1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Làng ung thư” Thạch Sơn: Mệt vì kêu cứu!

(Dân trí) - Không ai biết mức độ ô nhiễm cụ thể ở đây là thế nào chỉ biết những hôm có "gió tạt thì hầu hết mọi người đều viêm họng. Trên bờ, trâu ăn cỏ còn rụng hết răng, dưới nước thì ngay cả đỉa cũng chẳng sống nổi…" - ông Trần Ngọc Viện, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) thông báo ngắn gọn.

Đã 4 tháng kể từ ngày “làng ung thư Thạch Sơn” trở nên nổi tiếng về tình trạng ô nhiễm. Vấn đề nghiêm trọng đến mức được đưa lên diễn đàn Quốc hội khi các đại biểu chất vấn bộ trưởng Y tế và bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường. Tuy nhiên, đến nay mức độ ô nhiễm ở đây vẫn ở dạng… tù mù. Chỉ có con số người mắc, chết vì ung thư là cụ thể và đang tăng dần từng ngày.

 

Thảm hoạ

 

Chúng tôi trở lại Thạch Sơn cùng nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu, tư vấn dịch vụ khoa học an toàn giao thông và môi trường để tìm hiểu những thông tin mới về tình hình ô nhiễm môi trường nơi đây. Ông Trần Ngọc Viện, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Sơn cho biết: “Thạch sơn trước có 11 xóm, giờ chỉ còn 10 xóm do… ô nhiễm từ nhà máy supe phốt phát Lâm Thao. 3 phía của xã đều giáp với các nhà máy có độ ô nhiễm cao là Giấy Bãi Bằng, Supe phốt phát Lâm Thao, Nhà máy Pin và ắcqui chưa kể hàng chục lò gạch đang ngày đêm nhả  khói”.

 

 

“Làng ung thư” Thạch Sơn: Mệt vì kêu cứu! - 1
 

Nguồn nước thải từ nhà máy supe là một
trong những nguyên nhân gây ô nhiễm.

Tình trạng ô nhiễm ở đây được đánh giá là rất nghiêm trọng, do khói công nghiệp tầm thấp và nước thải công nghiệp, chất thải rắn từ nhà máy Supe phốt phát tràn trực tiếp vào khu dân cư. Rồi nước thải của nhà máy giấy Bãi Bằng, khói bụi từ công ty ăcqui…

 

“Những hôm nặng trời, gió tạt thì hầu hết mọi người đều viêm họng. Trên bờ, trâu ăn cỏ còn rụng hết răng, dưới nước thì ngay cả đỉa cũng chẳng sống nổi. Người thì qua kiểm tra 100% hỏng răng, số bị mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa rất nhiều, chưa kể căn bệnh khá phổ biến là… ung thư”, ông Bí thư Đảng uỷ xã kết luận.

 

Mỗi năm, ở Thạch Sơn có trên 10 người chết vì ung thư. Vừa qua, khi bệnh viện K phối hợp cùng Sở y tế tỉnh về khám bệnh cho dân trong xã cũng phát hiện thêm hơn 10 trường hợp ung thư.

 

Tai họa về lâu dài

 

Điều khiến tất cả chúng tôi sửng sốt là mặc dù đã “sống chung với ô nhiễm” hơn 40 năm qua, nhưng những thông tin cụ thể về ô nhiễm thì hoàn toàn mù mờ. Ông Viện cho biết: “Cũng có nhiều đoàn đã về đây khảo sát, đo đạc… nhưng chẳng thấy hồi âm, đến giờ chúng tôi cũng chỉ được khuyến cáo là môi trường ô nhiễm, không nên sử dụng nguồn nước. Còn ô nhiễm ra sao, ở mức độ nào thì chúng tôi cũng không biết”.

 

Tiến sĩ sinh học, chuyên gia về môi trường Hoàng Cao Sĩ, lắc đầu ngao ngán: “Với tình trạng này, mức độ ô nhiễm ở đây là nghiêm trọng. Theo tôi,  rất có thể ô nhiễm đã có ở cả không khí, đất và nước. Đây là nguy cơ tiềm ẩn lâu dài, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nên rất cần được giải quyết triệt để ”.

 

 

“Làng ung thư” Thạch Sơn: Mệt vì kêu cứu! - 2
 

Khói, bụi từ các nhà máy đang bao vây
Thạch Sơn.

Để có thể đưa ra phương án xử lý phù hợp thì rất cần những con số về mức độ ô nhiễm cụ thể. Vậy mà, đến giờ, thông tin này vẫn rất… tù mù. 7.500 con người ở đây vẫn hàng ngày phải đối diện với ô nhiễm, với bệnh tật, cái chết mà tuyệt nhiên không thấy biện pháp cứu cánh nào được đưa ra.

 

Những con số ô nhiễm nơi đây có lẽ chỉ có thể tham khảo của số liệu từ… 20 năm trước. Công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước do Giáo sư - tiến sĩ Bùi Ngọc Phong, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng Đại học Y Hà Nội cách đây 20 năm kết luận: "khí độc flo ở nhà máy cao gấp 70 lần so với mức tiêu chuẩn cho phép. Ở vùng cực đại Thạch Sơn, ô nhiễm khí SO2 cao gấp 23 - 24 lần so với tiêu chuẩn cho phép ở khu dân cư, SO3 cao gấp 14 lần, HF là 36 - 54 lần.  Như vậy, nguy cơ gây ung thư chắc chắn cao".

 

Luật môi trường đã có hiệu lực, người dân nơi đây có quyền được sống trong bầu không khí trong lành. Chỉ tiếc một điều, dường như các cơ quan có trách nhiệm vẫn đứng ngoài cuộc, vẫn thờ ơ trước nỗi mất mát vô bờ mà mỗi người dân Thạch Sơn đang phải chịu đựng. 

 

Theo tính toán, mỗi năm nhà máy suppephotphat Lâm Thao thải ra khoảng 4.706 tấn khí HCl và 2.575 tấn HF, còn lượng SO2 thải ra tùy thuộc vào chất lượng công nghệ sản xuất axit sunfuric. Tất cả các khí này khi gặp hơi nước đều tạo axit và đều là những loại khí thải độc hại gây ung thư.

 

Tiến sĩ hoá học Nguyễn Khanh
(giảng viên trường ĐH Bách Khoa)

 

Đ.Hoà