Quảng Nam:

Làng “triệu phú” giữa đại ngàn

(Dân trí) - Trong khi người dân nhiều ngôi làng vùng cao ở Quảng Nam được nhận đền bù từ các dự án thủy điện đã tiêu hết tiền chỉ sau vài ba năm để nghèo lại hoàn nghèo... thì có những khu tái định cư ở xã Zuôih (huyện Nam Giang) không lặp lại “vết xe đổ” đó. Họ biết giữ tiền, chi tiêu đúng cách và bền vững.

Đó là khu tái định cư (TĐC) Pà Rum A và B. Hai khi TĐC này nằm gần nhau và ở khu vực thượng nguồn thủy điện Sông Bung 4, hạ nguồn thủy điện Sông Bung 2. Hai khu TĐC này có hơn 100 hộ dân từ các khu giải tỏa về đây đã ổn định cuộc sống từ mấy năm nay.

Toàn cảnh làng Pà Rum A
Toàn cảnh làng Pà Rum A

Bước vào hai khu TĐC này, không ai không bất ngờ với sự giàu có của người dân ở đây. Nhà cửa được làm quy mô, hoành tráng với nhiều ngôi nhà được làm với số tiền lên đến cả tỉ đồng.

Cũng như nhiều ngôi nhà khác trong làng Pà Rum B, nhà anh BNươch A Vót (43 tuổi) mới được làm lại từ khi về khu TĐC mới này. Toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ với kiến trúc nhà sàn của người vùng cao, chỉ có nền nhà lót bằng gạch men.

Cổng làng Pà Rum B
Cổng làng Pà Rum B

Hỏi chuyện mãi về ngôi nhà đẹp, anh BNươch A Vót mới rụt rè cho biết, năm 2013, sau khi được đền bù đất rừng được gần 2 tỉ đồng, anh về khu TĐC này dựng nhà mới. Được Nhà nước cho vào rừng lấy gỗ về làm nhà, không phải đi mua nhưng tiền công và các vật liệu khác để làm ngôi nhà này hết gần 1 tỉ đồng, cộng với những khoản mua sắm khác, anh chi hết hơn 1,1 tỉ đồng.

Nhiều ngôi nhà khang trang ở làng Pà Rum B
Nhiều ngôi nhà khang trang ở làng Pà Rum B

Khi chúng tôi hỏi về số tiền còn lại anh còn được bao nhiêu, anh A Vót cũng rụt rè không nói. Được anh dẫn đường động viên một lúc, anh Vót mới cho “khai” thật là số tiền còn lại khoảng 800 triệu đồng, hiện gởi ở ngân hàng, hàng tháng lấy lãi về tiêu xài trong gia đình.

Anh Vót có 3 đứa con, hiện đứa lớn anh đang học ĐH ở Đà Nẵng, còn hai đứa nhỏ học ở ngoài xã. Hàng tháng, với số tiền lãi gần 10 triệu đồng từ ngân hàng, vợ chồng anh Vót chăm chỉ đi làm rừng, làm rẫy; cuộc sống cũng tạm ổn so với nhiều gia đình khác ở miền núi cao này.

Trường tiểu học ngay giữa khu dân cư
Trường tiểu học ngay giữa khu dân cư

“Xưa ở chỗ cũ không có điện nước, cuộc sống khó khăn lắm, giờ điện nước xài thoải mái, không lo gì hết. Gia đình giờ ổn định rồi, không phải sợ đói nữa”, anh Vót tâm sự.

Cũng như gia đình anh Vót, ở khu TĐC Pà Rum B này, nhà nào cũng “hoành tráng”, được làm từ gỗ, có gác, rộng rãi, thoáng mát. Đi vào nơi này không ai nghĩ đây là khu TĐC bởi sự ngăn nắp và trù phú.

Chị Alăng A Eo tranh thủ phơi lúa rồi cất vào bồ
Chị Alăng A Eo tranh thủ phơi lúa rồi cất vào bồ

Các hộ dân vào đây là những hộ bị thu hồi nhà và đất rẫy để làm thủy điện Sông Bung 4. Nhà ít thì được chừng vài trăm triệu, nhà nhiều lên đến hàng tỷ đồng. Đối với đồng bào, đây là số tiền “khổng lồ” bởi lâu nay ít có gia đình nào dư được vài chục triệu để gởi ngân hàng phòng những lúc cần; nhưng nay, ở đây có nhiều gia đình là “triệu phú”.

Cũng bởi họ biết chi tiêu đồng tiền hợp lý và chăm lo làm lụng khi về nơi ở mới, không ỷ lại vào số tiền được nhận mà chi tiêu bừa bãi, đến khi hết tiền, nghèo vẫn hoàn nghèo.

Ngôi nhà bạc tỉ của chị Alăng A Eo
Ngôi nhà bạc tỉ của chị Alăng A Eo

Tại khu TĐC Pà Rum A, chúng tôi gặp chị Alăng A Eo (42 tuổi). Nhìn ngôi nhà của chị, chúng tôi hỏi làm hết bao nhiêu tiền, chị cho biết làm nhà hết 1,3 tỉ đồng. Với số tiền gia đình chị nhận đền bù 2 tỉ đồng, sau khi mua sắm đồ đạc trong nhà, chị còn dư 400 triệu đồng gửi ngân hàng.

Chị có 4 người con, đứa con gái lớn cũng đang học ĐH ở Đà Nẵng, còn 3 đứa nhỏ hiện học ngoài trung tâm xã. Hàng ngày, vợ chồng chị vẫn chăm chỉ đi làm rẫy, lúc thóc vẫn đầy bồ. Những ngày cuối năm, khi chúng tôi đến, tranh thủ những lúc trời nắng ráo, chị A Eo phơi lúa cho khô rồi cất trong bồ để ăn quanh năm.

Cuối năm, bà con ở đây được nhận quà từ các đơn vị, cá nhân đến trao
Cuối năm, bà con ở đây được nhận quà từ các đơn vị, cá nhân đến trao

Thế nhưng, cũng có những trường hợp cá biệt như cuộc sống của người dân ở làng Pà Rum 2 và B. Cuộc sốg ở vùng đất này khác xa những “làng triệu phú” khác mà chúng tôi có dịp ghé qua, nhiều ngôi làng từng được mệnh danh là “làng tỷ phú giữa đại ngàn” khi nhận tiền đền bù từ các dự án thủy điện vào những năm 2012-2013, nhưng rồi dân làng ở đây đã tiêu tiền như... lá mít.

Có tiền, họ dựng những ngôi nhà gỗ hàng tỷ đồng, to như biệt phủ. Lúc đó họ chỉ có việc ăn nhậu thâu đêm suốt sáng. Nhưng rồi chỉ sau vài năm, họ trở lại với quá khứ nghèo đói của mình, thậm chí còn khổ hơn xưa vì ruộng nương nay đã mất hết, nghề nghiệp không có... để rồi nghèo lại hoàn nghèo.

Làng Pà Rum A và B

Trao đổi với PV Dân trí về cuộc sống người dân TĐC hiện nay, ông Pơ Long Diệu – Chủ tịch xã Zuôih cho biết, trên địa bàn xã có 3 khu TĐC là Pà Rum A, B và Padhi là điển hình trong các khu TĐC.

“Từ khi về khu TĐC này, cuộc sống người dân so với trước cơ bản được đảm bảo. Nếu không có dự án thủy điện thì địa phương sẽ không có đường, nhà cửa không được khang trang như bây giờ. Cuộc sống của người dân khấm khá hơn trước đây rất nhiều”, ông Pơ Long Diệu – Chủ tịch xã Zuôih cho biết.

Tuy nhiên, ông Diệu cho hay, đứng trước nguy cơ tái nghèo, xã đã tuyên truyền vận động người dân chăm lo làm ăn, không ỷ lại vào số tiền từ đền bù, tiêu xài đồng tiền đúng mục đích, không lấy tiền đền bù tiêu xài hết.

“Xã cũng tổ chức dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt cho người dân để họ cải thiện cuộc sống, tạo dựng kinh tế gia đình bền vững. Xã có 346 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu nhưng đa số họ biết cách tiêu tiền”, ông Diệu nói.

Công Bính