loại thuốc trừ sâu này, không phải lo bị nhiễm độc, mà sau khi thu hoạch sản phẩm, mình ăn cũng không sợ tồn dư chất hóa học trong cây trồng”.

 

Rót ra thứ nước đen sì, đặc quánh từ trong chiếc bình hơn 10 lít thuốc sâu tự pha chế ra một chiếc chén nhỏ, ông lấy ngón tay khua đều thuốc trong chén và đếm nhẩm 1, 2, 3. Cứ mỗi lần đếm, ông cho đầu ngón tay có thuốc vào miệng một lần, rồi đưa lên miệng uống “ực” như uống rượu bình thường.

 

Ông rót thêm ít nữa ra chén, nhưng bị người nhà ngăn cản sợ ông uống nhiều thuốc này vào nguy hiểm. Ông nói: “Trong người tôi có quá nhiều chất độc rồi nên không sao đâu, cứ yên tâm đi. Xác định làm cái việc này phải mạo hiểm, không thử thì sao biết được thuốc lên men đủ chưa, thuốc đã ngấm thảo dược chưa”.

 

Hy vọng ý tưởng được nhân rộng

 

Thực tế hiện nay có tình trạng vỏ bao thuốc sâu vứt bừa bãi ở mương máng, bờ ruộng gây ô nhiễm hóa chất, thậm chí lươn, trạch, đỉa cũng không sống được. Người nông dân cũng khốn đốn khi phải phun thuốc trừ sâu, bởi mỗi vụ lúa ít nhất có tới 4, 5 lần phun thuốc. Trong khi đó, hầu như bà con chưa biết sử dụng đồ bảo hộ khi phun các chất hoá học độc hại này. Nhiều người đi phun thuốc về thấy nôn nao, chóng mặt, một số trường hợp nặng có thể tử vong.

 

Đối với ông Đáo, đã hơn 8 năm nay ông dùng “thuốc thảo dược” này để phun cho ruộng, vườn nhà, vừa diệt được sâu bệnh cho cây trồng lại bảo đảm an toàn. Người đi phun không cần phải mặc áo mưa, đi ủng, “thuốc sâu” không may rơi rớt vào da thịt cũng không đáng sợ như các loại thuốc bảo vệ thực vật đang bán trên thị trường.

 

Ngày 18/2 vừa qua, ông Ngô Xuân Thái - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hưng Yên đã có cuộc làm việc với ông Lê Văn Đáo. Đại diện Trung tâm khảo nghiệm thực vật, Chi cục bảo vệ thực vật đã lấy mẫu thuốc trừ sâu của ông Đáo về thử nghiệm. Vào ngày 2/3 sẽ thử nghiệm cho cây trồng và đưa ra kết quả. Bởi loại thuốc trừ sâu thảo dược này muốn đưa vào sử dụng phải có danh mục đăng ký, muốn có danh mục đăng ký phải thử nghiệm đến khi Bộ NN&PTNT cho phép mới được sử dụng và nhân rộng hơn.

 

Theo Huy Hùng
 Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm