1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Làng tỉ phú ven đô

(Dân trí) - Những ngôi biệt thự bạc tỉ, những “xế hộp” bóng loáng, những gia đình mở dịch vụ taxi, tấp nập ô tô ra vào... Đó là quang cảnh ở hai xã Phụng Công và Xuân Quang (Văn Giang, Hưng Yên).

Cả làng trồng cây cảnh

Nằm cách cầu Chương Dương (Hà Nội) ít phút vặn ga xe máy, hai xã Phụng Công và Xuân Quang hiện lên trong mắt khách phương xa với những ngôi biệt thực bề thế. Ở đó, “vốn lận lưng” của những nông dân chân lấm tay bùn đã lên đến hàng trăm triệu, thậm chí cả chục tỷ đồng.

Trước đây, người dân ở những địa phương này mưu sinh bằng đồng ruộng, nhưng thu nhập từ cây lúa cằn cỗi cũng chẳng kham nỗi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Rồi cách đây mấy năm, “bắt chước” những làng hoa ở Nhật Tân (Hà Nội), Mê Linh (Vĩnh Phúc)… người dân hùn vốn trồng cây cảnh, tạo nên một nghề mới bội thu trong những vụ mùa.
 
Những ngày giáp tết, bà con trong thôn 1 (xã Xuân Quang) tấp nập chuẩn bị cho những chuyến hàng phục vụ ngày lễ truyền thống của dân tộc. Những cành quất, cây vạn tuế, lộc vừng, si… được bàn tay người chủ tỉa tót, tạo nên những hình dáng bắt mắt để giao cho khách hàng.

Bà Tèo, một người dân trồng cây cảnh ở Phụng Công, cho biết, dù chưa đến Tết nhưng hàng đã được đặt từ lâu. Như gia đình bà, trong một ngày có đến 3-4 chuyến ô tô về lấy hàng, mang lên Hà Nội, vào miền Trung, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Hữu xạ tự nhiên hương, dân chơi cây cảnh tứ xứ đổ về Xuân Quang và Phụng Công ngày một nhiều. Lý do là ở đây có nhiều loại cây để chọn lựa, giá cả cũng phù hợp, chất lượng cây cũng đảm bảo.
 
Làng tỉ phú ven đô - 1
Những cây lộc vừng như thế này đã "xây" lên nhiều ngôi nhà bạc tỷ.
 
Ở Phụng Công và Xuân Quang, thời điểm cây lộc vừng còn được giá, có tháng nhiều gia đình thu nhập cả trăm triệu đồng. Nơi này, mỗi gia đình như một ngôi nhà vườn, ở đó là cả bộ sưu tập về cây cảnh như trà, lộc vừng, si… Mới chỉ tính vốn, tiền từ những loại “bất động sản có lá” đó cũng có giá hàng trăm triệu, có khi cả tỉ bạc.

Đắt khách, cây cảnh ở hai xã này không chỉ chiếm lĩnh thị trường “ao làng” nội địa mà còn lên “công” (container) xuất ngoại. Những thế đứng của lộc vừng, trà, cau cảnh… đã có mặt ở Hà Lan và một số nước Đông Nam Á.

Những ngôi biệt thự ven đê sông Hồng

Người dân ở Xuân Quang nói rằng, nông dân ở địa phương này ít lắm, phải gọi tên chính xác là những tiểu thương hoặc “nông dân thu nhập cao”. Mà kể cũng phải, nằm khá xa Hà Nội, nhưng tốc độ đô thị hóa ở đây đã vào đến từng ngõ ngách trong mỗi xóm làng. Những ngôi biệt thự mọc lên ngày càng nhiều, nếu chỉ một lần đi qua lại nhầm tưởng là khu biệt thự cao cấp của các “đại gia” thành phố mua sẵn để “dối già”.

Là “hàng xóm” của xã Xuân Quang, Phụng Công cũng không thiếu những ngôi biệt thự, nhà cao tầng bề thế; thậm chí còn nhiều và “hoành tráng” hơn. Ngay đường vào xã, những ngôi nhà toát lên vẻ sang trọng từ công sức của những nông phu biết xắn tay làm kinh tế thị trường.

Trong khu vườn khá rộng của gia chủ Phạm Văn Sáu, những thế đứng của cây lộc vừng được chủ nhà định giá cả mấy chục triệu một gốc. Bắt tay vào nghề kinh doanh cây cảnh từ năm 2003, cơ ngơi của ông Sáu giờ đây là ngôi biệt thự giá trị gần một tỷ đồng.
 
Làng tỉ phú ven đô - 2
Một ngôi biệt thự ở Phụng Công.
 
Một cán bộ hưu trí ở xã Phụng Công không giấu niềm tự hào: Ở Phụng Công không tìm ra người nghèo, chỉ có hộ giàu và “rất giàu” mà thôi. Mà cái này thì dễ minh chứng, có những gia đình số vốn lên đến hàng chục tỉ đồng, thanh niên trong làng cũng cầm trong tay hàng trăm triệu đồng.
 
Đường vào Phụng Công thấp thoáng những biển hiệu của những “hãng” taxi tư nhân. Đời sống lên nhanh, nhiều người đã bỏ tiền mua hàng chục chiếc xe ô tô loại đắt tiền để kinh doanh dịch vụ vận tải. Xe hơi đã thay xe máy, dùng xe hơi để tiện giao dịch làm ăn, đó cũng là một thứ “mốt” đang lên của vùng đất ven đô đầy tiềm năng này.

Mải mê kiếm ăn, nhiều gia đình đã “cửa đóng then cài” ngôi biệt thự, ra dựng lều ven bãi sông tận dụng đất phù sa chăm bón cây cảnh. Khí trời mát, nước sông Hồng đỏ phù sa, thứ tài nguyên thiên nhiên quý báu đó đang được người Phụng Công, Xuân Quang tận dụng hiệu quả, để biến thành biệt thự, xe hơi và những đồng tiền có thật.

Trần Hưng