1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

“Lạnh gáy” với những cây cầu treo

(Dân trí) - Nếu cán bộ huyện đi kiểm tra 1 lượt tất cả các cây cầu treo trên địa bàn thì vài tháng mới hết bởi có khoảng trên 100 cây cầu treo nằm rải rác ở khắp các xã, thậm chí cán bộ huyện cũng không nhớ hết vị trí cầu treo nằm ở đâu.

Đầu tháng 3, theo chân cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đến xã Trà Nam để “thăm” một số cây cầu treo trên địa bàn. Trong buổi sáng, cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ đến được 2 trong số hàng chục cây cầu trên địa bàn xã.

Cây cầu treo ở thôn 5 xã Trà Nam
Cây cầu treo ở thôn 5 xã Trà Nam

Tại thôn 5 xã Trà Nam, từ cụm dân cư của đồng bào Ca Dong ở làng Long Túc, chúng tôi men theo những bờ ruộng bậc thang của bà con tìm đến cây cầu treo nằm dưới suối sâu. Vừa đi vừa dò được nửa tiếng, chiếc cầu treo mà thường ngày của người dân thường hay qua lại đã hiện ra trước mắt. Cầu dài trên 20m, chiều rộng hơn nửa mét, bên dưới là dòng nước chảy xiết.


Như thế này cũng được coi là một cây cầu.

Như thế này cũng được coi là một cây cầu.

Anh cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Trà My tên Trần Quốc Bảo cho biết, đây chỉ là một cây cầu treo trong hàng chục cây cầu của bà còn trên địa bàn xã Trà Nam.

Để bước lên được cây cầu này, chúng tôi phải lần dò từng bước nếu không muốn lọt xuống suối. Cây cầu “lỏng lẻo” đến phát sợ. Cái được gọi là “lan can” cầu gồm 2 dây thép cột vào 2 gốc cây ở 2 bên suối, bên dưới được lát những mảnh gỗ tạm bợ, còn “đường dẫn” lên cầu được kê mấy cây gỗ mục.

Lấy hết sức bình tĩnh, tôi “rón rén” bước lên cầu. Tuy nhiên, chưa đến giữa cầu thì không dám tiến xa hơn nữa bởi sự “rung và lắc” của cây cầu này. Cố gắng “toát hết mồ hôi” tôi cũng không thể đi hết cây cầu này được. Và dù có muốn sang bên kia nhưng cũng không thể sang được vì những cây gỗ lót mặt cầu đã “rơi rụng” gần hết.

Những cây gỗ được lát làm mặt cầu đã rơi rụng rất nhiều
Những cây gỗ được lát làm mặt cầu đã rơi rụng rất nhiều

Anh cán bộ huyện cho biết, bây giờ mùa khô, nước suối cạn có thể lội được qua suối nên người dân ít sử dụng cầu treo để đi, còn mùa mưa thì không thể lội suối được nên cầu treo lúc này mới phát huy hiệu quả.

“Cây cầu này đồng bào đi quen rồi nên không bị rớt xuống suối, còn mình không quen nếu đi không cẩn thận dễ bị rớt như chơi”, anh Bảo - cán bộ huyện Nam Trà My nói.

“Đường dẫn” lên cầu là những cây gỗ đã mục
“Đường dẫn” lên cầu là những cây gỗ đã mục

Anh Bảo cũng cho biết, trên địa bàn huyện Nam Trà My này có hàng trăm cây cầu treo lớn nhỏ của người dân tự làm để đi qua sông qua suối. Nếu một người đi kiểm tra thì chắc cũng vài tháng mới hết các cây cầu trên địa bàn huyện. Nhiều cây cầu ngay cả cán bộ huyện cũng không biết, không rõ là người dân làm ở đoạn suối nào.

Lời nói của anh Bảo được chứng minh khi từ cây cầu ở thôn 5, chúng tôi tiếp tục đi đến thôn 3 để kiểm tra một cây cầu treo khác thì trời đã trưa. Theo con đường nhựa liên xã, hỏi thăm vài người dân chúng tôi mới tìm ra. Tuy nhiên, để đi lên được cây cầu này, chúng tôi cũng phải đi vòng quanh, vạch qua rừng lau sậy mới đến được.

Anh Bảo cho biết, để có cầu treo, đa số bà con tự làm, huyện chỉ hỗ trợ dây cáp. Còn việc bảo dưỡng và sử dụng là do bà con tự làm.

Cán bộ huyện trao đổi với PV về những cây cầu treo "lạnh gáy" ở Quảng Nam.

Theo ông Nguyễn Đình Tân – Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Trà My, hiện trên địa bàn huyện có hàng chục địa điểm cần phải làm cầu treo cho người dân đi và hàng chục cây cầu treo khác cần phải sửa chữa; tuy nhiên ngân sách của huyện không thể bỏ ra để xây dựng nên rất cần nguồn vốn đầu tư của nhà nước và của cả xã hội.

“Năm ngoái có một công ty hứa đầu tư cây cầu treo trị giá 2 tỉ đồng ở thôn 5 xã Trà Nam nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai”, ông Tân cho biết.

Công Bính