Hà Tĩnh:
Lão gàn 30 năm dựng "thành lũy" bảo vệ làng
(Dân trí) - Chứng kiến trận bão lũ khiến hàng chục ngôi nhà của người dân bị cuốn trôi, ông quyết định dọn nhà, đưa vợ con ra gần bờ đê để sinh sống và quyết tâm xây dựng một “thành lũy” phi lao để bảo vệ cho dân làng.
Những ngày đầu, việc làm này của ông Nguyễn Lán (86 tuổi ở thôn Hội Thành II, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị người dân hiểu nhầm và cho rằng ông bị "gàn", dở hơi.
Song sau 30 năm, nhìn lại công trình “thành lũy” với những rặng phi lao thẳng tắp, xanh ngút ngàn, người dân mới thấu hiểu được tấm lòng và công sức mà ông đã dành gần trọn cuộc đời để tạo nên.
Ra đê trồng rừng
Ông kể: năm 1950 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đăng kí nhập ngũ tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ. Trong những năm tháng chiến đấu chống giặc ông bị lâm bệnh, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông là Trung đội trưởng Trung quân xã Xuân Hội.
Năm 1978, một trận lũ lịch sử đã càn quét qua xã Xuân Hội cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản khiến cuộc sống của người dân rơi vào cảnh cơ cực.
Ông Lán tâm sự: “Làng chúng tôi gần biển lại không có gì che chắn nên cuộc sống của người dân năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi bão lụt”.
Sau một thời gian suy nghĩ, ông tính phải bằng mọi cách để tạo ra một thành lũy bằng phi lao để bảo vệ cho làng.
Nói là làm. Năm 1986, ông vận động vợ con ra cửa biển Xuân Hội dựng nhà, trồng cây chắn sóng, sống cuộc đời bám biển.
Thời gian đầu, gia đình ông đã gặp rất nhiều khó khăn. Vốn liếng không có, đến cả tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày còn thiếu thốn, nhưng ông vẫn dành dụm, vay mượn và chi một khoản tiền để mua cây giống phi lao về trồng. Lúc đó, có thời điểm giữa các thành viên trong gia đình xảy ra xích mích, vợ của ông đã có lần đòi dọn nhà cũ để sống.
Ông Lán cho biết: “Lúc biết tôi đưa cả gia đình ra đây để sống và trồng phi lao nhiều người gọi tôi là lão gàn, dở hơi. Rồi trong thời gian mới về, thấy quá vất vả nên vợ tôi cũng chán nản”.
Nhưng bằng tình yêu, quyết làm giàu trên vùng đất mới và đặc biệt xây dựng một thành lũy để bảo vệ dân làng, ông cũng dần thuyết phục được vợ con.
Ông đóng thuyền, sắm ngư cụ đánh bắt để bám biển duy trì cuộc sống cho gia đình. Ông làm việc dường như không có thời gian để nghỉ ngơi. Sau những giờ đánh cá trên biển, ông lại lao vào việc trồng cây phi lao.
Có những lúc khó khăn quá không có tiền mua giống ông lại nhặt nhạnh những hạt phi lao sót lại của rừng già đem về tự nhân giống rồi đem ra trồng.
Và trời đã không phụ lòng ông, những cây phi lao dần lớn lên, xanh tươi ngun ngút tạo thành một thành lũy vững chắc.
“Trồng cây đã khó, bảo vệ được cây càng khó hơn”
Sau gần 30 năm, những bờ đê, bãi biển chỉ có cát trắng và những con sóng thì giờ đây đã được phủ lên một màu xanh ngút ngàn. Trong những rặng phi lao ấy, ngày nào người ta cũng thấy bóng dáng của một ông lão tóc đã ngã màu đi “thị sát”.
Có mặt tại đây, tận mắt ngắm nhìn những rặng phi lao thẳng tắp có đường kính 50-60cm mới thấy hết công sức của ông và gia đình đã bỏ ra.
Nhờ có những cánh rừng của ông Lán mà con người nơi đây biết bao mùa mưa lũ đã thoát khỏi nguy hiểm, khi đó họ mới tin việc làm của ông là có ích thật sự. Những khó khăn, vất vả ấy không làm chùn ý chí của người cựu chiến binh Nguyễn Lán. Ông bảo: “Tính tôi đã định làm cái gì là phải làm đến cùng. Tôi là người lính bộ đội cụ Hồ mà!”.
Khi hỏi về ông Lán, ông Lê Nhật Anh (thôn Hội Thành II) cho biết: “Lúc đầu thấy ông dọn nhà ra đây để sống và trồng phi lao ai cũng nghĩ ông bị gàn vì đây là việc chung của xã hội, trong khi gia đình ông lại đang khó khăn, tiền ăn chẳng có mà lại đi vay mượn để trồng phi lao. Nhưng giờ chúng tôi mới biết, đó là việc làm thực sự ý nghĩa. Nhờ có những cây phi lao do ông Lán trồng lên mà người dân nơi đây có thêm que củi, có thêm nắm lá phi lao phục vụ cho việc nấu ăn và chắn gió, giữ đê điều khi mùa mưa bão về”.
Để có được những thành quả như hiện nay không biết ông đã đổ bao nhiêu giọt mồ hôi, nước mắt, những đêm trằn trọc mất ngủ vì phải chống lại bọn “phi lao tặc”.
Có lần, một mình ông chống chọi với 5 tên trộm, bị bọn chúng đánh gãy 6 chiếc răng, mất 1 ngón tay. Hiểm nguy là thế nhưng điều đó càng khiến ông Lán quyết tâm giữ rừng. “Cái mạng già này tôi đâu có tiếc! Tôi đã quyết giữ bằng được cánh rừng trong gần 30 năm qua. Chừng nào còn đi được thì tôi vẫn bảo vệ rừng. Chỉ có điều, tôi không còn đủ sức để phủ đầy cây trên những đồi cát trong vùng nữa”.
Trao đổi với PV, ông Trần Song Hương, phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết: “ Ông Nguyễn Lán là một cựu chiến binh đam mê trồng rừng chắn sóng rất hiệu quả, việc làm của ông thực sự ý nghĩa. Đồng thời, ông còn tham gia cứu những người đuối nước, tạo công ăn việc làm cho những người khó khăn. Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực trồng rừng phủ đồi trọc. Ông là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo”.
Cứ thế hơn 30 năm ông vừa là người trồng rừng, vừa kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ bảo vệ rừng không công cho người dân biển cửa Hội. Nhiều người coi ông như là ân nhân và xin nhận làm con nuôi. Năm 2003, ông được Hội người cao tuổi Việt Nam mời ra Hà Nội dự hội nghị toàn quốc lần thứ nhất và được ghi danh trong cuốn sách người làm kinh tế giỏi.
Trần Phương – Xuân Sinh