1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Làng tỉ phú “mổ” xe

Ở xã Tề Lỗ thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện một tầng lớp tỉ phú có tuổi đời rất trẻ. Họ đang làm thay đổi bộ mặt kinh tế của vùng thuần nông này bằng một nghề thuộc hàng độc nhất vô nhị ở Việt Nam: nghề “mổ” xe.

“Mổ” và “độ”

 

Con đường độc đạo vào Tề Lỗ rất gập ghềnh, khó đi. Đặc biệt vào mùa mưa cả đoạn gần 5 cây số gần như lúc nào cũng đặc quánh lại vì bùn. Giải thích về sự xuống cấp nghiêm trọng của hạ tầng ở đây, anh Phước - người dẫn chúng tôi đi - cho biết: “Xe tải chạy rầm rập suốt ngày, đường nào chịu nổi. Trước đây cũng có đường đẹp, nhưng với hoạt động của “đại công trường” này thì việc đầu tư là lãng phí. Đường đẹp, tốt đến mấy sau cũng chỉ thế này thôi”.

 

Nhìn sang hai bên, chúng tôi thấy ngổn ngang linh kiện, chi tiết của những chiếc xe cũ (ôtô, máy ủi, máy kéo, máy xúc...) xếp ken đặc vỉa hè. Người dân ở đây gọi chúng là “xe công trình”.

 

Chúng tôi vào đến trung tâm của “công trường”. Bên tai lúc này là tiếng chan chát của những nhát búa gõ vào kim loại, tiếng những mỏ cắt hơi ôxy hoạt động hết công suất để phanh từng mảng lớn bộ phận chiếc xe. Tôi có cảm giác, những tay thợ nơi đây không hề muốn ngừng làm việc dù trời cũng sắp nhọ mặt người.

 

Khoảng hai chục năm trước, Tề Lỗ được biết đến với nghề lái trâu khi nền kinh tế thị trường xuất hiện. Sau rồi nghề lái trâu cũng mai một dần khi nghề buôn đồng nát phát triển. Anh Trần Xuân Lộc, Bí thư Đoàn xã Tề Lỗ, nhận xét: “Buôn bán sắt vụn thời điểm đó cho thu nhập cao hơn, trúng một quả có khi sống rủng rỉnh cả năm”.

 

Người này làm có lời, người khác cũng bắt chước làm theo ngay, đó là cái nhanh nhạy ít thấy ở người nông dân. Anh Kiên, chủ một cửa hàng máy công trình ở đây kể: “Theo sự phát triển của nghề thì Tề Lỗ trở thành nơi tập trung rất lớn của các mặt hàng sắt vụn.

 

Trong những thời điểm làm ăn, người ta phát hiện ra chi tiết của những xe công trình cho lợi nhuận cao hơn, vậy là bắt đầu quay sang thu mua những phụ tùng đó. Tiến thêm một bước, họ bắt đầu “độ” xe (trung tu, đại tu xe), mua xe cũ rồi ráp lại thành xe mới, bán kiếm chênh lệch gấp vài lần”.

 

“Mổ” và “độ” xe là hai đẳng cấp khác nhau. “Mổ” tức là tháo dỡ thì chỉ cần lao động phổ thông, với mức thù lao khoảng 70 ngàn đồng/ngày. “Độ” - ngược lại là lắp ráp, là “thổi”, “chế biến” chiếc xe cũ nát thành xe mới; “độ” xe đòi hỏi thợ có tay nghề với mức tiền công cao hơn hẳn. Dân “độ” xe thường được chiêu mộ từ các hãng sửa chữa xe chuyên nghiệp hoặc từ các tỉnh lân cận; trong khi đó dân “mổ” thuần chất là những thanh niên trong huyện. Chính vì thế, trong khi nhiều nơi tình trạng thất nghiệp phổ biến thì dân ở đây không lúc nào hết việc.

 

Mua phế thải, bán... công dụng

 

Kiên bảo: “Người Tề Lỗ mua xe công trình theo kiểu mua sắt vụn. Về lọc riêng “nội tạng”, thứ nào ra thứ đó rồi bán. Nói thật, ở đây như chợ trời về phụ tùng xe, chả thiếu gì. Buôn bán như vậy người ta gọi là mua phế thải, bán công dụng”.

 

Xe công trình mua về thường được phân chia theo lĩnh vực, sở trường. Chẳng hạn, người chuyên kinh doanh vòng bi, bánh lái; người chuyên cần số, nhíp, nhựa, gầm bệ, máy... Ở một lĩnh vực được coi là hẹp như nhíp ô tô cũng xuất hiện nhiều “đại gia” thứ thiệt. Riêng tiền bán nhíp cho các nông trường cao su cán làm dao cạo mủ cũng kiếm không ít, chưa kể đến việc phân phối cho các xưởng sửa chữa. Thỉnh thoảng, người Tề Lỗ mua được cả chi tiết, phụ tùng phế thải của... máy bay và xe tăng.

 

Để bắt đầu vào nghề, trước tiên phải xây dựng một đội ngũ “chim màu” chủ lực. Anh Kiên giải thích: “Chim màu là mạng lưới người môi giới rải rác trên địa bàn khắp cả nước do chủ cơ sở thiết lập. Chim màu do chủ cơ sở nuôi, ăn chia hoa hồng trong mỗi phi vụ”. Bởi thế, nhiệm vụ đặt lên vai “chim màu” là vô cùng quan trọng trong chiến lược kinh doanh của chủ cơ sở. Thông tin về các chương trình đấu giá xe công trình được “chim màu” thuộc như lòng bàn tay. Ngoài ra, mối quan hệ cực thân với địa phương sẽ là công cụ đắc lực giúp “chim màu” hoạt động hiệu quả trong các phi vụ đấu giá. 

 

Q, tên một thanh niên còn khá trẻ mà theo lời giới thiệu của anh Kiên là đã có trong tay gần chục tỉ đồng. Q vừa trúng thầu một lô xe ủi, mang máy về, anh ta cho người “độ” lại. Thông qua “chim màu”, Q kết nối với một thương gia người Ả Rập để bán lại. Vụ đó, Q nuôi “chim màu” hết 40 triệu đồng, trừ chi phí vẫn bỏ túi hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Q đánh giá thì đây là vụ làm ăn may mắn trong một hoàn cảnh tình cờ vì kinh doanh phải có chiến lược.  Nếu không, sẽ phải trả giá. Nghề không phụ người song nếu không “nhất nghệ tinh” thì cũng khó trụ vững.

 

Không hiếm trường hợp phải nhận những “quả đắng”. Q kể: “Ở xã Đồng Văn (huyện Yên Lạc) có cậu mới tập “mổ” xe, mua phải lô hàng độc (hàng không sản xuất nữa), phụ tùng không có để thay thế, vậy là nằm đắp chiếu hàng tháng trời, bán lỗ gần trăm triệu. Như thế cũng là may, nhiều năm trước có thợ “mổ” còn khuynh gia bại sản, tan nát gia cảnh”.

 

Q cũng “dính” vài vụ vì mua phải những lô xe công trình toàn vỏ mà không có lõi. Q đúc rút: “Kinh nghiệm phải cần thời gian, song quan trọng nhất đối với nghề là nắm vững thị trường mua - bán và thông số kỹ thuật của hàng. Tinh thông nghiệp vụ là yếu tố cơ bản thành công trong nghề này”.

 

Những tỉ phú tuổi 30

 

Bí thư Đoàn Trần Xuân Lộc tính toán, ở Tề Lỗ có khoảng 1.400 hộ dân và 1/3 trong số đó làm nghề thu mua xe công trình. Đa số trong độ tuổi thanh niên và nếu tính theo mức tài sản từ 10 tỉ đồng trở xuống thì Tề Lỗ có khoảng 70 người. Anh Lộc nhẩm tính: “Tề Lỗ có lẽ là địa phương có mật độ xe hơi tính trên số hộ dân thuộc vào diện lớn nhất cả nước. Dân ở đây toàn chơi xe đẹp, vì phải đi giao dịch làm ăn mà. Xe Camry 2.4, BMW có khoảng vài chục cái, còn các dòng xe rẻ tiền hơn thì phải tính bằng 3 chữ số”.  

 

Người dân Tề Lỗ thường nhắc đến Đào Đình Th như biểu tượng của sự vượt khó thành công. Sinh năm 1974 trong một gia đình nghèo, mồ côi cha mẹ từ sớm, Th bắt đầu nghề “mổ” xe bằng việc thu mua sắt vụn. Đến nay, có thể coi Th là tỉ phú của các tỉ phú ở Tề Lỗ. Tri ân với đời, Th luôn làm việc nghĩa, việc thiện giúp người mỗi khi có cơ hội. Theo ước tính của dân cùng nghề, tài sản của Th khoảng gần 100 tỉ đồng, chưa kể hơn 100 máy công trình đang chờ ngày xuất xưởng...

 

Chia tay chúng tôi, anh Trần Xuân Lộc cho biết thêm: “Dư nợ xã (tiền vay ngân hàng) từ 120 tỉ xuống còn 90 tỉ đồng, dân xã mình đang khấm khá dần lên rồi. Đợt đấu giá xe APEC, người Tề Lỗ không tham gia chẳng qua vì xe khó bán trên thị trường. Không phải vì thiếu tiền đâu nhé...”.

 

Theo Mạnh Dương

Thanh Niên