1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày Quốc tế Lao động 1/5:

Lao động khuyết tật: từ thiện hay nguồn lực?

(Dân trí) - Dù nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tuyển NKT vào làm việc, nhưng đến nay vẫn ít doanh nghiệp hưởng ứng. Một nguyên nhân không nhỏ là nhiều doanh nghiệp đang ngộ nhận khi xem việc tuyển lao động khuyết tật là từ thiện chứ không phải nguồn lực.

Quan điểm sai lầm

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (NKT), trong đó khoảng 1,6 triệu NKT còn khả năng lao động. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng này rất cao. Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thì tỷ lệ này có thể là khoảng 30%, 70% có việc làm thì rất ít người có việc làm thu nhập ổn định, rất nhiều người nằm ngoài thị trường lao động chính thống.

Việt Nam có đến 1,6
triệu NKT còn khả năng lao động nhưng rất ít người có việc làm ổn định
Việt Nam có đến 1,6 triệu NKT còn khả năng lao động nhưng rất ít người có việc làm ổn định

Phát biểu trong 1 hội nghị NKT gần đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cách nhìn nhận của xã hội với NKT đã có sự thay đổi lớn, từ chỗ tiếp cận theo nghĩa từ thiện, nhân đạo sang bảo đảm quyền của NKT. Tuy nhiên, cách nhìn này chỉ mới bắt đầu thay đổi, còn ở lĩnh vực việc làm, cách nhìn từ thiện vẫn chiếm ưu thế.

Một lãnh đạo doanh nghiệp lớn tự hào là đã tạo điều kiện để tuyển hàng chục NKT vào làm việc và xếp hành động này vào… thành tích từ thiện xã hội của công ty. Một tổ chức xã hội dân sự cũng tuyển nhiều NKT vào làm công tác văn phòng nhưng trả lương không cao với lý do mà vị Phó chủ tịch tổ chức này chia sẻ là: “Em thấy đó, các em bị tật vậy có làm được gì đâu!”.

Theo ILO Việt Nam, đó là sự phân biện đối xử, thái độ tiêu cực và giả định chưa đúng về khả năng của NKT. Tiến sĩ Gyorgy Sziraczki, Trưởng đại diện ILO Việt Nam nhận định: “Việc doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NKT có nhiều điểm lợi vì họ gắn bó với doanh nghiệp, tạo sự đa dạng trong lao động, khai thác thế mạnh của họ để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”.

Một nguồn lực lớn

Nhận định của ông Gyorgy Sziraczki được chứng minh rất rõ ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động như ngành may mặc, giầy da ở tỉnh Đồng Nai. Theo khảo sát sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai, có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động là NKT, bố trí họ làm việc ở các khâu phù hợp, nhiều nhất là NKT dạng liệt chi dưới vì hai tay họ vẫn làm việc được bình thường.

Việc tuyển dụng lao động khuyết tật ở đây rất hiệu quả vì vấn nạn lớn nhất của lao động ngành may mặc, giầy da là tình trạng dịch chuyển lao động, lao động không gắn bó với doanh nghiệp. Vào mỗi đầu năm, doanh nghiệp ngành này tốn khá nhiều chi phí để tuyển dụng công nhân và đào tạo công nhân mới vì lượng công nhân bỏ sang công ty khác rất cao. Nhưng với lao động khuyết tật, họ rất gắn bó với doanh nghiệp và doanh nghiệp không phải đối mặt với rủi ro trên.

Bà Nguyễn Thị Kiều Giang, Chủ tịch Hội Người mù huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Thực tế chứng minh NKT nói chung có sự chịu khó rất cao. Chúng tôi rất cần việc làm ổn định để cải thiện kinh tế gia đình, hoà nhập cộng đồng. NKT có thể trở thành những người lao động tốt”.

Theo ILO Việt Nam, ngành lao động việc làm ở Việt Nam phải đánh giá lại vấn đề này, phải xem xét dưới góc độ NKT là 1 nguồn lực của thị trường lao động. Ông Gyorgy Sziraczki cho biết: “ILO ước tính Việt Nam mất 3% GDP vì NKT phải đứng ngoài thị trường lao động. Đó là một sự lãng phí tiềm năng rất lớn”.

Bà Lưu Thị Ánh Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực NKT (Khuyết tật & Phát triển - DRD) cũng đồng tình: “Nếu doanh nghiệp nghiên cứu và cải tạo 1 chút môi trường làm việc cho phù hợp với NKT thì đây sẽ là 1 lực lượng lao động tốt, góp ích cho sự phát triển doanh nghiệp. Sự cải tạo này cũng không quá tốn kém mà chỉ là 1 số chi tiết như bố trí lại đường đi đến chỗ làm, nơi ngồi làm việc, nhà vệ sinh…”.

Tùng Nguyên