Lãnh đạo phải trực tiếp đối thoại với dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp phải trực tiếp đối thoại dân chủ, lắng nghe để giải quyết các vấn đề mà nhân dân đặt ra theo đúng pháp luật; đối với vụ khiếu nại mà người dân quá nghèo thì cần hỗ trợ để ổn định tình hình.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với 37 tỉnh, thành phố về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, sáng 22/4. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Sáng 22/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với 37 tỉnh, thành phố về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) tồn đọng, phức tạp, kéo dài nhằm đề ra các giải pháp xử lý dứt điểm các vụ việc này.
Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TTCP đã ban hành kế hoạch hành động để phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm kiểm tra, rà soát, giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đồng thời, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương, bộ, ngành chủ động và tiếp tục rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng khác.
Đến ngày 15/4/2014 đã giải quyết được 481/528 vụ việc, đạt 91,1%, còn 47/528 vụ việc chưa giải quyết xong. Tuy nhiên, trong số 481 vụ việc đã giải quyết, có 43 vụ việc công dân vẫn đến khiếu nại tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước; 53 vụ việc công dân vẫn gửi đơn đến TTCP.
Đánh giá về tình hình này, TTCP cho rằng việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài trong thời gian qua là quyết liệt, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và nhân dân. TTCP, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia giải quyết. Kết quả giải quyết có tác động đến tình hình khiếu nại, tố cáo, làm chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, TTCP cũng nêu những yếu kém, hạn chế trong quá trình giải quyết các vụ việc, trong đó nhấn mạnh việc nhận thức của một số địa phương về vấn đề này chưa đầy đủ dẫn đến sự phối hợp chưa chặt chẽ, kém hiệu quả; một số địa phương chưa chủ động, có nơi chờ đợi, đùn đẩy lên cấp trên; kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm. Đặc biệt, có những vụ việc đã có quyết định giải quyết, có ý kiến chỉ đạo của các bộ, ngành, thậm chí có vụ việc có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng địa phương vẫn không thực hiện.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu một số địa phương báo cáo về các vụ việc "nóng" trên địa bàn và hướng giải quyết cụ thể.
Báo cáo về việc xây dựng nghĩa trang Vĩnh Hằng tại xã Bắc Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), đại diện địa phương này cho rằng, xây dựng nghĩa trang là vấn đề bức thiết của thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận với quy hoạch ban đầu là 38 ha, sau đó rút xuống 28 ha. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp sự phản ứng của nhân dân và sự kích động của một người dẫn đến vụ việc bị đẩy lên thành điểm nóng với sự chống đối của một số người như sự việc vừa qua.
Về việc xây dựng chợ Hải Hà (huyện Hải Hà, Quảng Ninh), tiểu thương bức xúc khi xây chợ mới, trong khi có các hộ chuyển sang chợ mới những cũng còn những hộ dân không chuyển sang chợ mới và mâu thuẫn với chủ đầu tư chợ mới cũng như giữa người dân kinh doanh ở chợ cũ và chợ mới.
UBND tỉnh Quảng Ninh đang nghiên cứu giảm giá thuê mặt bằng tại chợ mới để người dân có thể kinh doanh tốt và chuyển được người dân từ chợ cũ sang kinh doanh tại chợ mới trong tháng 5/2014 này. “Nếu chính quyền giải quyết sai thì phải sửa, bảo đảm lợi ích của công dân”, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, Thành phố hiện có 8 vụ việc đang xử lý. Trong tháng 5/2014 sẽ giải quyết dứt điểm 83/84 vụ việc.
Hằng tháng, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trực tiếp tiếp dân, giải quyết và đối thoại với dân theo định kỳ. Tại các buổi tiếp dân, Bí thư Thành ủy xem xét, giải quyết trực tiếp cũng như yêu cầu các sở, ngành, quận huyện phải có giải pháp giải quyết cụ thể nhằm bảo đảm quyền lợi cho dân. Do đó, trong suốt một năm qua, Thành phố không có các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, quý I/2014 các vụ khiếu nại tố cáo đều giảm so với cùng kỳ. Về vụ Dương Nội, các cơ quan Trung ương cùng Hà Nội đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng mong muốn của người dân Dương Nội lại vượt qua quy định của luật. Hiện Thành phố tiếp tục tuyên truyền, giải thích pháp luật nên khiếu kiện có giảm đi.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho hay, lợi ích của người dân và nhà đầu tư chênh lệch nhau quá lớn khi đất của dân thu hồi giá rẻ nhưng nhà đầu tư lại bán giá quá cao. Do đó, chính quyền phải tính toán kỹ nhằm xem xét hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp, không để người dân quá thiệt thòi khi bị thu hồi đất vì mảnh đất là “tư liệu sản xuất” cả đời của họ. Nếu giá bồi thường quá rẻ khiến người dân quá thiệt thòi sẽ nảy sinh khiếu kiện.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài thì vẫn còn một số nơi chưa thực sự đối thoại với dân, đùn đẩy vụ việc lên cấp trên, quá trình giải quyết chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Nếu mọi việc công khai, minh bạch, vận động tốt thì việc giải quyết sẽ bớt phức tạp hơn nhiều.
Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp phải trực tiếp đối thoại dân chủ, công khai với nhân dân, lắng nghe, giải quyết các vấn đề mà nhân dân đặt ra theo đúng pháp luật, vận dụng linh hoạt pháp luật trên cơ sở có lý, có tình để ổn định tình hình như đối với vụ khiếu nại mà người dân quá nghèo khổ cần hỗ trợ để bảo đảm an sinh xã hội... Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội và TPHCM tổ chức tiếp dân, hướng dẫn và phân công giải quyết có hiệu quả công tác này.
Các địa phương phải chủ động rà soát và có kế hoạch giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên địa bàn với tinh thần bảo đảm lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị xã hội. TTCP, các bộ, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm trong giải quyết công tác này với sự vào cuộc trực tiếp của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đối với từng vụ việc cụ thể để chấm dứt khiếu kiện tồn đọng, kéo dài.
TTCP có kế hoạch kiểm tra cụ thể quá trình giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài của các địa phương, nhất là quá trình giải quyết khi đã có kết luận của các bộ, ngành, và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Từ ngày 1/7/2014 phải thực hiện việc tiếp công dân một cách nghiêm túc từ cấp xã đến cấp tỉnh, các bộ, ngành ở Trung ương để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này ở từng địa phương và cả nước.
Theo Lê Sơn
Chinhphu.vn