1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lãnh đạo thành phố Huế bị "chỉnh" vì chậm bảo vệ nhà vườn

(Dân trí) - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mới đây đã có cuộc họp với lãnh đạo thành phố Huế và các ban ngành liên quan nhằm chấn chỉnh việc chậm trễ triển khai đề án chính sách bảo vệ nhà vườn Huế.

Đề án, chính sách bảo vệ nhà vườn Huế đã được hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, được UBND tỉnh phê duyệt từ giữa năm 2006. Đến nay đã gần 6 năm nhưng đề án chưa được UBND TP Huế và các ngành chức năng quan tâm đúng mức, ảnh hưởng lớn đến tiến độ và kết quả thực hiện đề án.

Để chấn chỉnh việc này, tỉnh đã yêu cầu thành phố Huế khẩn trương chỉ đạo Ban quản lý và Bảo vệ nhà vườn Huế tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng quản lý 150 nhà vườn Huế (số lượng được xác định khi thực hiện đề án). Toàn bộ hồ sơ nhà vườn đăng ký được yêu cầu gửi cho tỉnh để đánh giá, thẩm định phân loại nhà vườn Huế nhằm cho tỉnh có cơ sở phê duyệt danh mục nhà vườn tiêu biểu đưa vào hỗ trợ.

Ngoài danh mục 150 nhà đã xác định, nếu các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Huế có nhu cầu tham gia hưởng chính sách bảo vệ nhà vườn Huế thì Ban quản lý và Bảo vệ nhà vườn Huế tiếp tục điều tra, lập hồ sơ, bổ sung danh sách tiếp.

Nhà vườn Huế là 1 cấu thành hết sức độc đáo của văn hóa, kiến trúc, phong thủy từ cha ông đời xưa (mà chủ yếu từ thời 13 đời vua nhà Nguyễn (1802-1945) để lại. Nhà vườn là nơi lưu giữ tâm hồn, nguồn cội của nhiều thế hệ người Huế với nét nhẹ nhàng, thanh tao ít nơi khác có được. Nhà vườn còn là bộ phận không thể thiếu đề làm nên một xứ Huế nên thơ - mảng đất 2 di sản.

Lãnh đạo thành phố Huế bị chỉnh vì chậm bảo vệ nhà vườn

Lạc Tịnh Viên - một ngôi nhà vườn Huế rất nổi tiếng trên đường Phan Đình Phùng đã đóng cửa nhiều năm qua không tiếp khách.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cuối năm 2011, số liệu thống kê đưa ra, chỉ còn 52 nhà vườn trong số 150 nhà vườn trong danh mục bảo vệ là còn nguyên vẹn. Số phận 98 nhà vườn khác phần lớn đã bị cắt xẻ, tháo dỡ, mối mọt hay nằm chung với những căn nhà cao tầng vì nhu cầu “người đông phải có  thêm đất ở” của các hộ nhà vườn trên.

Dư luận cũng đang đặt câu hỏi, không còn nhà vườn, Huế có còn là Huế như xưa? Tình trạng “chảy máu nhà rường” trước đây cũng từng xảy ra ở phố cổ Hội An và đã được chấn chỉnh kịp thời nên khu phố cổ độc đáo nhất Việt Nam này vẫn còn giữ được hồn của nó. "Bỏ mặc” nhà vườn cũng sẽ là hậu quả đáng tiếc khi những di sản văn hóa, tinh thần từ cha ông ngàn đời nay biến mất theo xu thế thị trường.

Đại Dương