1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Lạnh người chuyện tang tóc vùng mỏ đá

(Dân trí) - Chưa bao giờ vấn đề an toàn lao động lại được người dân các xã Châu Tiến, Châu Hồng… của huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) quan tâm đến thế. Ít có ngày nào người dân nơi đây không phải chứng kiến cảnh tiễn đưa tiễn người xấu số, mất mạng vì bị đá đè hay hầm sập.

Rùng rợn vùng mỏ

 

Tại  khu mỏ dốc bản Ngọc, xã Châu Hồng một sớm mù sương. Anh công nhân lấm lem đôi lông mày bạc phếch vì bụi đá, nói vọng: “Ở đây lúc nào cùng mù mờ cả, chả nhìn thấy chi mô. Không phải mù mù của mây, của sương thì bụi đá cũng phủ kín chả thấy mặt người...”.

 

Quả thật chứng kiến cuộc “vận hành” với kiếp mưu sinh ở nơi đây mới thấy thật rùng rợn. Những con người loang lổ bụi đất, làm việc trong môi trường loạn âm thanh và cực kỳ ô nhiễm. Người không quen có thể cảm thấy tiếng máy nổ xé toang màng nhĩ.

 

Phía trên đỉnh núi đá, những người thợ đu đưa chỉa mũi khoan vào lòng đá. Dưới chân núi, công nhân vẫn miệt mài làm việc. Một người tiết lộ: “Cách đây mấy năm, một tảng đá lớn rơi từ độ cao hàng trăm mét đã “hốt gọn” những người làm việc phía dưới. 5-6 mạng người ra đi. Phải thuê kích hạng nặng về mới cẩu đá để lấy xác được”.

 

Thi thoảng, mỏ đá lại rung chuyển bởi tiếng mìn nổ gài vào trong lòng đá. Đá tung tóe. Nhưng mọi người vẫn cần mẫn làm công việc của mình. Ở đây họ đã quen với sự nguy hiểm và “thả nổi” tính mạng của mình. Mỗi buổi sáng đi làm, họ lại mỉm cười với người thân vì biết đâu chiều họ không trở về!

 

Tại Châu Tiến có vô vàn các điểm khai thác quặng thiếc. Dọc các bờ ruộng, lòng khe, hang núi, chỗ nào cũng bị đào lên nham nhở. Những miệng hầm toang hoác như những cái miệng đen ngòm, nằm giữa lưng chừng núi. Người lao động nhỏ xíu và lố nhố, đằm mình trong những vũng nước đục ngầu. Một người khuyến cáo: Chỉ nhìn thôi, cấm chụp hình. Không thì no đòn với bọn cai!

 

Lãnh đạo xã Châu Tiến cho biết: “Bà con bây giờ đua nhau đi bới thiếc. Ngày ít cũng được trăm ngàn, so với việc đồng áng thì hơn lắm. Chính vì thế mà tai nạn từ quặng thiếc cũng không khiến người ta sợ. Đấy mới vừa rồi một người ở Quỳ Châu bị chết do vỡ bờ be, xác bị vùi dưới bùn, moi mãi mới ra”.

 

Cha đầu bạc tiễn con đầu xanh

 

Quỳ Hợp (Nghệ An) được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên, khoáng sản quý giá. Quỳ Hợp đang ấp ủ giấc mộng tỷ phú của nhiều người với đá trắng, quặng thiếc. Ở đây có 58 mỏ khai thác khoáng sản được cấp giấy phép, trong số đó chỉ có 9 mỏ của doanh nghiệp nhà nước, còn lại của tư nhân.

 

Hiện trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có hiện tượng khai thác trái phép. Tranh thủ thời gian nông nhàn, bà con đào đãi quặng thiếc để tăng thu nhập.

Người dân xã Châu Quang vẫn chưa quên cái chết của anh Thái Duy Bình, người đã chết tức tưởi và không toàn thây dưới một tảng đá lớn. Cha anh, ông Thái Duy Ngọc, buồn bã: “Nó là con trai độc nhất trong nhà, mới xin đi làm được hai tháng thì xảy ra cơ sự. Tui cũng nỏ trách chi ai mô, chỉ thương cho phận con mình còn trẻ”.

 

Cách nhà ông Ngọc không xa, ông Dương Công Sự - bố của nạn nhân Dương Công Nhận -  cũng rầu rĩ khi nhắc đến con mình. Ông bảo: “Cả cái xã này nhiều người chết vì đá đè và hầm thiếc vùi lấp lắm. Nhưng biết làm sao được cũng vì kiếp mưu sinh thôi mà. Nhưng giá như các doanh nghiệp quan tâm hơn đến quy trình khai thác, đến an toàn lao lao động thì đâu đến nỗi”.

 

Để khai thác và thu hồi vốn nhanh, các doanh nghiệp đã chọn cách khai thác đá thủ công. Họ cho khoét những chiếc hầm ếch, người lao động chui vào trong khai thác đá. Mọi sự liện hệ với bên ngoài đều chỉ qua một sợi dây nối xuyên trong hầm. Vậy nên tai nạn thương tâm là điều không thể tránh khỏi.

 

Lãnh đạo xã Châu Quang cho hay: “Sập hầm chết hàng loạt người, chính quyền cử người vào kiểm tra thì các chủ mỏ chỉ cho bới khơi khơi. Chờ đến đêm hoặc khi cán bộ mình rút rồi, họ mới đào xác lên, gói ghém chở đi. Làm sao mà biết có bao nhiêu người chết!”.

 

Đặng Nguyên Nghĩa