Lãnh đạo ASEAN không “né” vấn đề Biển Đông tại hội nghị cấp cao 36
(Dân trí) - Giới thiệu chương trình Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, diễn ra ngày 26/6 tới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, vấn đề Biển Đông sẽ được đặt lên bàn nghị sự.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh nội dung này tại cuộc họp báo chiều 23/6 về chương trình Hội nghị cấp cao lần này, khi Việt Nam đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, hội nghị sẽ diễn ra 1 ngày với lễ khai mạc bắt đầu từ 8h15 sáng 26/6, phiên họp chính thức diễn ra từ 8h30, theo hình thức họp trực tuyến và kết thúc với phiên họp báo vào 18h30 do Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Những ngày qua đã và đang diễn ra các phiên họp trù bị của lãnh đạo các lãnh đạo cấp cao ASEAN (SOM), phiên họp hẹp của các tiểu ban…
Các cơ quan đã chuẩn bị 9 văn kiện để trình lên hội nghị cấp cao, trong đó, hội nghị dự kiến thông qua tuyên bố chung về tầm nhìn của ASEAN (theo chủ đề chủ động gắn kết và thích ứng), tuyên bố về việc tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số…
ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng
Cụ thể, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên Khai mạc, Phiên họp toàn thể, các Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số; Đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện Thanh niên ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).
Ngoài ra, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo khác cũng tham gia phiên đối thoại với thanh niên ASEAN và các ngành, giới, doanh nghiệp để thúc đẩy sự gắn kết, tham gia của các thành phần khác nhau trong cộng đồng chung các nước Đông Nam Á.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số và cùng Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại AIPA dự phiên đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN với AIPA.
Trao đổi các vấn đề báo giới đặt ra tại cuộc họp báo, trước hết, về chủ đề “chủ động gắn kết và thích ứng”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, khi xây dựng chủ đề này, thế giới chưa xuất hiện dịch Covid-19. Việt Nam đề xuất chủ trương gắn kết và thích ứng vì nhận thấy, trong thời điểm hiện tại, đoàn kết, gắn bó chính là yếu tố quyết định cho thành công của ASEAN. Bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ của Mỹ - Trung quốc cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ… đặt ra yêu cầu gắn kết các nước ASEAN.
“Chúng tôi đâu có nghĩ quyết định chủ đề ASEAN 36 xong thì không chỉ khu vực mà cả thế giới phải đối mặt ngay với thách thức to lớn là dịch bệnh Covid-19. Nhưng điều đó cho thấy chủ đề được đặt ra rất đúng, phù hợp. 6 tháng qua, hợp tác của ASEAN luôn hướng theo tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, đã tạo ra hiệu quả, ASEAN trở thành hình mẫu cho các hoạt động hợp tác quốc tế” – Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Đầu tháng 7 khởi động lại đàm phán quy tắc ứng xử trên Biển Đông?
Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên trong nước và quốc tế bày tỏ sự quan tâm về tình hình Biển Đông và các hoạt động của hội nghị cấp cao liên quan đến chủ đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng thông tin, về tình hình diễn biến hiện nay trên Biển Đông, theo chương trình của hội nghị, trong các cuộc làm việc của lãnh đạo các cấp trong ASEAN đều có nội dung trao đổi về tình hình trong khu vực và thế giới. “Khi đó, lãnh đạo ASEAN sẽ không “lẩn tránh” trao đổi về nội dung này, nói cách khác, tất cả các vấn đề diễn ra trong thực tế sẽ được đặt lên bàn nghị sự của ASEAN” – ông Dũng quả quyết.
Với câu hỏi khác về khả năng nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, nội dung này không được đặt ra dịp này.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, đến thời điểm này, đáng tiếc là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, từ đầu năm 2020 đến nay chưa có cuộc họp nào về COC được tổ chức. Cuộc họp gần nhất là tháng 10 năm ngoái tại Đà Lạt, khi đó, các nước tham gia đã sẵn sàng bước vào vòng đàm phán văn bản dự thảo về COC.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng thông tin, dự kiến, ngày 1/7 tới đây sẽ có cuộc họp cấp SOM giữa ASEAN và Trung Quốc. Cuộc họp này tuy nội dung không phải về COC hay DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông) nhưng cũng là cơ hội để nhắc đến vấn đề cũng như tính toán việc đến việc khởi động lại các hoạt động đàm phán về COC.
Lời cảm ơn Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông
Khẳng định việc họp trực tuyến, các nội dung nghị sự vấn được đảm bảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trình bày, từ lâu, ASEAN đã ước mơ việc tăng cường các cuộc họp trực tuyến để giảm bớt việc đi lại và chi phí nhưng nhiều năm qua, dù có nhiều cố gắng, việc đó vẫn chưa thực hiện được.
"Không ngờ, do dịch bệnh Covid-19 năm nay mà vô hình chung, Việt Nam đã tổ chức được các phiên họp trực tuyến với các nước bạn và làm tốt. Dù họp trực tuyến không có hình thức giao tiếp thân thiện như gặp mặt, bắt tay, chào hỏi nhau như họp trực tiếp nhưng về nội dung, các phiên họp đều đảm bảo" - ông Dũng nói.
Điểm khó khăn cần khắc phục là sự chênh lệch về thời gian giữa các nước, phải thu xếp cho phù hợp và đảm bảo vấn đề công nghệ.
"Chúng tôi đặc biệt cảm ơn Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông vì đã lo giúp nền tảng hạ tầng tốt để Việt Nam có những cuộc họp tuyệt vời, chất lượng tốt hơn cả so với các nước tham gia" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bày tỏ.
Phương Thảo